Sunday, November 17, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBí mật về việc Trung Quốc lấy nội tạng tử tù (Bài...

Bí mật về việc Trung Quốc lấy nội tạng tử tù (Bài 3)

Từ 21 đến 23/8/2015, tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, một số tổ chức y tế hàng đầu của phương Tây công bố, họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc một sự công nhận đã được chờ đợi từ lâu trong việc cải thiện hệ thống cấy ghép nội tạng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Kỳ III: Tuyên bố của Trung Quốc

Trước đó (10/3/2015), tờ The Jakarta Post cho biết, Trung Quốc đã cấm việc thu thập nội tạng tử tù phục vụ nhu cầu cấy ghép, nhưng giới chức y tế quốc tế vẫn cảnh báo, nội tạng tử tù sẽ được thu thập và sử dụng dưới hình thức “tình nguyện hiến tạng”.

Thông tin kể trên được tờ The Jakarta Post đưa ra sau phát biểu bên lề kỳ họp lưỡng hội tại Bắc Kinh hồi thượng tuần tháng 3/2015 của ông Hoàng Khiết Phu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch Hội Hiến tạng Trung Quốc kiêm Phó ban Bảo vệ sức khỏe trung ương. Bởi theo ông Hoàng Khiết Phu, việc hiến tạng ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển mới, trong đó hiến tạng tình nguyện sẽ là nguồn cung cấp duy nhất. Hiện 38 trung tâm ghép tạng của Trung Quốc đã ngưng sử dụng nội tạng của tử tù và chuyển sang các nguồn cung cấp khác.

Khi phát biểu tại Hội thảo OPO tổ chức ở Thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông Hoàng Khiết Phu từng cho biết, mỗi năm có khoảng 300.000 bệnh nhân cần ghép tạng nhưng chỉ có 10.000 ca phẫu thuật được thực hiện. Ông Hoàng Khiết Phu từng nói với tờ Beijing Times rằng, tử tù vẫn là công dân, và họ có quyền hiến tạng. Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế còn cho biết, trước năm 2007, có hơn 600 tổ chức y tế có khả năng ghép tạng và vì lợi nhuận, nhiều vụ ghép tạng chui đã diễn ra với quy trình phẫu thuật không theo tiêu chuẩn.

Vẫn theo ông Hoàng Khiết Phu, người Trung Quốc không muốn hiến nội tạng của họ sau khi chết – chỉ có 6/10 triệu người hiến tặng, trong khi tỉ lệ này ở Tây Ban Nha là 370/10 triệu người. Giải thích về vấn đề này, ông Hoàng Khiết Phu cho biết, do truyền thống của Trung Quốc, khi chết đi người ta muốn được bảo toàn thân thể dẫn tới tình trạng khan hiếm nội tạng. Và điều này cũng khiến tình hình cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc khó kiểm soát, kể cả trong bệnh viện.

Ông Hoàng Khiết Phu từng tuyên bố, đến giữa năm 2014, tất cả các bệnh viện được cấp phép ghép nội tạng ở Trung Quốc sẽ ngừng sử dụng nội tạng tử tù và chỉ sử dụng nội tạng của những người hiến tặng. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng nội tạng lấy từ tử tù một cách có hệ thống để cấy ghép. Đến đầu năm 2007, Bắc Kinh lần đầu tiên công bố những quy định cấp quốc gia về cấy ghép nội tạng người, nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng dưới mọi hình thức.

Trong Luật Hình sự sửa đổi năm 2011, Trung Quốc đưa ra 3 điều khoản về tội phạm liên quan đến buôn bán nội tạng, theo đó những kẻ bị kết tội tổ chức, buôn bán nội tạng người có thể phải đối mặt với án tù hơn 5 năm kèm một khoản tiền phạt lớn. Những kẻ bị kết tội “cưỡng ép hiến nội tạng, lấy nội tạng của người khác hay của trẻ vị thành niên” có thể phải đối mặt với mức án dành cho tội giết người.

Tờ Thời báo Hoàn cầu từng đưa tin, ngày 10/10/2012, Bộ Y tế đã quyết định thành lập một cơ sở dữ liệu quốc gia (ngân hàng nội tạng quốc gia) để đăng ký và phân phối hoạt động hiến tạng trên toàn quốc. Khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Đặng Hải Hoa cho hay, cơ quan này đã xây dựng dự thảo quy định phân phối nội tạng người. Theo đó Trung Quốc thành lập một mạng lưới hiến và cấy ghép tạng với sự tham gia của 164 bệnh viện trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê của năm 2012, có khoảng 1,5 triệu người Trung Quốc có nhu cầu ghép tạng, trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 ca ghép tạng được tiến hành.

Tháng 2/2015, trên Internet xuất hiện một bài viết 5000 chữ của một người tự nhận là Liu Shuo, từng làm Giám thị nhà tù Tứ Hội ở thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Và trong bài viết của mình, Liu Shuo đã cáo buộc Luo Zubiao, Phó Giám thị nhà tù kể trên có liên quan tới tham nhũng và bạo lực được hình thành nhờ vào việc “thu hoạch nội tạng” tại các nhà tù Trung Quốc. Sau khi bài viết được đăng tải đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi những dẫn chứng, chi tiết trong từng vụ việc. Trong khi lãnh đạo nhà tù tỉnh Quảng Đông bác bỏ những thông tin trong bài viết của Liu Shuo, thì những người được đề cập lại được minh chứng là có thật.

Theo cựu Giám thị nhà tù Tứ Hội Liu Shuo, một trong những nguyên nhân khiến ông dám công khai lên tiếng bởi đang bị bại liệt do Phó Giám thị Luo Zubiao hạ độc thủ. Ông Liu Shuo cho biết, kỹ thuật cấy ghép nội tạng không phải là vấn đề đáng quan tâm, quan trọng là nguồn nội tạng được lấy từ đâu. Bởi một quả thận được bán với giá 56.410 USD, một trái tim có giá 960.000 USD, một lá gan có giá 560.000 USD, một giác mạc được bán với giá khoảng 22.000 USD.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2001-2006, số ca tử vong tại nhà tù Tứ Hội ở mức từ 4 đến 6 người/năm, và bản thân ông biết rõ có 16 người bị giết để lấy nội tạng. Và đối tượng được nhắm tới là khỏe mạnh, ít học, nghèo, sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh và không có người thăm nom. Và sau khi lọt vào “ống ngắm”, họ sẽ bị giam trong phòng đặc biệt, được Phó Giám thị Luo Zubiao kiểm soát chặt chẽ – không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thông tin của cựu Giám thị nhà tù Tứ Hội Liu Shuo được ông Huang Kui, người từng bị giam tại nhà tù Tứ Hội (2002-2005), đang sống tại Mỹ chứng thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới