Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựLý do TQ "như ngồi trên đống lửa" khi Trung Đông hỗn...

Lý do TQ “như ngồi trên đống lửa” khi Trung Đông hỗn loạn

Khủng hoảng ngoại giao bùng phát ở Trung Đông giữa Iran, Ả Rập Saudi và một số nước khác khiến Trung Quốc không còn giữ được vị trí kẻ “không có lợi ích liên quan” ở khu vực này.

Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei mới đây đã lên án hành động chặt đầu giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr của Ả Rập Saudi hôm 1/1.

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình quá khích ở thủ đô Tehran, Iran đã tấn công, đốt phá Đại sứ quán Ả Rập Saudi, làm bùng lên cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng ở khu vực Trung Đông.

Riyadh lập tức phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và đặt ra thời hạn buộc các nhà ngoại giao Iran rời khỏi quốc gia này.

Ngay sau đó, các quốc gia “nạn nhân của Iran” – những nước chịu nhiều tổn thất tại Yemen – như Bahrain cũng theo gót Ả Rập Saudi “tuyệt giao” với Tehran, trong khi Sudan cũng ra lệnh trục xuất Đại sứ Iran.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) “khá hơn một chút”, chỉ hạ cấp quan hệ với Iran. Đây được cho là động thái nhằm giữ lại mối quan hệ hợp tác thương mại giữa 2 bên.

Khủng hoảng ngoại giao Iran-Ả Rập Saudi bùng phát sau vụ Đại sứ quán Saudi bị người biểu tình Iran đốt phá

Khủng hoảng ngoại giao Iran-Ả Rập Saudi bùng phát sau vụ Đại sứ quán Saudi bị người biểu tình Iran đốt phá

Trước tình hình Trung Đông biến thành “lò lửa”, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng tải bài xã luận, kêu gọi chính phủ nước này không thể chỉ đóng vai trò “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tờ này quan ngại căng thẳng ở Trung Đông, bất kể diễn biến thế nào, đều có khả năng ảnh hưởng đến biểu đồ giá dầu thế giới theo hướng mà Bắc Kinh không mong muốn.

Căn cứ vào tỉ lệ nguồn cung dầu khí mà Trung Quốc tiêu thụ, nước này đã không còn giữ được vị thế “không có lợi ích liên quan ở Trung Đông” nữa.

Bên cạnh đó, Trung Đông là khu vực trọng điểm nằm trong chiến lược phát triển kinh tế “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, là điểm giao cắt của nhiều tuyến giao thông quốc tế trọng yếu.

Hoàn Cầu so sánh, một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến bế tắc thương mại ở Trung Đông có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng như nạn cướp biển ở Somali từng khiến quốc tế đau đầu.

Hiện tại, Trung Quốc, Afghanistan, Tajikistan, Kazakhstan và Iran đã ký kết thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt xuyên suốt, kết nối 5 quốc gia trên. Đây là tuyến giao thông Đông-Tây, Á-Âu có vai trò hết sức quan trọng với Trung Quốc.

Do đó, việc Iran bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngoại giao mới với Ả Rập Saudi đồng thời đẩy Bắc Kinh vào nguy cơ bị mất thị trường lớn cùng nguồn cung năng lượng và nguyên liệu, giao thông…

Ngoài ra, theo Hoàn Cầu, một cuộc khủng hoảng Trung Đông chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa”, trong bối cảnh Trung Quốc vốn đã đau đầu đối phó với hiện trạng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đào tạo, hỗ trợ bộ phận thiểu số cực đoan ở miền Tây nước này.

Trung Đông hóa thành “chảo lửa”, với Trung Quốc mà nói “chỉ có trăm cái hại mà không hề có lợi”.

Đồng thời, Hoàn Cầu quan ngại phần đóng góp của Trung Quốc trong chi phí hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã vượt qua mức 10% mà quốc gia này “nhận gánh”.

Nói cách khác, trên thế giới càng xuất hiện nhiều khu vực bất ổn thì Bắc Kinh càng phải “móc hầu bao” nhiều hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới