Đơn thư liên quan đến nhân sự Đảng gửi tới Thanh tra Chính phủ chủ yếu là mạo danh. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương để theo dõi.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ rất cẩn trọng đối với những đơn thư mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng.
Mặc dù chưa nhận được nhiều, mới chỉ là mạo danh và nêu vấn đề, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng theo dõi.
Luật Khiếu nại tố cáo có quy định rất rõ những nội dung đơn thư nào được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và những loại đơn nào không được giải quyết.
Khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo, chúng tôi phải tiến hành phân loại, những đơn tố cáo có danh, đúng thẩm quyền của các cơ quan chức năng, chúng tôi chuyển theo thẩm quyền. Đơn thuộc cấp tỉnh, được chuyển về cấp tỉnh; ở cấp trung ương cũng phân loại, thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì chuyển cho cơ quan đó xử lý.
Đặc biệt với những đơn thư có liên quan đến nhân sự của Đại hội các cấp, chúng tôi phối hợp với Ủy ban Kiểm tra các cấp để chuyển đơn và xem xét theo đúng quy định của pháp luật, quy định của điều lệ Đảng.
Trong quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, đơn thư nặc danh không được xem xét. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, nếu có chứng cứ, cơ sở rõ ràng, có thể được xem xét và nắm tình hình để làm rõ thêm mức độ sai phạm.
Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm cũng sẽ tiến hành thực hiện theo quy định của pháp luật và như quy định của điều lệ Đảng.
Trong trường hợp tố cáo không đúng, bôi nhọ, cơ quan Thanh tra sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật, người tố cáo được khuyến khích, bảo vệ và khen thưởng. Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã có Thông tư liên tịch về vấn đề này, và tới đây sẽ ban hành Thông tư về bảo vệ người tố cáo theo Luật Khiếu nại tố cáo.
Ngược lại, Luật cũng quy định, những đơn thư mang tính chất lợi dụng bôi nhọ, bêu xấu thì cũng phải xử lý tùy theo mức độ theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng, Nhà nước.
Chưa phát hiện đơn thư liên quan nhân sự
Chúng tôi rất cẩn trọng với các loại đơn thư mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng. Chúng tôi phải trao đổi với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan theo dõi tư cách của đại biểu dự Đại hội.
Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa phát hiện đơn thư nào có liên quan đến nhân sự, chỉ có đơn mang tính chất mạo danh và nêu vấn đề, chúng tôi đã chuyển cơ quan chức năng tiến hành thẩm tra.
Từ nay đến Đại hội Đảng, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận và phối hợp, đồng thời chuyển theo thẩm quyền giải quyết theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Chúng tôi chưa làm việc này vì chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu tới đây có những trường hợp như thế, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan điều tra để tiến hành xem xét.
Đường dây nóng tố cáo tham nhũng
Được biết, thông qua đường dây nóng, Thanh tra Chính phủ có nhận được khoảng 200 thông báo về tố cáo tham nhũng. Thanh tra Chính phủ xử lý những thông tin đó như thế nào?
Trong khoảng 20 ngày sau khi công bố đường dây nóng, chúng tôi đã nhận được 230 tin. Qua phân loại số tin nhắn này, khoảng 50% tin đã được gửi tới các cơ quan có chức năng tiến hành theo thẩm quyền; Thanh tra Chính phủ đang xem xét 30% tin. Khoảng 10% tin không có căn cứ, cơ sở, chúng tôi tiếp nhận và lưu lại để theo dõi.
Qua đường dây nóng, đặc biệt trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Tết Nguyên đán, nếu phát hiện những vụ việc có dấu hiệu rõ ràng, mang tính chất vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra đột xuất theo chức năng của ngành.
Trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước. Vậy công tác này sẽ được tiến hành như thế nào?
Cơ quan Thanh tra có chức năng là một công cụ để phục vụ công tác quản lý, cho nên chúng tôi có thể thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, từ Bộ trưởng đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã. Đây là trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.
Việc thanh tra trách nhiệm được quy định ở các luật Thanh tra, luật Tiếp công dân, luật Khiếu nại, luật Tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, nơi nào làm tốt thì khuyến khích để cơ quan đó tiếp tục phát huy, những nơi làm chưa tốt thì yêu cầu chấn chỉnh để làm sao làm tốt hơn.
Những nơi làm chưa tốt hay có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.