Chưa đầy 1 tuần, Trung Quốc đã hai lần đưa máy bay ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Việt Nam.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đường băng mà Trung Quốc xây trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố ngày 6/1/2016.
Chiến lược không thay đổi
Nhận xét về động thái này của Trung Quốc, ĐBQH Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc Trung Quốc làm việc gì, động thái tiếp theo thế nào không quan trọng bằng việc ngay từ đầu Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam. Về bản chất, chiến lược, toan tính của Trung Quốc là không thay đổi.
“Cái gốc của vấn đề là Trung Quốc đã chiếm đóng đảo của Việt Nam một cách phi pháp, trái với pháp luật quốc tế. Việc chúng ta cần làm là yêu cầu Trung Quốc trả lại đảo về mặt chủ quyền để Việt Nam quản lý, chuyện họ làm gì trên đó không có nhiều ý nghĩa.
Bản chất chiến lược của Trung Quốc là không thay đổi. Họ đã xây dựng các đường băng trên đảo thì tiếp tục thực hiện ý đồ của mình. Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc không dừng lại ở chuyện điều máy bay bay ra bay vào Biển Đông mà họ phải thôn tính, khống chế được toàn bộ phần diện tích biển đảo nằm trong đường chín đoạn mà họ dựng lên”, ông Lê Việt Trường chỉ rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Khi nước nào đặt vấn đề đưa máy bay bay trong khu vực này rất có thể nó sẽ là cái cớ thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, Trung Quốc đã lập ADIZ ở Hoa Đông nên khả năng nước này tiến tới lập ADIZ ở Biển Đông là cao, vấn đề là thời điểm nào.
“Việc lập ADIZ về mặt pháp lý quốc tế vẫn là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Thời gian qua, nhiều nước đã đề nghị Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) đưa ra quan điểm.
Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, không phải tự nhiên Trung Quốc cải tạo quy mô lớn đến 7 cấu trúc, xây dựng các đường băng lớn ở quần đảo Trường Sa. Chắc chắn đằng sau họ phải có mục đích và nó liên quan đến việc kiểm soát Biển Đông, triển khai các hoạt động ở khu vực này cả về dân sự và quân sự, đặc biệt là quân sự. Chính vì thế, khả năng Trung Quốc tiến hành các hoạt động mạnh trên thực tế trong thời gian tới, củng cố lực lượng quốc phòng, kể cả thiết lập ADIZ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trung Quốc đã làm thì sẽ làm tiếp, họ chỉ tạm ngưng khi nó phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các cường quốc. Nếu quan hệ quốc tế vẫn cứ theo đà như hiện nay, tạo thành các thế đối lập ngang sức nhau cạnh tranh như vậy thì Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động”, TS Nguyễn Toàn Thắng nhận định.
Việt Nam luôn sẵn sàng sử dụng biện pháp tài phán
Về phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc bay thử nghiệm tại một trong những đường băng mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, ĐBQH Lê Việt Trường cho biết, chủ trương của Việt Nam là luôn cố gắng thực hiện các quy định của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam đấu tranh trên phương diện chính trị, ngoại giao và pháp lý.
“Cách lựa chọn đấu tranh của Việt Nam như thế là đúng đắn”, ông Trường khẳng định.
TS Nguyễn Toàn Thắng cũng bày tỏ, trong quan hệ quốc tế thì bình đẳng về chủ quyền, chỉ áp dụng các biện pháp đấu tranh ngoại giao chứ không thể đáp trả bằng vũ lực. Quan điểm chính sách của Việt Nam là hòa bình. Vào thời điểm này, với sự kiện Trung Quốc điều máy bay ra đảo nhân tạo, việc kiện cáo là không phù hợp, cách tốt nhất vẫn là phản đối về mặt ngoại giao.
“Đối với sự kiện xảy ra chưa tạo ra được những xung đột về pháp lý thì chỉ phản đối về mặt ngoại giao. Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để Việt Nam áp dụng các biện pháp khác. Một khi đưa ra biện pháp gì chúng ta phải tính đến tính thực tiễn, quan hệ quốc tế và tính hiệu quả, xem chúng ta được gì, mất gì. Phải tính toán tổng thể thì lúc ấy mới lựa chọn biện pháp phù hợp. Thời điểm này các biện ppháp ngoại giao vẫn là phù hợp nhất, còn đến một thời điểm nào đó, bối cảnh thay đổi, hành động thay đổi có thể sử dụng các biện pháp khác, trong đó có biện pháp tài phán.
Nếu làm giống như Philippines tức Việt Nam cũng chỉ kiện liên quan đến giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển chứ không phải kiện chủ quyền. Như thế Việt Nam sẽ kiện về đường lưỡi bò, về quy chế pháp lý của các cấu trúc, và những vấn đề này Philippines đã kiện rồi. Kể cả đá Chữ Thập là tranh chấp liên quan đến cả Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, trong vụ kiện của Philippines cũng đã yêu cầu tòa làm sáng tỏ quy chế pháp lý của 7 cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Biển Đông”, TS Nguyễn Toàn Thắng nói.
Ông nhấn mạnh, hiện tại, bên cạnh phản đối ngoại giao, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các quốc gia khác, thông tin tuyên truyền trong nước, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền quốc tế.
Từ trước nay, cách thức Việt Nam ứng xử phù hợp ở chỗ luôn luôn xuất phát từ luật quốc tế. Đó là cơ sở chung để giải quyết tất cả những xung đột, mâu thuẫn phát sinh giữa các nước. Cho nên đây không phải là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc nữa mà là vấn đề của khu vực, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh khu vực và Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước.
Còn giải pháp tài phán, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như Bộ Ngoại giao vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng từ lâu, đến thời điểm phù hợp, tất cả các biện pháp hòa bình đều sẽ được sử dụng.