Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững quyết sách của Putin năm 2015

Những quyết sách của Putin năm 2015

Các quyết định quan trọng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong năm 2015 giúp ông gây dựng sức ảnh hưởng cả trong nước và trên trường quốc tế.

Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin trải qua năm 2015 với một loạt sự kiện lớn, ảnh hưởng tới cả tình hình trong nước và quốc tế, theo Sputnik.

Tăng sức mạnh quân đội

Năm nay, Nga đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng với việc tăng chi ngân sách quốc phòng lên 3,7% GDP. Moscow cũng đang thực hiện chương trình tái vũ trang trị giá 290 tỷ USD với mục tiêu đến năm 2020 hiện đại hóa 70% quân đội. Theo Bộ Quốc phòng Nga, nước này đã tiến hành ít nhất 4.000 cuộc tập trận quân sự trong năm 2015.

“Chúng ta không gây chiến, nhưng tất nhiên chúng ta sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của mình để không một ai có thể nảy sinh mong muốn kéo Nga vào bất kỳ cuộc chiến nào…Chúng ta là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và tiềm năng phát triển lớn. Do đó, việc chúng ta là một siêu cường hạt nhân là lẽ đương nhiên. Vì vậy, bạn bè và kẻ thù của chúng ta phải có sự tôn trọng tương xứng”, ông Putin hồi tháng 4 nói.

Các kế hoạch tái vũ trang của Nga đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ truyền thông quốc tế. Tờ New York Times tháng 12/2015 đưa tin về việc Moscow đang tăng cường hoạt động quân sự và “khẳng định chỗ đứng trên trường quốc tế” dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh Putin.

Báo này liệt kê một loạt hoạt động của quân đội Nga như mở rộng hiện diện và tăng cường triển khai nhân sự tới các căn cứ Bắc Cực, tăng chi tiêu quân sự, tổ chức tập trận quy mô lớn, can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria, cũng như hiện đại hóa trang thiết bị quân đội. Đây là cách để Nga chuẩn bị vươn tới một kỷ nguyên mới.

Tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine từng là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế của Nga khi Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhóm họp tại thủ đô Minsk của Belarus hồi đầu năm.

Sau các cuộc đàm phán chạy đua với thời gian hôm 11/1, kéo dài hơn 15 tiếng, 4 lãnh đạo đạt được một bản thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bùng phát từ tháng 4/2014.

“Đây không phải buổi tối dễ chịu nhất trong cuộc đời tôi nhưng buổi sáng thì tốt lành. Bất chấp những khó khăn trong tiến trình đàm phán, chúng tôi đã có thể thống nhất các vấn đề quan trọng”, ông Putin nói sau cuộc gặp bộ tứ Normandy.

“Chúng tôi đã đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng tôi đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ 12h ngày 15/1. Thứ hai, theo tôi là cực kỳ quan trọng, đó là việc quân đội Ukraine rút các pháo hạng nặng khỏi vị trí hiện tại cũng như khỏi các vị trí hôm 19/9/2014 quy định trong các hiệp định Minsk về vùng Donbass”, ông Putin cho biết.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh “việc cải cách hiến pháp, cân nhắc tới các quyền lợi hợp pháp của người dân đang sinh sống ở khu vực Donbass” là một trong những phần quan trọng nhất của thỏa thuận này. 

Tuy nhiên sau đó, việc thực thi thỏa thuận diễn ra rất chậm chạp. Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan phụ trách đánh giá thực thi các thỏa thuận Minsk, lệnh ngừng bắn ở đông Ukraine nhìn chung vẫn được duy trì dù còn tồn tại một số vụ vi phạm của cả hai bên.

Thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran

Nga là một thành viên trong nhóm thương thuyết quốc tế P5+1 giúp ký kết thành công một thỏa thuận lịch sử hôm 14/7 với mục tiêu đảm bảo các hoạt động hạt nhân của Iran chỉ nhằm phục vụ các mục đích hòa bình.

Trong các phiên đàm phán, Nga phản đối những biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Iran trong bối cảnh nước này thể hiện ý chí chính trị sẵn sang thỏa hiệp.

“Chúng tôi ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt chống Iran càng sớm càng tốt vì chúng tôi tin rằng đó không phải là cách giải quyết đúng đắn đối với những nghi vấn và các vấn đề quốc tế”, Putin nói trong thời điểm cao trào của cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna, Áo.

Tổng thống Putin đồng thời tuyên bố Nga sẽ làm tất cả để đảm bảo thỏa thuận được thực thi đầy đủ.

Một ngày sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện và cảm ơn lãnh đạo Nga vì vai trò của Moscow trong việc thúc đẩy các bên “tiến tới cột mốc lịch sử này sau gần 20 tháng đàm phán căng thẳng”.

“Ông Putin và chính phủ Nga khiến tôi ngạc nhiên. Chúng tôi ắt hẳn đã không đạt được thỏa thuận này nếu Nga không sẵn sàng hợp tác”, NYTimes dẫn lời ông Obama bình luận về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Can thiệp vào Syria

thanh-tuu-va-quyet-sach-cua-putin-trong-nam-2015-1

Tiêm kích bom Su-34 Nga tham gia không kích các mục tiêu khủng bố tại Syria. Ảnh: Sputnik

Hôm 30/9, đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Putin tuyên bố Nga sẽ tiến hành một chiến dịch không kích chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.

“Phương pháp hiệu quả duy nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là đánh đòn phủ đầu và chiến đấu, tiêu diệt quân nổi dậy ở các vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng thay vì chờ đợi chúng xâm nhập vào đất nước chúng ta”, ông Putin nói trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch, không quân Nga triển khai hàng nghìn cuộc không kích, trong đó 145 đợt oanh tạc do các máy bay ném bom chiến lược tầm xa tiến hành. Chiến đấu cơ Nga cũng phá hủy hàng nghìn xe bồn chở dầu, các kho chứa dầu và các nhà máy lọc dầu mà quân khủng bố kiểm soát ở Syria.

Chiến dịch thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới. Mỹ đã mở đường dây liên lạc nhằm giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra va chạm với máy bay Nga trong quá trình hoạt động trên bầu trời Syria.

Nga còn hợp tác với Pháp, nước là thành viên trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, qua việc tăng cường trao đổi thông tin quân sự và duy trì các đường dây liên lạc giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Bàn về mục tiêu của những hoạt động này, ông Putin tuyên bố Nga chủ yếu là muốn tự vệ bởi hiện có nhiều công dân Nga và quốc tế trong hàng ngũ khủng bố ở Syria. Đây là những kẻ “cần phải bị tiêu diệt từ xa”.

Trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Một trong những quyết định khó khăn nhất của Tổng thống Putin trong năm nay là áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24 Nga bị nước này bắn rơi hồi tháng trước.

Trước khi vụ việc xảy ra, Moscow và Ankara từng hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực như năng lượng hạt nhân và khí đốt. Nga được coi là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng xuất khẩu hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga ước đạt 3,7 tỷ USD. Năm ngoái cũng có tới hơn ba triệu khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác kinh tế và ngoại giao trong nhiều thập kỷ giữa hai nước đã lâm vào thế bế tắc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi cường kích Su-24 Nga tại khu vực gần biên giới Syria.

Ông Putin giận giữ, gọi hành động này “là cú đâm sau lưng của những kẻ đồng lõa với khủng bố”.

Tổng thống Putin hôm 28/11 ký sắc lệnh tăng cường an ninh quốc gia và ban hành một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cấm hoặc hạn chế hoạt động của các tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga, không cho phép các chủ người Nga thuê lao động người Thổ Nhĩ Kỳ, cấm du lịch hàng không giữa hai nước hay hạn chế nhập khẩu một số hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Những biện pháp này có hiệu lực từ tháng một năm nay.

Những quyết sách trên được đánh giá góp phần làm tăng tỷ lệ ủng hộ đối với ông Putin. Hồi tháng 6, một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada, Moscow, tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin đạt 89%, trong đó 64% người được hỏi nói họ tán thành đường lối chính trị của Nga hiện nay.

“Tỷ lệ ủng hộ các hành động của Tổng thống Vladimir Putin đã đạt mức kỷ lục 89,9%, phá kỷ lục trước đó được thiết lập trong tháng 1/2015 là 89,1%”, Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm Công chúng Nga (VTsIOM) hồi tháng 10 thông báo. Theo cơ quan này, tỷ lệ cao như vậy là do các nỗ lực can thiệp vào tình hình Syria của ông Putin.

RELATED ARTICLES

Tin mới