Đó vừa là cảnh báo, vừa là tín hiệu bất ổn mới sau khi Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Ban Tuyên truyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết (8/1), tính đến cuối tháng 12/2015 (bắt đầu dự án này từ cuối năm 2014), tỉnh Hải Nam đã hoàn thành nghiệm thu giai đoạn một dự án lắp đặt thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình từ vệ tinh cho 2.617 tàu cá hoạt động ở Biển Đông (hoàn toàn miễn phí với điều kiện tàu cá phải có đủ khả năng đánh bắt xa bờ).
Theo đó, từ đầu năm 2016, ngư dân Trung Quốc có thể xem 58 kênh truyền hình vệ tinh và 45 kênh phát thanh khi đánh bắt cá ở Biển Đông. Và những thiết bị được lắp trên tàu còn cung cấp thông tin thời tiết biển, khu vực có nguy hiểm và những chính sách mới của Trung Quốc. Tỉnh Hải Nam sẽ tiếp tục lắp đặt cho nhiều tàu cá khác trong giai đoạn hai.
Cũng trong ngày 8/1, trang mạng sina.com đưa tin về tàu cảnh sát biển 10.000 tấn thứ hai của Trung Quốc sắp được triển khai ở Biển Đông. Bởi tàu này đã hoàn thành chế tạo, được lắp ráp hoàn chỉnh và khi hoạt động sẽ mang số hiệu 3901, sẽ trở thành “trụ cột” của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc. Bởi tàu cảnh sát biển 10.000 tấn thứ nhất có số hiệu 2901 được lắp pháo 76mm ở đầu tàu (cùng cỡ với pháo lắp ở tàu tuần tra lớp Hamilton hiện có của Mỹ), có sàn đỗ máy bay trực thăng và nhà chứa máy bay, có thể chở máy bay trực thăng hạng nặng Z-8.
Trước đó (5/1), tờ Newsweek cho rằng, Hải quân Trung Quốc vừa được bàn giao thêm một tàu trinh sát công nghệ cao mới. Và từ năm 1999 đến nay đã có ít nhất 4 tàu trinh sát loại này được đưa vào hoạt động. Trong đó tàu trinh sát Hải Vương Tinh Type 815 là mới nhất, được trang bị thiết bị nghe lén điện tử nhạy cảm, giúp Trung Quốc tiếp tục nâng cao năng lực thu thập tình báo đối với các đối thủ, đặc biệt là Hải quân Mỹ.
Cùng ngày 5/1, Hãng thông tấn Kyodo News dẫn nguồn tin đáng tin cậy cho rằng, Trung Quốc sẽ cải tạo 5 tàu chiến cũ thành tàu cảnh sát biển, để tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn tăng cường xây dựng hải quân trá hình để thực hiện mưu đồ độc bá biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trước đó (23/12/2015), tờ Thời báo Hoàn Cầu xác nhận, tàu cảnh sát biển số hiệu 31239 vốn là tàu hộ vệ Type 053H2G (NATO gọi là tàu lớp Giang Vệ I), là loại tàu phù hợp với tiêu chuẩn hiện đại hóa của Hải quân phương Tây. Còn theo tờ Jane’s Defense Weekly, tàu hộ vệ Type 053H2G của Hải quân Trung Quốc được cải tạo, trong đó một chiếc được quét sơn màu trắng, và chiếc tàu này trước đây có tên gọi An Khánh, với số hiệu 539.
Ngày 8/1, tờ South China Morning Post dẫn lời Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu Từ Quang Dụ cho rằng, sân bay mới do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ sớm được sử dụng để chiến đấu cơ thử nghiệm cất và hạ cánh và việc này có thể diễn ra trong nửa đầu năm 2016.
Ông Từ Quang Dụ còn nói, trên thực tế thì việc sân bay ở bãi đá Chữ Thập đã sử dụng được cho máy bay dân dụng thì cũng có nghĩa đủ điều kiện sử dụng cho máy bay quân sự. Bởi đường băng dài 3km trên bãi đá Chữ Thập phù hợp cho các loại máy bay ném bom, chiến đấu cơ, máy bay do thám và máy bay trực thăng cất và hạ cánh.
Trước đó (7/1), Hãng AFP và Reuters dẫn cảnh báo của người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook về việc máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống một hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Cũng trong ngày 7/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan tuyên bố, tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã nêu bật sự cần thiết của việc Washington phải duy trì một lực lượng hải quân mạnh để tạo sức răn đe.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng khẳng định (khi đang ở thăm Manila) với Ngoại trưởng Phillippines Albert del Rosario rằng, vấn đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là “không thể thương lượng” và bất kỳ hành động nào cản trở hoạt động hàng hải và hàng không tại khu vực này đều được coi là “ranh giới đỏ đối với Anh”.
Ông Philip Hammond còn nhấn mạnh, Anh sẽ tiếp tục các biện pháp bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Albert del Rosario bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng trái phép ở bãi đá Chữ Thập, đồng thời khẳng định, đây là hành động “không thể chấp nhận được”.
Giới chuyên môn coi động thái kể trên của Trung Quốc là nhằm chuẩn bị cho sự hiện diện quân sự trong tương lai gần, nhất là khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Theo nhận định của ông Leszek Buszynski, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, sau các chuyến bay dân sự sẽ là các chuyến bay quân sự. Học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore cũng cảnh báo, tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn sau khi Bắc Kinh sử dụng các cơ sở mới để triển khai lực lượng sâu hơn vào Biển Đông.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia cũng từng khuyến cáo, trong năm 2016 Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố trái phép các cơ sở hạ tầng tại 7 bãi đá mà họ xây dựng ở Trường Sa. Và khi đó mọi động thái tại khu vực này đều tiềm ẩn những biến cố khó lường.
Trước đó, khi bình luận trên The Korea Herald, Giáo sư Kim Tae-hyung đến từ Đại học Soongsil cho rằng, “hòa bình nóng” sẽ tiếp tục được duy trì ở Đông Á trong năm 2016. Và nỗ lực bành trướng, tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh trong năm 2016 sẽ tiếp tục, cho dù phải tập trung nhiều hơn vào đối nội. Riêng tranh chấp tại Biển Đông, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa yêu sách chủ quyền bành trướng và phi lý với cái gọi là “lợi ích cốt lõi” và việc này sẽ khiến quan hệ Trung – Mỹ thường xuyên căng thẳng, nhưng không xảy ra đối đầu quân sự.