Ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất kể từ năm 2009.
Theo báo cáo kinh tế đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm 2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12/2015 đạt gần 49,7 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ba năm qua. Tuy nhiên, chỉ số này có tăng được 0,1 điểm so với kết quả hồi tháng 11/2015.
Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động trong khu vực công nghiệp tại “công xưởng của thế giới” tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay.
Chỉ số PMI đạt dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là hoạt động trong ngành liên quan bị sa sút.
Đáng lo ngại hơn cả là ngành công nghiệp Trung Quốc dù yếu kém, nhưng vẫn còn cầm cự được ở mức dưới 50 điểm nói trên, chủ yếu là nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ và các biện pháp bơm tiền vào khu vực kinh tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Ngược lại, hoạt động trong khu vực dịch vụ lại tăng mạnh trong tháng 12/2015, đạt 54,4 điểm. Đây là thành tích ngoạn mục nhất kể từ tháng 8/2014.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ, tăng cường ngân sách nhà nước để hỗ trợ khu vực sản xuất, tiếp tục áp dụng các biện pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% như đã đề ra.
Trong tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc về các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016 – năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này có nêu rõ, trong năm 2016 Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ tăng trưởng kinh tế ở mức thích hợp. Trong 3 quý đầu của năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% phù hợp với mục tiêu của chính phủ đề ra khoảng 7%.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến về kế hoạch kinh tế với những người không phải là đảng viên hôm 10/12/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định, phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc, đặc biệt là tái cấu trúc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Bắc Kinh cần tiếp tục cải cách và mở cửa, kiên trì với đường lối chung là “theo đuổi phát triển trong khi duy trì ổn định và thúc đẩy cải thiện năng suất”.
Từng trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, chỉ số PMI ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc giảm liên tiếp là điều đáng quan tâm.
“Trước đây người ta hay nói Trung Quốc là công xưởng của thế giới, công nghiệp chế tạo là một trong những động lực phát triển kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đang suy giảm, nguyên nhân là do nhu cầu trong nước bão hòa, còn nhu cầu quốc tế suy giảm. Trong tương lai chỉ số PMI ngành chế tạo Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm và đây là lo ngại của các nước đối tác chuyên xuất khẩu năng lượng, nhiên liệu sang Trung Quốc. Nó làm giảm cơ hội xuất khẩu của các đối tác Trung Quốc nằm trong khối các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có tốc độ tăng trưởng lớn nhất so với Mỹ, Đức, Nhật nên đương nhiên sự giảm tốc của kinh tế nước này sẽ tác động đến sự giảm tốc nói chung của nền kinh tế thế giới. Sắp tới, kinh tế Trung Quốc giảm tới mức độ nào còn tùy thuộc vào việc thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường”, xuất khẩu vốn và hàng hóa của Trung Quốc”.