Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngNgậm miệng, há miệng

Ngậm miệng, há miệng

Bắc Kinh có muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để thu hút sự chú ý của dư luận khỏi Biển Đông cũng khó. Mà để “bảo được Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân”..

The Straits Times ngày 12/1 dẫn lời các nhà phân tích nhận định, vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1 có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc trong vấn đề (bành trướng) Biển Đông.

Mặc dù vụ thử hạt nhân thứ tư này đã khiến dư luật gia tăng áp lực vào Trung Quốc về việc kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh có thể biến vụ việc thành con bài để mặc cả với Hoa Kỳ.

Ý đồ mượn oai “bom nhiệt hạch” Triều Tiên để mặc cả với Mỹ?

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể sử dụng vai trò trọng tài của mình trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để làm phân tán sự chú ý của dư luận khu vực, quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Wang Dong, chuyên gia về quan hệ đối ngoại Đại học Bắc Kinh nói: “Thách thức hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là một lời nhắc nhở rằng, Trung Quốc và Mỹ có lợi ích nhiều hơn sự khác biệt’.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc vào Thứ Sáu tuần trước, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc hối thúc các bên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên, một “sáng kiến” của Bắc Kinh đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần đầu năm 2006, nhưng nhanh chóng rơi vào bế tắc khi Triều Tiên tiếp tục hoạt động này.

Tiến sĩ Ramon Pacheco Pardo, người nghiên cứu mối quan hệ Trung – Triều cho rằng, Bắc Kinh có thể thể hiện mình như một trọng tài đáng tin cậy.

Khủng hoảng “bom nhiệt hạch” Bắc Triều Tiên có thể giúp Bắc Kinh phân tán sự chú ý của dư luận vào Biển Đông đang nóng lên vì hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Tiến sĩ Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế Viện Lowy nhận định, không có lý do nào cho việc đảo lộn hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông trong tương lai. Tuy nhiên trên thực tế ngay cả Hoa Kỳ cũng có những hạn chế về khả năng để cùng lúc phản ứng với các tình huống ở Biển Đông lẫn bán đảo Triều Tiên.

Học giả này tin rằng, đối với Bắc Kinh việc kiểm soát hành vi thử vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải không có khó khăn, khi đất nước này ngày càng trở nên khó đoán dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.

Vụ thử “bom nhiệt hạch” hôm 6/1 cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh không được Bình Nhưỡng thông báo trước.

Bắc Kinh cũng không thể ép Bình Nhưỡng đến bước đường cùng. Bởi nếu xảy ra sụp đổ chính quyền ở Bắc Triều Tiên có thể gây ra làn sóng người dân Triều Tiên tị nạn tràn qua biên giới chạy sang Trung Quốc và nguy cơ mất kiểm soát vũ khí hạt nhân của quốc gia này.

Ngậm miệng ăn tiền bởi há miệng mắc quai?

Trong khi Trung Quốc chính thức từ chối gây áp lực lên Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch, giới học giả Hàn Quốc tin rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể khiến Bình Nhưỡng sụp đổ một khi cắt hoàn toàn nguồn cung nhiên liệu. Vấn đề là Bắc Kinh không bao giờ làm điều này.

Người Hàn Quốc đã từng đặt rất nhiều hy vọng vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Và giờ họ đang phải xem lại niềm tin của mình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đến dự duyệt binh 3/9/2015. Ảnh: Nikkei.

Yonhap ngày 11/1 bình luận, mọi con mắt đang dồn về Trung Quốc để theo dõi xem nước này sẽ trừng phạt Bắc Triều Tiên ra sao vì vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1. Trung Quốc ngày càng được xem như nước có sức mạnh thực sự kiểm soát được ông Kim Jong-un.

Kim Kyoung-sool, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế năng lượng Hàn Quốc nói với Yonhap, chỉ cần Trung Quốc cắt tất cả các nguồn cung cấp nguyên liệu trong vòng 1 tuần, Bắc Triều Tiên sẽ loạn.

Bình Nhưỡng dựa 100% vào Trung Quốc về năng lượng. Mọi hoạt động kinh tế xã hội sẽ bị tê liệt, lạm phát phi mã, giá cả tăng cao, hoảng loạn dẫn đến bạo loạn xã hội.

Tờ Korea Times ngày 12/1 có bài xã luận cho rằng, vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 đang thử thách mối quan hệ giữa Seoul với Bắc Kinh.

Lập trường chính thức của Trung Quốc sau vụ việc đã khiến nhiều người Hàn Quốc phải xem lại mối quan hệ với Trung Quốc mà họ đã từng tin rằng, nó đang trong thời kỳ phát triển tốt đẹp chưa từng có từ trước đến nay.

