Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tin'Nồi áp suất' và ước mơ của phụ huynh Trung Quốc

‘Nồi áp suất’ và ước mơ của phụ huynh Trung Quốc

Bé gái Bắc Kinh Angelina 11 tuổi nói lưu loát tiếng Anh và tiếng Trung, biết chơi bóng vợt, bóng đá và thường xuyên tham gia các trại hè ở Mỹ. 

Cha mẹ của Angelina lựa chọn hệ thống giáo dục tư cho con gái, vì lo lắng về “hiệu ứng nồi áp suất”, tức việc học hành trở nên quá áp lực, trong nền giáo dục công của Trung Quốc.

“Tôi cho hai con gái học trường tư vì ở trường công thiếu sự kết nối giữa giáo viên và học sinh. Ngoài ra, việc học quá áp lực”, Amy Lin, người từ Đài Loan chuyển đến Bắc Kinh sống với chồng 6 năm trước nói.

“Tôi sẽ gửi các con đến Mỹ học trong tương lai. Ở đó có nhiều trường đại học và cơ hội làm việc tốt hơn”, Lin nói thêm.

Theo BBC, gia đình Lin chỉ là một trong nhiều gia đình Trung Quốc giàu có quay lưng với nền giáo dục truyền thống. Đối với việc giáo dục con em, ngày càng nhiều phụ huynh đòi hỏi sự đổi mới, cách tiếp cận theo kiểu phương Tây mà họ cho là sẽ giúp con cái phát triển trí sáng tạo. Họ sẵn sàng chi hầu bao cho việc này.

CLSA – một hãng đầu tư và môi giới chuyên về thị trường châu Á ước tính thị trường giáo dục tư ở Trung Quốc trị giá khoảng 315 triệu USD. Dự tính lượng tuyển sinh vào các trường tư quốc tế sẽ tăng trưởng 14% mỗi năm cho đến 2018.

Thị trường giáo dục tư ở Trung Quốc sôi động với đủ loại tùy chọn như lớp phụ đạo một tuần một lần cho đến lớp nội trú toàn thời gian. Một số trường còn cung cấp nhiều bậc học từ mẫu giáo cho tới cấp ba, với nhiều hoạt động ngoại khóa hay phụ đạo tiếng Anh, nghệ thuật hoặc âm nhạc.

Một nghiên cứu do công ty tư vấn quản lý McKinsey công bố hồi tháng 1 cho thấy, ở bậc mầm non, Trung Quốc có nhiều trường tư hơn trường công; ở bậc phổ thông cơ sở tỷ lệ các trường tư tăng từ 3% lên 10% trong chưa đầy một thập kỷ.

Mẫu giáo – khởi đầu của “nồi áp suất”

Mỗi năm có hơn 9 triệu học sinh Trung Quốc tham dự “gaokao” – kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc. Đây là bước ngoặt xác định trường đại học mà một người theo học, từ đó quyết định công việc và địa vị xã hội trong tương lai. 

Cuộc đua “gaokao” bắt đầu từ mẫu giáo, thời điểm các bậc phụ huynh phải tranh nhau để ghi danh cho con vào những trường tốt nhất. Nếu vào được trường mẫu giáo tốt, con cái họ có thể học lên các trường tiểu học, trung học tốt hơn, cũng như vào những trường cấp ba hàng đầu – nơi phân bổ giáo viên và nguồn lực tốt nhất.

“Hệ thống giáo dục hiện nay bỏ qua việc phát triển nhân cách, giá trị và trách nhiệm xã hội. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề lớn cho đất nước chúng tôi”, Yang Dongping, chuyên gia giáo dục viện công nghệ Bắc Kinh kiêm trưởng khoa nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 cho biết.

“Rất khó thay đổi tư duy từ một nền giáo dục lấy thi cử làm trọng sang một nền giáo dục lấy cá nhân làm trọng”, Yang noi.

Hàng loạt trường học tư mọc lên ở Trung Quốc, không chỉ ở những đô thị trung tâm, để lấp đầy khoảng cách ngày càng lớn giữa kỳ vọng của tầng lớp trung lưu mới về một nền giáo dục ưu tú và những gì hệ thống trường công có thể đáp ứng.

Xu hướng

Khi Marianne Daquet thành lập Atelier – một trường nghệ thuật tư ở Bắc Kinh, cô đã đánh trúng xu hướng này.

Atelier dạy mọi thứ, từ sơn dầu đến điêu khắc cho học sinh Trung Quốc từ 3-15 tuổi. Đứng lớp là giáo viên nước ngoài, người Anh hoặc Pháp. Một số học viên ở đây đã nộp đơn vào những viện nghệ thuật nổi tiếng thế giới như St Martins ở London hay Beaux Arts ở Paris.

“Học sinh Trung Quốc đến với chúng tôi vì chúng tôi cung cấp những khóa học phát triển trí sáng tạo”, Dauquet nói. “Chúng tôi không quan tâm đến điểm số, mà chỉ muốn cho trẻ em những kinh nghiệm thực tế để sử dụng trong tương lai”.

Daquet là người Pháp, đến Bắc Kinh 8 năm trước. Nhu cầu về những trường học như Atelier đã thôi thúc cô mở tiếp ngôi trường thứ hai ở thủ đô Trung Quốc. Cô đang có kế hoạch mở rộng sang những thành phố khác ở Trung Quốc.

“Lý do tôi mở trường tư vì chúng tôi hiểu rõ tuổi thơ của mình đã mất mát điều gì”, Kangxie, người sáng lập một trường tư năm ngoái ở Bắc Kinh cùng chồng và một cặp đôi khác, cho biết. Xie từng học sư phạm ở Mỹ những năm 90, trước khi quay về Trung Quốc và làm việc cho một công ty quốc tế.

Chú của Xie, từng là lãnh đạo một trường học uy tín ở Bắc Kinh, nay điều hành trường Aurora. Trường học đưa ra giáo trình phát triển tập trung vào tâm trí, cơ thể. Trẻ em có thể tự tìm hiểu cách tháo dỡ và lắp ráp lại một chiếc xe đạp, tự trồng rau và hoa quả, hay dọn rác con sông gần đó. Chủ đề học trải rộng từ sinh thái học cho tới văn hóa lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Khi được hỏi có gặp khó khăn gì khi thuyết phục cha mẹ gửi con theo học giáo trình tân tiến như vậy không, Xie mỉm cười và nói: “Không. Phụ huynh đến với tôi trong tâm trạng đang tìm kiếm điều khác biệt. Tôi đáp ứng đúng nhu cầu của họ”.

Chi phí cho lựa chọn hệ giáo dục tư không hề rẻ. Một nghiên cứu do tập đoàn truyền thông Hurun cho biết, người giàu nước này sẵn sàng đầu tư 20-25% chi tiêu thường niên cho giáo dục con cái. 

Ví dụ như gia đình Lin, mỗi năm họ chi 28.000 USD cho học phí của Angelina, gấp hàng chục lần so với 1.500 USD mỗi năm của một gia đình gửi con đến học trường công.

Các bậc phụ huynh sẵn sàng móc hầu bao vì giáo dục tư ở Trung Quốc không chỉ là cánh cửa dẫn tới các chương trình giảng dạy quốc tế, mà còn cung cấp tiềm năng lọt vào các trường đại học nước ngoài, cũng như công việc có mức lương hậu hĩnh.

Có thể cách tiếp cận của mỗi phụ huynh khác nhau, nhưng mục tiêu và kỳ vọng của họ vào con cái đều giống nhau. Phần lớn muốn con cái có cơ hội lọt vào các trường danh tiếng nước ngoài trong Ivy League (8 trường hàng đầu ở Mỹ) hay Oxoford hoặc Cambridge ở Anh.

Số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đã tăng từ 60.000 người năm 2004 lên hơn 274.000 người năm 2014, theo số liệu của Tổ chức giáo dục quốc tế. Điều này có nghĩa, sinh viên Trung Quốc chiếm một phần ba số lượng sinh viên nước ngoài ở Mỹ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới