Một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ vừa có nhận định rằng, các nhà xuất khẩu nước này có nguy cơ bị phá sản vì những biện pháp trừng phạt của Nga
Báo Today’s Zaman: Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phá sản
Tờ Today’s Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, rất có thể trong thời gian tới các công ty chuyên kinh doanh bán buôn trái cây và rau quả của nước này sẽ bắt đầu bị phá sản vì những biện pháp trừng phạt của Nga, vốn có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm nay – tác giả bài báo nhận xét.
Theo tờ báo này, sắp tới là một mùa đông rất khó khăn đối với ngành nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, các công ty xuất khẩu nông sản ở tỉnh Antalya bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện đã có những người đã từ bỏ kinh doanh, các xe tải chở nông sản phải quay lại nơi sản xuất.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, chính phủ của ông Medvedev cũng bắt đầu siết chặt thị trường nông sản nhập lậu từ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan chức năng Nga đã bắt tay tiêu hủy các sản phẩm của 2 nước này nhập lậu vào lãnh thổ Liên bang.
“… Những người bán buôn ở Antalya bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng, những nhà kinh doanh này buộc phải chuyển về thị trường trong nước, nhưng chúng tôi không biết là nó sẽ chịu được bao lâu”,- Today’s Zaman dẫn lời nhà xuất khẩu Ali Yandrik.
Tờ báo Dunya bình luận rằng, khi lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, thị trường Nga đã cấm nhập các sản phẩm Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa với những thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế nước này, bao gồm khu vực xuất khẩu trái cây và rau quả, bởi Moscow vốn là bạn hàng lớn nhất của nước này.
Tờ Dunya dẫn tuyên bố của ông Ali Kawak – Chủ tịch Liên hiệp các nhà xuất khẩu rau và trái cây tươi của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, nếu những vấn đề với Nga không được giải quyết, thì trong tương lai, phân khúc này sẽ không có bất cứ triển vọng nào.
Những năm gần đây, ngành trái cây và rau quả tươi của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị mất ít nhất hai thị trường tiêu thụ.
Đầu tiên là thị trường Nga, do vụ tấn công của máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vào máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga, thị trường thứ hai là Iraq, vì hành động ngang nhiên đưa quân vào khu tự trị người Kurd ở thành phố Mosul, thuộc tỉnh Nineveh của nước này.
Theo ông Kawak, việc tìm kiếm “những thị trường khác” mà hiện nay chính quyền Ankara đang nói đến với nhiều hy vọng lạc quan, là điều không hề đơn giản.
Khoảng 90% thương mại nước ngoài buôn bán các loại trái cây tươi và rau quả của các nước trên thế giới được thực hiện ở các nước láng giềng. Sở dĩ ưu tiên được dành cho các nước ở gần nhất vì sự cần thiết giảm thiểu chi phí và nguy cơ sản phẩm sớm bị già héo.
Xuất khẩu đến những vùng đất xa xôi chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu – khoảng dưới 1%, do đó việc chính quyền Erdogan cho rằng nước này có thể gia tăng xuất khẩu tới các nước châu Á là vấn đề vô cùng phức tạp và không khả thi.
Quan hệ giữa 2 nước nắt đàu rạn nứt từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự chống IS ở Syria |
Theo nhà kinh doanh này, EU cũng không thể là thị trường thay thế bởi vì Nga cũng đang áp đặt lệnh cấm nông sản châu Âu, nông dân ở khu vực này cũng đang lâm vào tình trạng thiếu đầu ra cho sản phẩm, tình hình cũng không khả quan hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ gánh chịu hậu quả lớn
Một khách sạn lớn của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow vừa phải ngừng hoạt động vì lệnh trừng phạt của Moscow đối với Ankara. Đại diện của khách sạn Swissotel Krasnye Holmy ở thủ đô của Nga đã xác nhận thông tin bi thảm với họ với Interfax, vào hôm 8-1.
Báo chí Nga cho hay, Swissotel Krasnye Holmy đã ngừng đặt và bán phòng kể từ ngày 30-12, một ngày trước khi nghị định của chính phủ Medvedev có hiệu lực, nghiêm cấm hoạt động của các khách sạn thuộc thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc do các công dân nước này kiểm soát, ở Nga.
Khách sạn Swissotel Krasnye Holmy được khai trương vào tháng 7 năm 2005 và được công nhận là một trong những tòa nhà cao nhất ở thủ đô Moscow. Theo truyền thông Nga, tòa nhà mà công ty Thụy Sĩ đặt khách sạn là thuộc sở hữu của công ty Thổ Nhĩ Kỳ Enka. Do đó, nó đã bị cấm hoạt động.