NATO ngày càng lo sợ rằng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và hợp tác quân sự.
Tình hình căng thẳng gần đây ở Ukraine và Trung Đông khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với đối tác nước ngoài để thực hiện dự án 3,4 tỷ USD sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân, giúp quân đội có hỏa lực mạnh hơn và đặt nền móng để nước này có thể xuất khẩu tên lửa, theoNYTimes.
Cách đây hai năm, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã dội một gáo nước lạnh vào các đồng minh NATO khi tuyên bố chấp thuận giá bỏ thầu tên lửa của Trung Quốc, vốn thấp hơn giá tên lửa Patriot của Mỹ cũng như các hợp đồng tương tự của Tây Âu và Nga.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là một nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ thống tên lửa Patriot của NATO. “Bạn không thể bảo vệ đường biên giới dài 911 km chỉ bằng tên lửa Patriot”, Merve Seren, chuyên gia an ninh ở Viện Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội, một tổ chức chính sách công ủng hộ chính phủ Ankara, tuyên bố.
Từ khi tình hình xung đột Syria xấu đi, NATO đã hạn chế cung cấp tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, và bắt đầu rút các hệ thống này sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi. “Việc triển khai các hệ thống phòng không của NATO lúc tăng lúc giảm. Tôi không hiểu đây có phải là một thông điệp mà các đối tác của họ có thể tin tưởng hay không”, Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismai Demir nói.
Theo giới phân tích, thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa phần nào cho thấy Ankara đang hướng về phía Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào NATO. Thậm chí, ông Demir còn tuyên bố: “Lợi ích quốc gia của chúng tôi và NATO có thể không giống nhau trong một số hành động”.
Dự án tên lửa với công ty Trung Quốc “là một trong số những điều khiến người ta cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả về Trung Quốc”, Mehmet Soylemez, chuyên gia nghiên cứu châu Á ở Viện nghiên cứu Chính trị và Xã hội ở Ankara nói. “Trung Quốc đang muốn thiết lập lại cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu”.
Về mặt kinh tế, kế hoạch này phần nào thể hiện được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại những khu vực mà Con đường Tơ lụa cách đây hơn 1.000 năm trên bộ và trên biển của họ đã vươn tới, và nay Bắc Kinh đang nỗ lực khôi phục lại mối quan hệ gần gũi đó với Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa hàng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc, từ máy hút bụi đến dụng cụ bày ở bàn ăn. Công ty Trung Quốc thâu tóm các mỏ đá và mỏ than, nắm 65% cổ phần cảng container lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc cũng đang giúp xây dựng gần chục tuyến đường sắt và đang là nhà cung cấp vũ khí lớn của Thổ Nhĩ Kỳ khi bán các tên lửa công nghệ thấp cho nước này.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng chuyển hướng sang Trung Quốc vì lý do chi phí. Arzum, một trong những công ty sản xuất thiết bị nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ lại đặt hàng chế tạo các máy pha cà phê Okka từ miền đông nam Trung Quốc.
“10 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ không thực sự nhìn ra mối đe dọa Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Mối đe dọa này đã được chuyển thành cơ hội”, T. Murat Kolbasi, chủ tịch công ty Arzum nói.