Các trang mạng Trung Quốc từng đăng tải thông tin, Nga đã từ chối bán nhiều loại vũ khí “khủng” như S-400, Su-35, tàu ngầm Lada cho Việt Nam.
Truyền thông Trung Quốc bàn cách triển khai S-400
Mới đây, Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) đã thông báo rằng, Trung Quốc sẽ được trang bị 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, mỗi tiểu đoàn sẽ bao gồm 6-8 xe phóng, mỗi xe trang bị 4 ống phóng tên lửa. Mỗi tiểu đoàn này có cơ số đạn lên tới khoảng 48 quả tên lửa tầm xa.
Tuy nhiên thông tin vào tháng 4-2015 cho biết, Bắc Kinh đã đàm phán thỏa thuận với Moscow mua 2 trung đoàn tên lửa phòng không S-400, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn với giá 3 tỉ USD. Hai trung đoàn này gồm sáu tiểu đoàn, với 36 xe phóng tên lửa.
Đài truyền hình này cũng nhận định rằng, sau Trung Quốc, cả Ấn Độ và Việt Nam cũng đều đã hỏi mua các tổ hợp phòng không tối tân của Nga, trong đó New Dehli đã đạt thành thỏa thuận với Moscow.
Sau khi nhận S-400, Ấn Độ sẽ triển khai tại ven biên giới các bang đối diện với nước này. Lực lượng không quân của Quân khu Thành Đô và Quân khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương sẽ phải đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng, bởi S-400 sẽ thọc sâu vào lãnh thổ Trung Quốc vài trăm km.
Tuy nhiên, thời điểm giao hàng của cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa xác định, nhiều khả năng sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2017, sau khi Nga đã biên chế đủ các hệ thống phòng không này cho binh chủng phòng không thuộc lực lượng hàng-không vũ trụ thuộc các quân khu của nước mình.
Hệ thống phòng không S-400 Nga bán cho Trung Quốc có giá khoảng 500 triệu USD/1 tiểu đoàn |
Sau khi PLA có được hệ thống tên lửa đánh chặn này, S-400 sẽ được triển khai nhằm vào Đài Bắc, để khống chế eo biển Đài Loan và các tỉnh ven bờ biển Hoa Đông như tỉnh Chiết Giang và thành phố Thượng Hải để đánh chặn lực lượng không quân Mỹ – Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng có ý kiến cho rằng, một vài hệ thống sẽ được bố trí ở các tỉnh ven bờ Biển Đông như Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây hoặc các vùng ven biên giới Ấn Độ ở các khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương, để để phòng lực lượng không quân rất mạnh của Ấn Độ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin Nga từ chối bán vũ khí tối tân cho Việt Nam
Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng không quên bình luận về khả năng Việt Nam mua các loại vũ khí tối tân của Nga.
Truyền thông nước này đã đưa ra nhiều luồng thông tin trái chiều về việc Việt Nam có ý định đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400, máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ hiện đại nhất của Nga là Su-35 hay tàu ngầm AIP thế hệ mới lớp Lada, Project 677.
Truyền thông Trung Quốc cũng đồng thời đưa tin, sau khi bán S-400 cho nước này thì Nga cũng sẽ bán cho Ấn Độ và Việt Nam, hai quốc gia đang mong muốn sở hữu thêm các hệ thống phòng không tối tân và cũng là những nước đang biên chế khá nhiều loại vũ khí hiện đại của nước này.
Tàu ngầm Lada của Nga bán cho Trung Quốc có giá khoảng 700 triệu USD |
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, quân đội Việt Nam đã dạm mua 4 tiểu đoàn S-400, các hệ thống này sẽ bố trí ở Hà Nội và Vịnh Bắc Bộ cùng với một vài tỉnh dọc Biển Đông, giúp phòng không Việt Nam có thể bao phủ cả biên giới phía Bắc và khống chế cả không phận Biển Đông.
Tuy nhiên, một trang mạng khác của Trung Quốc là “Quan sát” (Guancha.cn) lại đưa ra thông tin trái chiều rằng, Việt Nam đã đặt mua tất cả những gì Trung Quốc đã từng dạm hỏi Nga, nhưng Moscow đã từ chối bán các vũ khí tối tân này cho Việt Nam.
Trang mạng này cho rằng, ngay từ tháng 8-2014, phái đoàn quân sự Việt Nam cùng Đại sứ Việt Nam tại Nga đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Anton Karimov đề cập ý định mua các loại vũ khí bao gồm: Tên lửa phòng không S-400, tàu ngầm Lada, máy bay Su-35S, nhưng Nga đã từ chối.