Tổng thống Park Geun-hye đã nỗ lực phát triển quan hệ gần gũi với Trung Quốc bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ do căng thẳng  Trung – Mỹ leo thang. Quan hệ cá nhân giữa bà Park Geun-hye với ông Tập Cận Bình khá tốt đẹp và lên tới đỉnh cao khi Tổng thống Hàn Quốc sang dự duyệt binh của Trung Quốc hôm 3/9/2015 tại Thiên An Môn, trong khi Mỹ và các đồng minh tẩy chay nó.

Thế nhưng ngay sau khi xảy ra vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, Điện Cheong Wa Dae đã gọi đường dây nóng sang Trung Nam Hải để thu xếp một cuộc điện đàm giữa bà Park Geun-hye với ông Tập Cận Bình, nhưng Bắc Kinh lặng thinh, Yonhap cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc gọi đường dây nóng cho ông Thường Vạn Toàn sau vụ nổ cũng gặp tình trạng im lặng tương tự, theo Đa Chiều.

Yonhap bình luận, có thể hiểu được rằng một cuộc điện đàm giữa nguyên thủ 2 nước Trung – Hàn lúc này cũng chưa nói lên điều gì trong việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Nhưng ít nhất nó cũng mang tính biểu tượng của một sự nỗ lực tăng cường quan hệ song phương trong lúc khó khăn, bế tắc nhất.

Sự im lặng của ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều người Hàn Quốc có ấn tượng rằng Bắc Kinh đã né tránh kêu gọi của Seoul về việc ngăn chặn hậu quả của vụ thử nghiệm hạt nhân. Ấn tượng này càng tăng lên sau khi website Bộ ngoại giao Trung Quốc không đả động gì đến cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng 2 nước 2 ngày sau vụ nổ bom nhiệt hạch.

Vài lời nhận xét

Như vậy việc Trung Quốc trên thực tế có “bảo được Triều Tiên” hay “kiểm soát được ông Kim Jong-un” bằng đòn bẩy viện trợ, năng lượng như giới phân tích quốc tế nhận định hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Trung Quốc có thực sự “kiểm soát được Triều Tiên” như dư luận đồn đoán hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó hình ảnh ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sang Triều Tiên dự duyệt binh tháng 10/2015 đã bị truyền thông nhà nước Triều Tiên xóa đi hôm qua. Bức ảnh chụp ông Sơn và ông Kim Jong-un trên lễ đài, nguồn: BBC.

Nhưng có một thực tế không thể tranh cãi, đó là Trung Quốc đã không có giải pháp gì khả dĩ cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, ngoài việc lặp lại những lời đã cũ.

Thậm chí lần đầu tiên người ta thấy Bắc Kinh đã phải chính thức thừa nhận mình “chả có vai trò gì quan trọng” trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đã phải công khai nói trước thiên hạ, Trung Quốc không phải nguyên nhân, cũng chẳng phải chìa khóa giải quyết vấn đề.

Nói cách khác là Trung Quốc hết cách, bó tay, tin hay không thì tùy dư luận. 

Tất nhiên Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một bộ phận dư luận không tin điều này. Mỹ đang tìm cách gây thêm áp lực. Hàn Quốc thì quay ra xem lại thiện chí và vai trò thực sự của Bắc Kinh trong mối quan hệ song phương cũng như cục diện bán đảo.

Tất cả chỉ xoay quanh câu hỏi, Bắc Kinh có gây áp lực buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân hay không.

Dân gian vẫn có câu: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Quan sát những phản ứng của Bắc Kinh thì dường như Trung Quốc đang kẹt vào tình thế khó xử này.

Dù có bất mãn đến đâu, Bắc Kinh vẫn không thể buông Bình Nhưỡng khi nào họ vẫn còn coi Triều Tiên là lá chắn, là phên giậu, là bình phong cho an ninh chiến lược của mình. Đó là còn chưa tính đến những nguy cơ khác khi xã hội Triều Tiên rối loạn.

Còn với Bắc Triều Tiên, cách hành xử của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các thuộc cấp của ông cho thấy, tiền viện trợ hay dầu khí, thực phẩm của Trung Quốc đối với họ quý thật đấy, cần thật đấy, thậm chí là rất cần.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng chấp nhận đánh đổi độc lập tự chủ để lấy miếng ăn, không có nghĩa là Trung Quốc có thể ỷ vào đó để sai khiến họ như chư hầu.

Rõ ràng đối với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, Bắc Triều Tiên không phải một kẻ dễ bắt nạt. Do đó Bắc Kinh có muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để thu hút sự chú ý của dư luận khỏi Biển Đông cũng khó. Mà để “bảo được Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân” như kỳ vọng của dư luận còn khó hơn gấp bội.

Đây phải chăng chính là lý do tại sao Trung Quốc phải chấp nhận “ngậm hạt thị” trong cuộc khủng hoảng mang tên bom nhiệt hạch này?

RELATED ARTICLES

Tin mới