Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBom nhiệt hạch Triều Tiên thách thức sách lược của Mỹ ở...

Bom nhiệt hạch Triều Tiên thách thức sách lược của Mỹ ở châu Á

Vụ thử Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch khiến Mỹ gặp nhiều thách thức nhằm hóa giải mối đe dọa này.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 6/1 đã gióng lên hồi chuông báo động cho Mỹ và đồng minh về sự tiến bộ trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi, Wall Street Journal đưa tin.

Nhà Trắng không tin vào tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, loại bom có sức hủy diệt mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử, của Triều Tiên. Dù đó có khả năng không phải là bom nhiệt hạch như Triều Tiên khẳng định nhưng vụ thử vẫn cho thấy Bình Nhưỡng đang tiếp tục đạt được những bước tiến nhất định nhằm hiện thực hóa tham vọng hạt nhân.

Dù thể hiện quyết tâm xoay trục chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này, Tổng thống Barack Obama vẫn phải ba lần chứng kiến Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân trong nhiệm kỳ của mình.

Bên cạnh đó, vụ thử bom nhiệt hạch mới nhất cũng làm bật lên tầm quan trọng chiến lược và tính phức tạp trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Washington gần đây nỗ lực kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh trong khu vực song chính Mỹ lại cần đến ảnh hưởng của Trung Quốc nhất trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hành động của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh ông Obama đang xoay xở ứng phó với các thách thức an ninh nghiêm trọng khác như căng thẳng leo thang giữa Iran và Arab Saudi, sự bành trướng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), nội chiến Syria cũng như mối quan hệ trắc trở với Nga.

Mồi lửa thổi bùng chỉ trích

Vụ thử bom nhanh chóng trở thành mồi lửa cho những thành phần muốn công kích tầm nhìn lãnh đạo toàn cầu của ông Obama, bởi đối với họ, đây chính là hình ảnh phản chiếu sự yếu kém của Tổng thống Mỹ trong cuộc đối đầu với các địch thủ. Vụ thử chắc chắn sẽ khiến tổng thống Mỹ kế nhiệm phải đương đầu với một danh sách dài những khủng hoảng chính sách đối ngoại, giới phân tích đánh giá.

“Đối mặt với một môi trường quốc tế ngày càng biến động phức tạp, khó lường và đầy rủi ro, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có còn đủ sức để thể hiện vai trò chiến lược toàn cầu mà nước này đảm đương từ sau Thế chiến II và được mở rộng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hay không”, Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson ở Washington, nhận xét.

“Các thách thức chính trị và kinh tế trong nước cùng sự trỗi dậy của các quốc gia khác đòi hỏi chúng ta phải thẩm định lại các mục tiêu và năng lực toàn cầu của mình”, ông cho biết thêm.

Ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Nhà Trắng vội vã tái khẳng định các cam kết an ninh đối với đồng minh trong khu vực. Tổng thống Obama đã điện đàm với các lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời điều Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken đến để thảo luận với các đồng minh. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng gọi điện trao đổi với đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho hay ông Obama đang cân nhắc nhiều biện pháp hành động nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ phản ứng nào cũng cần có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.

Theo Earnest, dù chính sách của Tổng thống Obama đến nay không răn đe được Bình Nhưỡng nhưng ông đã thành công trong việc “khiến Triều Tiên bị cô lập hơn bao giờ hết và thúc đẩy cộng đồng quốc tế đoàn kết đối phó với Triều Tiên”.

Nhưng những người chỉ trích ông Obama lại không đồng tình. “Đó là một vết nhơ lớn trong chính sách xoay trục về châu Á”, Victor Cha, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời tổng thống George W. Bush, nói. “Vấn đề này sẽ được ‘đá’ lại cho chính phủ kế nhiệm và nó sẽ tồi tệ hơn theo cấp số nhân”.

Lựa chọn hạn chế

Các chuyên gia về chính sách ngoại giao cho rằng ông Obama có rất ít lựa chọn về cách phản ứng với Triều Tiên. Washington có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới, thể theo một sắc lệnh mà ông Obama ký hồi năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures Entertainment của Mỹ.

Mỹ cũng có thể tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như xúc tiến các nỗ lực nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có thể khởi xướng các cuộc thảo luận về kế hoạch hành động khẩn cấp trong khu vực với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, những thay đổi lớn trong thái độ của Triều Tiên vẫn đa phần phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã chuẩn bị như thế nào.

“Trung Quốc là nước lớn và nếu họ muốn được nhìn nhận nghiêm túc như một cường quốc thế giới hay muốn thực hiện trách nhiệm toàn cầu thì đây là vấn đề của họ”, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Nicholas Burns, bình luận. “Họ không có ảnh hưởng toàn diện đối với Triều Tiên nhưng có ảnh hưởng hơn bất cứ ai”.

Chuyên gia Robert Daly cho rằng Trung Quốc đến nay vẫn chưa cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ quan hệ đồng minh với Triều Tiên. “Trung Quốc sẽ không o ép hay trừng phạt Triều Tiên để làm lợi cho Mỹ”, ông nói. “Họ sẽ chỉ ủng hộ các biện pháp trừng phạt hoặc cắt ống trợ sinh đối với Bình Nhưỡng nếu tin rằng đây là hướng đi tốt nhất cho Trung Quốc”.

Đối tác – địch thủ

Việc Mỹ phải dựa vào Trung Quốc để gây áp lực với Triều Tiên là bằng chứng cho thấy Washington không thể đi xa hơn trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh kể cả ở những nơi khác trong khu vực. Trung Quốc trong khi đó lại hoài nghi mọi nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mở rộng cho các đồng minh châu Á.

“Làm sao để chúng ta đồng thời vừa là đối tác vừa là đối thủ với Trung Quốc”, ông Burns nêu vấn đề. “Đó là một trong những thách thức chiến lược lớn nhất đối với ngoại giao Mỹ. Chúng ta phải vận dụng khéo léo hai khía cạnh xung khắc này trong chính sách đối với Trung Quốc”.

Vụ thử bom nhiệt hạch có khả năng là chất xúc tác để Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cường phối hợp kinh tế, ngoại giao, quân sự nhằm gây sức ép với Triều Tiên, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Scott Snyder từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho hay.

Ông cho rằng các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trên thực tế có thể xem xét tách rời với một số vấn đề khác liên quan đến chiến lược tái cân bằng.

Vấn đề Triều Tiên vẫn xấu đi dù Tổng thống Obama đã tới thăm khu vực châu Á – Thái Bình Dương 9 lần kể từ khi lên nắm quyền. Đây cũng là rắc rối làm đau đầu nhiều đời tổng thống Mỹ suốt hàng thập kỷ qua, bao gồm cả những người tiền nhiệm của ông Obama là cựu tổng thống George W. Bush và Bill Clinton.

Chuyên gia Victor Cha cho rằng vấn đề Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây một phần vì Triều Tiên có lãnh đạo mới nhưng phần khác cũng là bởi ông Obama phải phân chia ưu tiên của mình vào những vấn đề khác, ví như tình trạng biến đổi khí hậu hay cải cách kinh tế.

Hồi tháng 10 năm ngoái, sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này như đã làm với Iran trong trường hợp Bình Nhưỡng quan tâm. Tuy nhiên, ông cũng ngụ ý rằng các nỗ lực ngoại giao tay đôi như vậy có lẽ sẽ không diễn ra trong nhiệm kỳ của ông.

“Không có dấu hiệu nào từ phía Triều Tiên cho thấy họ có thể nhìn thấy một tương lai mà ở đó nước này không sở hữu hoặc không theo đuổi vũ khí hạt nhân”, ông Obama nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới