Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngNgư dân TQ gián tiếp lật tẩy yêu sách của Bắc Kinh...

Ngư dân TQ gián tiếp lật tẩy yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông

Ngư dân Đàm Môn đánh bắt trên Biển Đông cũng không tin vào yêu sách lưỡi bò phi lý ấy, mặc dù Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền nhồi nhét vào đầu họ.

Zhang Hongzhou, một học giả nghiên cứu Trung Quốc tại Trường S. Rajaratnam, Singapore ngày 8/1 viết trên The Diplomat về những câu chuyện của ngư dân Đàm Môn, Hải Nam, Trung Quốc xung quanh các hoạt động của họ trên Biển Đông. Đây là lực lượng được Trung Quốc thường xuyên đẩy ra các khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp nhằm thực hiện yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của mình ở Biển Đông.

Đối với giới quan sát Trung Quốc cũng như quốc tế, lực lượng ngư dân ở Đàm Môn được xem là “đội tiên phong” của Bắc Kinh trong việc theo đuổi (cái gọi là) yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Trong những năm gần đây, lực lượng này đã trực tiếp tham gia vào một số cuộc xung đột lớn nhỏ, bao gồm khủng hoảng Scarborough năm 2012 và vụ Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) năm 2014 gây ra cuộc khủng hoảng Trung – Việt trên Biển Đông.

Học giả này cho biết, lực lượng ngư dân Đàm Môn cũng được chính phủ Trung Quốc huy động tham gia vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng đến một số thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo.

Do đó ở Trung Quốc người ta nói rằng, nếu không có lực lượng ngư dân Đàm Môn thì không thể có (khả năng thực thi yêu sách chủ quyền vô lý trên) Biển Đông đối với Trung Quốc.

Zhang Hongzhou khẳng định, chắc chắn rằng sự hiện diện ngày càng tăng của ngư dân Đàm Môn trên Biển Đông được khuyến khích bởi chính phủ Trung Quốc.

Từ năm 2012 chính sách phát triển thủ công mỹ nghệ mai rùa, vỏ ốc khổng lồ đã thay đổi hoàn toàn diện mạo làng chài Đàm Môn. Ngư dân làng này đã tập trung đánh bắt sò khổng lồ và rùa biển và kiếm được nguồn thu nhập cao hơn nhiều.

Năm 2002, Đàm Môn có hơn 100 tàu cá và chỉ sống dựa vào đánh bắt cá. Tuy nhiên đến năm 2014, làng chài này chỉ còn lại 3 tàu cá, còn lại tập trung khai thác (bất hợp pháp) rùa biển và sò khổng lồ.

Số cửa hàng bán đồ thủ công mĩ nghệ từ vỏ sò, mai rùa biển tại làng chài này tăng từ 15 năm 2012 lên 460 điểm năm 2015. Xưởng chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò khổng lồ và mai rùa biển tăng từ một chục lên hơn một trăm trong cùng thời gian này.

Đến năm 2015, ước tính có khoảng 100 ngàn người dân Đàm Môn tham gia chuỗi hoạt động đánh bắt (tận diệt), chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ sò khổng lồ và mai rùa biển ở Biển Đông.

Do quy mô khai thác tận diệt ngày càng lớn nên ngư dân Đàm Môn ngày càng phải tiến ra xa bờ. Lực lượng này không chỉ đánh bắt (bất hợp pháp) trong phạm vi đường lưỡi bò mà còn (liều lĩnh xâm phạm) các vùng biển gần bờ các nước ven Biển Đông.

Hoạt động này của ngư dân Trung Quốc (không chỉ xâm phạm các vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, mà còn) vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 cũng bắt đầu bằng việc Trung Quốc xúi ngư dân ra đánh bắt, tận diệt sò biển khổng lồ và rùa biển ở bãi cạn này, khi lực lượng chức năng Philippines kiểm tra bắt giữ thì Hải giám, Ngư chính Trung Quốc nhảy vào.

Đáng chú ý, trước năm 2013 chính quyền Trung Quốc từ trung ương xuống địa phương đều chỉ trích hoạt động này. Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm ngư dân Đàm Môn tháng Tư 2013, các nhà chức trách nước này đã làm ngơ cho ngư dân Đàm Môn tận diệt nguồn tài nguyên bị quốc tế cấm khai thác ở Biển Đông.

Đối mặt với sự suy giảm nhanh chóng của các loài sò khổng lồ và rùa biển ở Biển Đông, nhận thức ngày càng tăng lên về sự nguy hiểm gây ra bởi các hành vi đánh bắt tận diệt những loài này cũng như việc hủy hoại môi trường ở Biển Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu kiểm soát, hạn chế ngành công nghiệp thủ công mỹ nghệ mai rùa biển, sò biển ở Đàm Môn trong năm 2015.

Tháng 2/2015, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ra văn bản kêu gọi chấm dứt tình trạng đánh bắt trái phép sò khổng lồ và rùa biển. Tháng 7/2015 Trung Quốc tăng cường kiểm soát (bất hợp pháp) hoạt động đánh bắt tài nguyên tại Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Tháng 9/2015 Trung Quốc bắt giữ một tàu cá đang bắt sò khổng lồ gần đảo Phú Lâm (Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam).

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, hoạt động của Trung Quốc ở Phú Lâm, Hoàng Sa hay ở Trường Sa là hoàn toàn bất hợp pháp, bởi hai quần đảo này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Bắc Kinh đang chiếm đóng và kiểm soát bất hợp pháp Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa – PV.

Ngư dân Đàm Môn không phải ai cũng tin tưởng các quan chức chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phải đau đầu tìm cách kiểm soát lực lượng ngư dân ở làng chài này. Trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, hội nghề cá Trung Quốc đã hối thúc một số ngư dân Đàm Môn ra bãi cạn này đánh bắt và họ đã từ chối.

Khi được thúc giục vươn khơi, những ngư dân Đàm Môn đã vặn lại nhà chức trách Trung Quốc: “Nếu chính quyền tuyên bố rằng bãi cạn Scarborough thuộc về Trung Quốc, tại sao các vị không làm gì chống lại Philippines mà lại đẩy ngư dân ra đó? Nếu chúng tôi gặp nạn, ai sẽ bồi thường thiệt hại tài chính cho chúng tôi?”

Zhang Hongzhou cho rằng, trái với nhận thức phổ biến trong dư luận, các ngư dân ở Đàm Môn duy trì quan hệ khá thân thiện với các ngư dân từ Việt Nam và Philippines và ngay cả với các lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài ở Biển Đông. Họ chia sẻ nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và hỗ trợ nhau khi có tai nạn xảy ra trên biển.

Vài lời nhận xét: Bài viết của học giả Zhang Hongzhou trên The Diplomat hôm 8/1 cho thấy một thực tế, bên cạnh những ngư dân Trung Quốc vì kế sinh nhai mà bất chấp luật pháp quốc tế, đánh bắt trái phép, tận diệt các nguồn tài nguyên và động vật quý hiếm ở Biển Đông thì còn có một lực lượng “ngư dân trá hình” được Trung Quốc sử dụng vào mục đích chính trị, độc chiếm Biển Đông như tác giả thừa nhận trong sự kiện Scaborough 2012 hay giàn khoan 981 năm 2014.

Trong chiến lược bành trướng, độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành, lực lượng ngư dân đang được nước này sử dụng như một thủ đoạn chính trị vừa vơ vét tài nguyên, vừa tìm cách hiện thực hóa đường lưỡi bò vô lý, phi pháp. Khi cần sự có mặt của ngư dân, họ nhắm mắt làm ngơ hoặc khuyến khích ngư dân nước mình đến các vùng Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp trên Biển Đông để đánh bắt.

Và cũng khi nào cảm thấy cần thiết phải có “hoạt động nhà nước thực thi chủ quyền”, thì Trung Quốc lại ra lệnh hạn chế, thậm chí bắt bớ một số tàu cá để “làm gương”, đồng thời thêm vào hồ sơ “thực thi chủ quyền” bất hợp pháp của họ trên Biển Đông.

Tàu cá và tàu cá trá hình Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên với những phát biểu của ngư dân Đàm Môn xung quanh cuộc khủng hoảng Scaborough mà học giả Zhang Hongzhou nêu ra, có thể thấy chính những ngư dân Đàm Môn đã nhận thức được mình chỉ là con tốt trong bàn cờ bành trướng, độc chiếm Biển Đông mà các nhà chức trách của họ giăng ra.

Khì cần họ có mặt thì những ngư dân này được chính quyền khuyến khích, trợ cấp, giúp đỡ. Khi cần bắt bớ để thị uy, ra vẻ thực thi pháp luật thì họ có thể lập tức trở thành nạn nhân của chính phủ mình.

Đặc biệt đáng lưu ý những phát biểu của ngư dân Đàm Môn về Scaborough đã gián tiếp bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bản thân những người ngư dân Đàm Môn đánh bắt trên Biển Đông cũng không tin vào yêu sách lưỡi bò phi lý ấy, mặc dù Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền nhồi nhét vào đầu họ. Họ ra khơi có lẽ chỉ với một động lực duy nhất là kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền.

Bài viết của tác giả Zhang Hongzhou đồng thời cũng cung cấp các thông tin rất có giá trị cho Tòa  Trọng tài Thường trực (PCA) khi Tòa đang xem xét nội dung vụ kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động đánh bắt tận diệt các động vật quý hiếm bị cấm và phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông.

Đồng thời nó cũng góp phần lật tẩy thủ đoạn đánh tráo khái niệm mà Trung Quốc đang áp dụng trong thực thi và tuyên truyền yêu sách của họ ở Biển Đông. Zhang Hongzhou đã dẫn lời ngư dân Đàm Môn nói về “bãi cạn Scarborough” thay vì “đảo Hoàng Nham” như Trung Quốc tuyên truyền.

Lâu nay phải chăng Trung Quốc vẫn cố tình gọi thực thể lúc nổi lúc chìm này là một “đảo”, để sau này bồi đắp một đảo nhân tạo lớn, kết hợp với 7 hoặc 8 đảo nhân tạo ở Trường Sa, các đảo ở Hoàng Sa để tạo thành tam giác với 3 góc, mỗi có bán kính 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế nhằm tiến tới hiện thực hóa đường lưỡi bò?

RELATED ARTICLES

Tin mới