Mọi sự chú ý xung quanh vụ ông Kim Jong-un thử “bom nhiệt hạch” đang đổ dồn về phản ứng của ông Tập Cận Bình.
Một người Hàn Quốc theo dõi bản tin trên truyền hình tại Seoul về vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công “bom nhiệt hạch”. Ảnh: Bloomberg/SCMP.
South China Morning Post ngày 7/1 bình luận, việc Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao với CHDCND Triều Tiên xung quanh việc nước này thử hạt nhân lần thứ tư sẽ cho thế giới thấy vai trò thực sự của Bắc Kinh là gì trong trò chơi địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên.
Bất chấp tuyên bố của Bình Nhưỡng giải thích vụ “thử bom nhiệt hạch thành công” sáng 6/1 là phản ứng với “đế quốc Mỹ thù địch’, các chuyên gia vẫn tin rằng mục đích chính mà Chủ tịch CHDCND Triều Tiên hướng đới là Trung Quốc. Vụ “thử bom nhiệt hạch” có thể phản ánh chính xác hơn mối quan hệ Trung – Triều đang xấu đi.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất bây giờ là Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao. Các chuyên gia cho rằng, rất có thể Trung Quốc vẫn không từ bỏ “đồng minh rắc rối” này, nhưng sẽ hỗ trợ thêm các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, cho dù quyết định này có ảnh hưởng gì đến Bắc Triều Tiên hay không vẫn chưa ai biết chắc.
Bo Zhiyue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Đại học Victoria, Wellington, New Zealand nhận xét: “Nói cách khác, đây là một cuộc biểu tình chống Bắc Kinh. Họ đang nói, ‘chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Điều này cho thấy sự độc lập của chúng tôi, và chúng tôi không cần phải có sự chấp thuận của các anh (Trung Quốc)'”.
Giới nghiên cứu vẫn tin rằng vụ nổ hôm qua chắc chắn không liên quan đến một quả bom nhiệt hạch. Nhưng cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư đã báo hiệu sự thách thức liên tục của Bình Nhưỡng đối với thế giới bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, nước tỏ ra không hài lòng với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tháng 10 năm ngoái đã có nhiều người tin rằng quan hệ Trung – Triều đang tan băng khi ông Tập Cận Bình phái một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị sang dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng, mang theo thư tay ông viết những lời chúc tụng tốt đẹp gửi ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên khi ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch, mọi thứ lại quay trở lại như cũ.
Xuan Dongri, Giám đốc Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Diên Biên, Trung Quốc cho rằng: “Sự cố Moranbong đã tiết lộ ý định cơ bản của Bắc Triều Tiên, và dư luận có thể thấy liên hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang khá xấu. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên đang xấu đi hơn nữa.”
Theo nhận định của ông Bo Zhiyue, một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Triều đó là sự tập trung quyền lực quá mạnh vào ông Tập Cận Bình. Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, chính sách đa dạng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên được nhóm này ủng hộ nhưng bị nhóm kia phản đối. Nhưng sang thời ông Tập Cận Bình, mọi thứ đã thay đổi.
Quyết định của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên đang khiến Trung Quốc đau đầu. |
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un chưa bao giờ gặp nhau. Có rất ít đối thoại có ý nghĩa diễn ra giữa 2 nước, và thậm chí ngay cả những thảo luận nội bộ Trung Quốc về làm cách nào để gây ảnh hưởng tốt nhất đến Bình Nhưỡng cũng hiếm khi diến ra ở Bắc Kinh.
“Bạn cần có một kết nối nếu bạn muốn thuyết phục phía bên kia. Nếu bạn không kết nối thì lấy gì làm đòn bẩy?” Bo Zhiyue đặt câu hỏi. Ông Tập Cận Bình đã tự đẩy mình vào tình thế khó xử, vừa miễn cững trừng phạt Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn, vừa bất lực khi không ngăn được Triều Tiên theo đuổi chiến lược hạt nhân.
Yanmei Xie, một nhà phân tích của nhóm phân tích khủng hoảng quốc tế từ Bắc Kinh cho rằng: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực ngày một gia tăng cả trong nước lẫn quốc để làm thế nào trừng phạt và kiềm chế ông Kim Jong-un, làm sao buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những gì sắp diễn ra vẫn có thể là sự lặp lại những chỉ trích cũ, thắt chặt hơn các lệnh trừng phạt đã có và kêu gọi phục hồi đàm phán 6 bên.”
Trong khi đó tại Mỹ, ứng viên Tổng thống Donald Trump nói trên đài CNN rằng, ông cảm thấy mệt mỏi vì Hoa Kỳ đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu, vấn đề Bắc Triều Tiên là chuyện của Trung Quốc phải giải quyết. Mọi sự chú ý xung quanh vụ ông Kim Jong-un thử “bom nhiệt hạch” đang đổ dồn về phản ứng của ông Tập Cận Bình.