Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong vừa lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của một “siêu cường” đã làm tình hình Biển Đông ngày càng tồi tệ và căng thẳng hơn.
Hình ảnh vệ tinh chụp đường băng trên bãi Đá Chữ Thập do Trung Quốc xây dựng trái phép
“Tình hình Biển Đông và những vấn đề trên vùng biển đó đang ngày càng trở nên tồi tệ và căng thẳng hơn do sự can thiệp của một siêu cường”, hãng tin Kyodo (Nhật) trích lời ông Hor Namhong nói trong một bài phát biểu trước các sinh viên đại học ở Phnom Penh.
Mặc dù người đứng đầu ngành ngoại giao của Campuchia không đề cập đến tên của “siêu cường” đó, nhưng không khó để nhận ra rằng, những lời của Hor Namhong là nhằm ám chỉ tới Mỹ – nước gần đây đã điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một máy bay ném bom B-52 tới gần các thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa trái phép tại Biển Đông để khẳng định “quyền tự do hàng hải”. Những sự kiện này đã khiến Trung Quốc rất tức giận.
Mặt khác, Campuchia vốn có truyền thống bộc lộ quan điểm về vấn đề nhạy cảm nhất của khối ASEN trong quan hệ với Trung Quốc một cách khác biệt, mặc dù nước này có cùng vị thế tương tự như Singapore, Lào, Thái Lan – đều là quốc gia thành viên ASEAN và không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Thái độ của Phnom Penh trong vấn đề Biển Đông thường được cho là có liên quan đến các khoản viện trợ kinh tế và quân sự hào phóng của Bắc Kinh cho Campuchia, đồng minh thân cận nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường phủ nhận ảnh hưởng của mình với các hành động của Phnompenh trong khu vực ASEAN.
Ông Hor Namhong đã đưa ra phát biểu này ngay sau khi có thông tin Trung Quốc thực hiện chuyến bay thử nghiệm ở đường băng mà Bắc Kinh mới hoàn thành xây dựng trái phép ở bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines đều đã có tuyên bố chính thức và hành động phản đối động thái phi pháp và gây căng thẳng nói trên của Trung Quốc.
Mỹ, Nhật Bản – nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, cũng đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” trước việc Trung Quốc đưa phi cơ hoạt động thử nghiệm ở đường băng trên bãi Đá Chữ Thập.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng: “Đây là hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng”, qua đó biến việc Trung Quốc cải tạo, bồi lấp trái phép các bãi đá trở thành sự đã rồi.
“Nhật Bản không thể chấp nhận hành động này, khi nó khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. Đây là mối lo ngại chung đối với cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với những quốc gia khác cùng chung mối quan tâm để bảo vệ tự do trên biển”, ông Kishida nêu rõ tại cuộc họp báo hôm 4/1/2015.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 4/1 cũng tuyên bố động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động “làm tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định trong khu vực”, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh dừng việc bồi đắp đảo và quân sự hóa Biển Đông.
Trong khi đó, cùng ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain lại lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama về thái độ thiếu quyết đoán trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo vị Thượng nghị sĩ rất có uy tín này, việc Washington chậm tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Trường Sa đã khuyến khích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Trả lời hãng tin Reuters, Thượng nghị sĩ John McCain nhận định rằng, chính thái độ thụ động của Mỹ đã cho phép Trung Quốc tiếp tục “theo đuổi các tham vọng lãnh thổ” trong khu vực, và gần đây nhất là việc cho phi cơ hạ cánh xuống đường băng trên bãi Đá Chữ Thập ngày 2/1/2016.