Tên lửa có thể tạo ra mối đe dọa “chết người” đối với tàu sân bay. Trong cuộc đấu giữa các nước lớn, an toàn của tàu sân bay đã khó được bảo đảm độc lập.
Dương Vũ Quân – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Là phiên bản cải tiến của tàu Liêu Ninh, biên chế vào năm 2019
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 31/12/2015 xác nhận, Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, tàu sân bay hiện đang chế tạo hoàn toàn do Trung Quốc tự thiết kế.
Dương Vũ Quân cho biết, tàu sân bay mới có lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn, sử dụng động cơ thông thường, chở máy bay chiến đấu nội J-15. Nó nhỏ hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh – lượng giãn nước 67.000 tấn. Về thiết kế, tàu sân bay này bị ảnh hưởng bởi tàu sân bay hiện có Liêu Ninh, tức là tàu sân bay mới cũng áp dụng cất cánh kiểu nhảy cầu.
Tờ Tokyo Shimbun ngày 1/1 nhận xét, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận họ đang chế tạo tàu sân bay nội đầu tiên. Sở hữu nhiều tàu sân bay có nghĩa là mở rộng phạm vi vươn xa của chiến lược quân sự.
Theo Dương Vũ Quân, việc thiết kế và chế tạo chiếc tàu sân bay nội đầu tiên đã tiếp thu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm có ích trong huấn luyện của tàu Liêu Ninh, sẽ tiến hành cải tiến và nâng cấp mới trên rất nhiều phương diện.
Hiện trường chế tạo tàu sân bay Trung Quốc trên báo Nhật |
Đài DW Đức ngày 31/12 dẫn báo chí quốc tế dự đoán, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ chính thức biên chế vào năm 2019.
Giới quan sát quốc tế sớm cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo các tàu sân bay mới ở Đại Liên và Thượng Hải. Trung Quốc lựa chọn thời điểm này xác nhận thông tin chế tạo tàu sân bay rất có thể là do tàu sân bay chế tạo ở Đại Liên sắp hoàn thành.
Tàu sân bay thứ hai mạnh ở đâu?
Trương Quân Xã, một nhà bình luận thời sự Trung Quốc cho rằng, hiện nay việc chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc đang ở giai đoạn khởi đầu.
Trước đây, Trung Quốc mua vỏ chiếc tàu sân bay thứ nhất Liêu Ninh ở nước khác, sau đó lắp hệ thống động cơ, hệ thống điện tử hàng không và hệ thống vũ khí cho nó. Tàu Liêu Ninh chủ yếu dùng để thử nghiệm khoa học và huấn luyện, không dùng cho tác chiến.
Do trước đây Trung Quốc không có kinh nghiệm trên phương diện này, vì vậy chỉ có thể tự tìm tòi, nghiên cứu. Vì vậy, tàu Liêu Ninh được dùng để tìm tòi quy luật và phương pháp sử dụng tàu sân bay, gồm có huấn luyện kết hợp giữa tàu và máy bay, tính tích hợp của các hệ thống trên tàu sân bay.
Chế tạo chiếc tàu sân bay thứ hai hoàn toàn do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, được coi là một cột mốc trong chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc.
Ngày 24/12/2015, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Tính năng của tàu sân bay thứ hai trên các phương diện như hệ thống động cơ, hệ thống điện tử và hệ thống vũ khí sẽ tiên tiến hơn, tính tích hợp sẽ hoàn thiện hơn.
Những hạn chế của tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được rút kinh nghiệm để khắc phục và tránh trong chế tạo tàu sân bay thứ hai. Tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay đánh dấu trình độ chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, trình độ khoa học công nghệ và hàm lượng công nghệ đều tiếp tục nâng lên.
Theo Trương Quân Xã, hiện nay lượng giãn nước của tàu sân bay thứ hai đang chế tạo khoảng 50.000 tấn, thuộc tàu sân bay động cơ thông thường hạng trung. So với các cường quốc quân sự biển trên thế giới, khoảng cách của Trung Quốc vẫn tương đối rõ rệt.
Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay tự chế ở Biển Đông
Trương Quân Xã nhận định, mặc dù hiện nay chế tạo ở Đại Liên, nhưng sau khi bàn giao cho hải quân, tàu sân bay thứ hai chưa chắc đã biên chế cho Hạm đội Bắc Hải.
Nhìn về lâu dài, căn cứ vào nhu cầu quốc phòng, trong tương lai sẽ chế tạo nhiều tàu sân bay hơn, việc triển khai sẽ linh hoạt, sẽ căn cứ vào tình hình trên các phương hướng phòng thủ, các cơ sở cảng biển, căn cứ, tình hình đương thời và nhiệm vụ của hải quân để thực hiện “cân bằng”.
Trong khi đó, theo tờ Kanwa Defense Review Canada, tàu sân bay thứ hai rất có thể lấy một cơ sở mới ở đảo Hải Nam làm căn cứ, chứ không phải ở Đại Liên.
Căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới của Trung Quốc ở Tam Á, đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông |
Theo DW ngày 31/12, những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh tăng cường sức mạnh hải quân nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở các vùng biển xung quanh, đồng thời mở rộng vai trò ảnh hưởng ở nước ngoài. Tham vọng này của Bắc Kinh khiến cho Nhật Bản, Mỹ và các nước Đông Nam Á lo ngại.
Mặc dù khẳng định vai trò quan trọng của tàu sân bay, nhưng tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 1/1 phải thừa nhận một thực tế là, môi trường lớn công nghệ quân sự hiện nay của tàu sân bay đã có sự khác biệt rất lớn so với thời kỳ Chiến tranh Thế giới II. Trước đây, tàu sân bay là bá chủ trên biển, nhưng tình hình hiện nay phức tạp hơn nhiều.
Tên lửa có thể tạo ra mối đe dọa “chết người” đối với tàu sân bay. Trong cuộc đấu giữa các nước lớn, an toàn của tàu sân bay đã khó được bảo đảm độc lập.
Trung Quốc muốn sở hữu bao nhiêu tàu sân bay?
Binh sĩ Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh xếp hàng chữ “Giấc mơ Trung Quốc-giấc mơ quân đội mạnh” trong một lần chạy xuống Biển Đông tiến hành huấn luyện, thử nghiệm |
Trương Quân Xã phân tích, trong sử dụng thực tế, thông thường ít nhất cần 3 chiếc trở lên, một chiếc làm nhiệm vụ trực chiến, một chiếc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, một chiếc nằm trong trạng thái sửa chữa, bảo dưỡng.
Quy mô phát triển tàu sân bay của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Những tàu sân bay hiện có và mới chế tạo của Mỹ đều là tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp 100.000 tấn, tàu chiến mặt nước của Trung Quốc còn chưa có động cơ hạt nhân.
Ông Xã cho rằng, trước tiên Trung Quốc cần chế tạo tàu sân bay động cơ thông thường, “sau khi tích lũy được kinh nghiệm nhất định, căn cứ vào tình hình, tiếp tục chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân”.
Ngoài ra, cất cánh kiểu nhảy cầu đơn giản hơn công nghệ cất cánh bằng máy phóng. Muốn sử dụng máy phóng vẫn cần quá trình cải tiến.
Dựa trên kinh nghiệm đó, tàu sân bay thứ hai sẽ hình thành sức chiến đấu nhanh hơn, nhiệm vụ tương lai có thể là trực ban sẵn sàng chiến đấu, cũng có thể tham gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai.