Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục các bước triển khai quân sự ở Biển Đông và coi đây là vấn đề ưu tiên, đặc biệt là xây dựng các tiền đồn quân sự…
Liên quan đến lực lượng tàu tiếp tế Trung Quốc, các tờ báo chính thống nước này ngày 26/12/2015 công khai cho biết, chiều cùng ngày, Trung Quốc đã biên chế 3 tàu quân sự cho Hạm đội Nam Hải, trong đó có tàu tiếp tế Lô Cô Hồ số hiệu 962, triển khai ở Biển Đông.
Tàu Lô Cô Hồ là tàu tiếp tế Type 904B do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. So với tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ Type 904A (biên chế cho Hạm đội Nam Hải năm 2007, triển khai ở Biển Đông), tàu này đã có thêm khoang chứa máy bay, đã tăng cường khả năng tiếp tế thẳng đứng.
Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền, tàu tiếp tế Lô Cô Hồ sẽ tiến hành tiếp tế hậu cần cho lực lượng Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), đồng thời có thể thực hiện các nhiệm vụ như tiếp tế nhất định cho biên đội tàu chiến hay y tế trên biển.
Một nguồn tin khác đã tiết lộ chi tiết hơn, cho biết, tàu tiếp tế Lô Cô Hồ dài khoảng 155 m, rộng hơn 22 m, mớn nước khoảng 9 m, lượng giãn nước đầy khoảng 15.000 tấn, biên chế hơn 150 nhân viên, trang bị 2 khẩu pháo 30 mm, 2 súng máy hai nòng, có sàn đỗ cho 1 máy bay trực thăng (Z-9) và có nhà chứa máy bay.
Lô Cô Hồ là tàu tiếp tế Type 904B thứ hai. Chiếc Type 904B thứ nhất có tên là Quân Sơn Hồ số hiệu 961, hạ thủy ngày 30/1/2015, biên chế cho Hạm đội Nam Hải ngày 10/7/2015, cũng triển khai ở Biển Đông.
Như vậy, 3 tàu tiếp tế Type 904A/904B hiện có của Trung Quốc đều triển khai ở Biển Đông, được chế tạo để làm “nhiệm vụ chuyên trách” – đó là tiếp tế, chi viện cho Trung Quốc áp đặt tham vọng bành trướng “đường lưỡi bò” vô lý và bất hợp pháp ở Biển Đông.
Tàu tiếp tế Quân Sơn Hồ số hiệu 961 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông |
Một nguồn tin khác cũng cho hay, tàu tiếp tế Type 904A/B sẽ không tham gia các hoạt động tiếp tế ở biển xa như đến vùng biển Somalia, cũng sẽ không tham gia các hoạt động huấn luyện biển xa của biên đội hải quân ở Tây Thái Bình Dương.
Theo nguồn tin này, từ đầu thập niên 1990 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 3 loại tàu tiếp tế để tranh cướp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm 2 tàu tiếp tế lớp Đại Vận Type 904, 1 tàu tiếp tế Type 904A, 2 tàu tiếp tế Type 904B.
Trong đó, 2 tàu tiếp tế lớp Đại Vận Type 904 có tên là Động Đình Hồ 883 và Kính Bạc Hồ 884, biên chế vào đầu thập niên 1990, lần lượt biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào tháng 3/1992 và tháng 8/1992.
Loại tàu này dài 156,2 m, rộng 20,6 m, mớn nước 6,8 m, lượng giãn nước 10.975 tấn, tốc độ lớn nhất là 22 hải lý/giờ, trang bị 2 khẩu pháo 37 mm, 2 khẩu pháo 25 mm; biên chế 240 người; có sàn đỗ trực thăng ở đuôi tàu; lắp 4 pháo 37 mm, 4 pháo 25 mm.
Tàu tiếp tế Động Đình Hồ số hiệu 883 Type 904 lớp Đại Vận của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Còn tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ số hiệu 888 Type 904A có lượng giãn nước 15.000 tấn. 2 tàu tiếp tế mới Type 904B là Lô Cô Hồ và Quân Sơn Hồ đã được người viết bài này nêu ở trên.
Tất cả các loại tàu tiếp tế này đều được sử dụng để tiếp tế cho các lực lượng Quân đội Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục các bước triển khai quân sự ở Biển Đông và coi đây là vấn đề ưu tiên, đặc biệt là xây dựng các tiền đồn quân sự, bố trí các loại vũ khí trang bị, đẩy mạnh các cuộc tập trận…, mục tiêu trước tiên là độc chiếm Biển Đông, mục tiêu lâu dài là vươn ra các vùng biển xa hơn và toàn cầu.
Tàu tiếp tế Kính Bạc Hồ số hiệu 884 Type 904 lớp Đại Vận của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |