Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngMối đe dọa mới từ TQ

Mối đe dọa mới từ TQ

Chính sách dân số của Trung Quốc sẽ có những thay đổi cơ bản. Từ 01/01/2016 nguyên tắc “mỗi gia đình sẽ có một con” sẽ được bãi bỏ.

Lời nói đầu: Không hiểu sao trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới này (cụ thể là ngày 30/12) tờ “Russkaia Planeta” (Nga) lại cho đăng một bài có nội dung “u ám” như vậy của tác giả Xergey Aksyonov về triển vọng mối quan hệ Nga- Trung liên quan đến một chính sách của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2016.

Nhưng dù sao đọc cũng thấy thú vị và có nhiều liên tưởng nên xin phép dịch lại và giới thiệu cùng bạn đọc. (Ảnh của bài trên “Russkaia Planeta”).

Trung Quốc bỏ chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con” – mối nguy hiểm đối với Nga

Chính sách dân số của Trung Quốc sẽ có những thay đổi cơ bản. Từ 01/01/2016 nguyên tắc “mỗi gia đình sẽ có một con” sẽ được bãi bỏ. Đất nước này sẽ có tốc độ tăng dân số nhanh hơn, còn các nước láng giềng sẽ phải đau đầu trước người khổng lồ đang tăng trưởng nhanh và mạnh hơn này.

Những lợi ích của Nga với đối tác chiến lược là Trung Quốc sau khi “xoay trục” sang hướng Đông sẽ bị thiệt hại. Sự hợp tác vô hạn độ và thiếu suy nghĩ (của Nga) với Trung Quốc sẽ có nguy cơ biến thành sự đối đầu căng thẳng trong tương lai.

Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiềm chế tốc độ tăng trưởng dân số bằng cách này hay cách khác suốt từ sau chiến tranh đến nay. Nhưng Chương trình “mỗi gia đình chỉ có một con” được áp dụng từ năm 1979 là thành công nhất. Nguyên nhân buộc (Trung Quốc) phải hạn chế tốc độ tăng dân số là do thiếu nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất đai canh tác, nguồn nước và năng lượng.

Nền kinh tế Trung Quốc không đủ khả năng nuôi tất cả công dân của mình. Trẻ em trên thực tế là “một cái miệng ăn theo”, và tốt nhất là không nên có nhiều những “miệng ăn theo” như vậy. Chính sách hạn chế sinh đẻ được thực hiện chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế: nếu vi phạm nguyên tắc này, gia đình khổ chủ phải đóng một khoản tiền phạt tương đương với thu nhập trong mấy năm liền.

Chương trình được áp dụng tương đối linh hoạt và có nhiều ngoại lệ. Ví dụ, cư dân nông thôn (có hàng trăm triệu người) không thuộc diện điều chỉnh của chương trình này. Dân cư Bắc Kinh cũng có thể có 2 con nếu như cả bố và mẹ đều là con duy nhất trong gia đình của mình.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện chương trình này mà tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ đã giảm từ 5,8 con xuống còn 1,8 con. Kết quả là đến năm 2000, Trung Quốc đã duy trì được mức dân số khoảng 1,2 tỷ người. Vấn đề “các miệng ăn theo” đã được giải quyết.

Còn bây giờ thì chính sách hạn chế cứng rắn trên sẽ được bãi bỏ và, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số. Trong năm 2014 Trung Quốc đã có thêm 17 triệu trẻ em – tương đương với dân số của cả một nước Châu Âu.

Sau khi mỗi gia đình được phép sinh hai con, khả năng mỗi năm sẽ có thêm 3 triệu trẻ em mới sinh nữa (cộng với con số 17 triệu). Nguyên nhân dẫn tới quyết định tăng tỷ lệ sinh, cũng như nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế – đó là các nguyên nhân xã hội- chính trị: dân tộc Trung Quốc đang già đi, giới trẻ Trung Quốc đang ở lứa tuổi lao động đã không thể đảm bảo cho lớp người cao tuổi.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng – đó là những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc trong các thập niên vừa qua. Nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ ấn tượng – trung bình 9,5%/ năm. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tổng GDP của Trung Quốc đã tăng từ 263 tỷ đô la năm 1979 (đứng thứ 8 trên thế giới) lên 7.200 tỷ như hiện nay (thứ 2 thế giới).

Những chỉ số về số lượng cũng cho thấy sự khác nhau về chất lượng giữa Trung Quốc năm 1979 và Trung Quốc hiện nay. Nếu như 36 năm trước đây mỗi một người Trung Quốc “thừa” là một “ miệng ăn theo” theo đúng nghĩa đen của từ này, thì hiện nay người đó là công nhân, nhà sản xuất, là những người bằng sức lao động của mình đóng góp vào sự tăng trưởng sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới