Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngNhững bóng ma trên Biển Đông

Những bóng ma trên Biển Đông

Chúng thường xuyên ngăn chặn, đâm thủng tàu thuyền, làm hư hỏng thiết bị, trộm cướp nguồn cá và đánh đập ngư dân Việt Nam.

Humphrey Hawksley, một chuyên gia về châu Á ngày 29/12 bình luận trên Nikkei Asian Review, châu Á cần phải tự điều chỉnh mình trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu để Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau ở Biển Đông thì cả khu vực Đông Nam Á có thể trở lại tình trạng ảm đạm của chiến tranh nửa thể kỷ trước khi biến thành chiến trường của các siêu cường.

Những bóng ma trên Biển Đông

Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi nằm ngoài khơi cách bờ biển Việt Nam 32 km, đồng thời cũng nằm ngay trên cạnh đường lưỡi bò (phi lý, bành trướng) của Trung Quốc đòi “chủ quyền” với 90% diện tích Biển Đông. Dân số trên đảo khoảng 20 ngàn người và mới chỉ được dùng điện lưới quốc gia từ năm ngoái.

Từ xa xưa, các tàu cá ở Lý Sơn đã khai thác, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà không bị cản trở, nơi cách đảo 320 km. Nhưng từ khi Trung Quốc thúc đẩy yêu sách lưỡi bò đã đẩy ngư dân Lý Sơn vào trung tâm của một vấn đề quốc tế ngày càng căng thẳng.

Nó cũng tạo ra một cơ hội cho châu Á chứng minh rằng mình đủ mạnh để tự khắc phục các vấn đề trong khu vực, tránh một cuộc đối đầu giữa 2 siêu cường Trung – Mỹ và thuyết phục Bắc Kinh, tương lai nằm ở sự thỏa hiệp chứ không phải đối đầu.

Những tàu cá Lý Sơn cứ 10 ngày lại một lần vươn khơi, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ cũng khai thác được lượng hải sản trị giá khoảng 5000 USD. Nhưng trừ tiền nhiên liệu, tiền công thợ thuyền, tuy nguồn cá cung cấp đầy đủ và dồi dào nhưng không nghĩa là cuộc sống của ngư dân đã giàu có, xa hoa.

Ngày nay, ngư dân Việt Nam thường xuyên gặp rắc rối với lực lượng Cảnh sát biển, Ngư chính Trung Quốc. Chúng thường xuyên ngăn chặn, đâm thủng tàu thuyền, làm hư hỏng thiết bị, trộm cướp nguồn cá và đánh đập ngư dân Việt Nam.

Ông Võ Văn Giàu, một ngư dân 42 tuổi ở Lý Sơn cho biết: “Họ đã phá hủy tất cả mọi thứ trong cabin và trên boong tàu. Sau đó họ ấn tôi quỳ xuống như thế này và đánh tôi bằng dây thép và một cái vồ bằng gỗ”, ông Giàu siết chặt nắm tay sau gáy và tự ấn đầu mình xuống để diễn tả lại cảnh bị bắt bớ.

Sống cả đời trên đảo Lý Sơn, ông Giàu chỉ có một công việc duy nhất là đánh bắt cá, như những gì cha và ông nội đã sống. Trong con mắt của Bắc Kinh, những ngư dân Việt Nam như ông Giàu đã “phạm tội” (?!). Trong hầu hết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Bắc Kinh luôn từ chối thảo luận hay cung cấp thông tin chi tiết những vụ việc như của Võ Văn Giàu.

Ngư dân Lý Sơn Võ Văn Giàu, ảnh: Nikkei Asian Review/Poulomi Basu.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn ngăn chặn mọi nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, kể cả của Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11 vừa qua ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Trung Quốc đã tự tạo ra một bộ máy chính quyền (bất hợp pháp) trên quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo này của Việt Nam kể từ các cuộc tấn công năm 1956 và 1974.

Quá nhiều nan giải

Cho đến nay các phản ứng quốc tế trước hành vi bành trướng hung hăng của Trung Quốc vẫn còn thấp, nó mới chỉ hạn chế trong lời nói và các chuyến bay quân sự thường xuyên của Hoa Kỳ và Úc trong khu vực quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Mục đích của Bắc Kinh là đối phó trực tiếp với Việt Nam và Philippines thông qua đàm phán song phương, sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để buộc đối phương chấp nhận những gì họ muốn. Nhưng kế hoạch đó của Bắc Kinh có rất ít cơ hội thành hiện thực.

Một nửa khối lượng thương mại vận chuyển qua đường hàng hải đi qua Biển Đông và hiện đang phải đối mặt với quá nhiều đe dọa. Mỹ và các quốc gia khác đã thấy rõ nguy hiểm khi để hải quân Trung Quốc tự do ngăn chặn và kiểm soát tuyến đường hàng hải trọng yếu này.

Bằng cách đâm húc tàu cá Việt Nam, đánh đập ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Bắc Kinh đã cố ý để lộ cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra nếu va chạm trong khu vực. Đó là những bóng ma ám ảnh, ảm đạm nhất ở Biển Đông mà Bắc Kinh sử dụng hòng kiểm soát khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một giải pháp thích hợp nhất hiện nay là Trung Quốc và phần còn lại của châu Á nỗ lực đàm phán một thỏa thuận mà quốc tế chấp nhận được. Đã có dấu hiệu cho thấy điều này có thể xảy ra khi tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh Nhật – Ấn tháng này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tránh các hành động đơn phương, vũ lực ở Biển Đông.

Bắc Kinh cũng phải nhận ra rằng, đánh đập ngư dân nước khác không phải sự lựa chọn khôn ngoan. Những hành động côn đồ ấy kết hợp với thái độ thiếu thiện chí đàm phán từ phía Trung Quốc cho đến nay đã đẩy cả khu vực về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và những nước khác.

Trong thế kỷ qua, châu Á đã vượt lên trên các cuộc chiến tranh năm 1945, 1953, 1975 và xuất hiện ngày càng nhiều các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong khi Trung Đông và châu Phi vẫn đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Đã có những thể chế mạnh mẽ hình thành ở châu Á và nơi đây được chứng minh rằng, thương mại có thể được sử dụng để làm giảm căng thẳng chính trị, buộc các chế độ độc tài chuyển đổi một cách hòa bình sang dân chủ.

Hiện đã có không gian cho khu vực châu Á tìm kiếm thành công và tự xử lý các vấn đề của bản thân với mục đích cao hơn việc mỗi nước châu Á tự biến mình thành cường quốc kinh tế. Liên minh Ấn Độ và Nhật Bản là một khởi đầu tốt và bây giờ nó có thể di chuyển rất nhanh.

RELATED ARTICLES

Tin mới