Một tướng quân đội Trung Quốc tiết lộ nước này sẽ sớm đưa các máy bay quân sự hạ cánh thử nghiệm ở một sân bay mới được Bắc Kinh xây dựng (phi pháp) tại quần đảo Trường Sa trong vài tháng tới, có lẽ là trong nửa đầu năm nay.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm nay (8/1) dẫn lời Thiếu tướng Trung Quốc về hưu Từ Quang Dụ cho biết, các sân bay (mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở một số đảo nhân tạo, thuộc quần đảo Trường Sa) sẽ chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự, chẳng hạn như công tác cứu hộ và vận chuyển hàng hóa, đồng thời có thể phục vụ cho các máy bay quân sự làm công tác tuần tra Biển Đông.
“Sớm hay muộn thì máy bay quân sự sẽ cất cánh từ đó (các đường băng trên một số đảo nhân tạo). Rất có thể việc đó sẽ diễn ra trong nửa đầu năm nay”, ông Từ nói.
Cũng theo ông Từ, việc máy bay dân dụng Trung Quốc có thể hạ cánh trên các rạn san hô (đã được Trung Quốc gia cố trái phép thành các đảo nhân tạo) là rất quan trọng để nước này “phát triển và bảo vệ” các đảo ở Biển Đông, cung cấp vật tư cho các tiền đồn quân sự của Bắc Kinh ở vùng biển này. Ngoài ra, ông Từ dự kiến Trung Quốc sẽ sớm xây bệnh viện, nhà kho và các cơ sở khác ở trung tâm khu vực này.
Bên cạnh đó, sân bay phục vụ máy bay dân sự thường phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với các đường băng quân sự, do đó, một khi máy bay dân dụng Trung Quốc đã thử nghiệm hạ cánh thành công ở đường băng trên bãi Đá Chữ Thập thì có nghĩa là đường băng này cũng đủ điều kiện để phục vụ các máy bay quân sự.
Tướng Trung Quốc cho rằng, đường băng dài 3.000m trên bãi Đá Chữ Thập thích hợp cho các máy bay chiến đấu, tàu chở bom, máy bay do thám và máy bay trực thăng.
Hai máy bay Trung Quốc và người Trung Quốc hiện diện trái phép trên bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 6/1/2016 |
Trước đó, ngày 2/1/2016, Trung Quốc đã ngang ngược thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở đường băng mà Bắc Kinh mới hoàn thành xây dựng trái phép ở bãi Đá Chữ Thập.
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, đến ngày 6/1/2015, Trung Quốc tiếp tục cho 2 máy bay dân dụng: một máy bay Airbus 319 của Hãng hàng không Nam Phương Trung Quốc (China Southern Airlines) và một máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không Hải Nam (Hainan Airlines) cất cánh từ Hải Khẩu và hạ cánh trái phép xuống sân bay trên bãi Đá Chữ Thập. Chiều cùng ngày, hai máy bay trên đã bay trở lại Hải Khẩu.
Theo truyền thông Trung Quốc, thời gian bay từ Hải Khẩu ra bãi Đá Chữ Thập kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
Hu Yueqiu, cơ trưởng của chiếc Airbus 319 còn ngang nhiên mô tả sân bay (phi pháp) trên bãi Đá Chữ Thập là “tuyệt đẹp” với một đường băng “tuyệt vời”.
Yang Honghai, Phó trưởng bộ phận tiêu chuẩn hàng không Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc thì cho biết, sân bay (phi pháp) trên bãi Đá Chữ Thập “đáp ứng tất cả các yêu cầu hàng không dân dụng và có thể chứa cả máy bay cỡ vừa và cỡ lớn” và “sẽ phục vụ như một trung tâm hàng không” ở quần đảo Trường Sa.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc còn rêu rao rằng, các cơ quan của chính phủ Trung Quốc – từ các cơ quan hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và xử lý rác thải sẽ được thiết lập trên các đảo nhân tạo, đồng thời Bắc Kinh cũng có kế hoạch đưa khách du lịch tới đây tham quan.
Sau khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện 2 chuyến bay thử nghiệm đường băng trên bãi Đá Chữ Thập, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố ngày 7/1/2016 phản đối lần 2 việc làm phi pháp này của Bắc Kinh, “kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp”.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 7/1/2016 cũng lên tiếng quan ngại về việc Trung Quốc lại điều 2 máy bay đáp thử xuống bãi Đá Chữ Thập. Ông Rosario gọi đây là “hành động gây hấn” và cảnh báo “nếu hành động này không bị ngăn chặn, chúng ta sẽ chứng kiến nguy cơ Trung Quốc lấy cớ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông”.