Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên khiến chiến lược châu Á của TQ "tan tành mây...

Triều Tiên khiến chiến lược châu Á của TQ “tan tành mây khói”?

Vụ Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân hôm 6/1 vừa qua đã khiến những nỗ lực trong nhiều tháng của chính phủ Trung Quốc “tan tành mây khói”.

Chiến lược của Bắc Kinh thành công cốc?

Trước đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đẩy mạnh cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng – quốc gia mà họ vẫn xem là “đồng minh trung thành ở phía Đông”.

Bắc Kinh đã cử Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn tới lễ duyệt binh của Triều Tiên, từ chối các kêu gọi cô lập và gia tăng áp đặt cấm vận với Triều Tiên, đồng thời lên tiếng tôn vinh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tờ New York Times (Mỹ) mới đây cho hay, việc Bình Nhưỡng thông báo tiến hành “thử thành công bom khinh khí”, đồng thời là vụ thử hạt nhân lần thư 4 trong vòng 10 năm qua, đã khiến các quan chức ở Bắc Kinh giận dữ.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích Triều Tiên ngay trong chiều 6/1 bằng những ngôn từ gay gắt, đồng thời khẳng định “kiên quyết với lập trường phi hạt nhân hóa bán đảo”.

Cựu chuyên gia cao cấp về vấn đề Triều Tiên của Quốc hội Mỹ Evans J. R. Revere nhận định, quyết định thử bom khinh khí đích thực là “giọt nước làm tràn ly” trong tiến trình cải thiện quan hệ Trung-Triều.

“Vào năm ngoái (2015), lần đầu tiên kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011, Bắc Kinh đồng ý cử quan chức cấp cao (Lưu Vân Sơn) tham gia lễ duyệt binh của Triều Tiên.

Một trong những điều kiện đưa ra là Bình Nhưỡng không tiếp tục tiến hành thử nghiệm hạt nhân,” ông Revere cho biết.

Hiện tại, khi chuyến đi của ông Lưu đã thực hiện xong và những “lời có cánh” cũng xuất hiện đầy rẫy trên báo chí chính thống Trung Quốc trong một khoảng thời gian, thì các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi hành động hôm 6/1 của Triều Tiên.

Theo ông Revere: “Bọn họ (chính phủ Trung Quốc) đối diện với áp lực nặng nề là phải áp đặt biện pháp trừng phạt thật ngặt nghèo với Bình Nhưỡng. Song Bắc Kinh cũng e ngại khả năng tình trạng bất ổn trên bán đảo liên Triều lan sang lãnh thổ Trung Quốc.

Họ cũng phải đối mặt với nghi vấn về hiệu quả thực chất của nỗ lực ‘lấy lòng’ Kim Jong Un trong nửa cuối 2015, trong khi dư luận trên các diễn đàn báo chí Trung Quốc cho rằng ông kim là một nhân vật khó lường.”

Chuyên gia này nhận định, tình hình khu vực hiện nay là khi Trung Quốc tìm cách tranh giành vị thế chủ đạo ở Tây Thái Bình Dương thì hành động của Triều Tiên có thể khiến chiến lược trên trở thành công cốc khi buộc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực biển Đông, đặt nước này vào thế phải “phân thân”, giống như chính Trung Quốc từng châm biếm Mỹ bị “sa lầy” ở Trung Đông.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định chính sách đối với Triều Tiên của Trung Quốc đã thất bại và kêu gọi nước này ngừng giao dịch thương mại “như không có chuyện gì” với Bình Nhưỡng, thì Bắc Kinh vẫn né tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp.

Bà Hoa Xuân Oánh chỉ phản bác ý kiến của ông Kerry và tuyên bố “nguyên nhân cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không đến từ Trung Quốc”.

Trung Quốc sẽ “ngậm bồ hòn làm ngọt”?

Giáo sư Thành Hiểu Hà thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh có một số biện pháp gia tăng áp lực kinh tế đối với Triều Tiên, bao gồm hạn chế lượng du khách nước này tới Triều Tiên, hoặc giảm nhập khẩu than và hàng hóa Triều Tiên…

Trong khi đó, Mỹ kỳ vọng Bắc Kinh hành động quyết liệt hơn, ví dụ như cắt giảm nguồn cung dầu khí và thực phẩm cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế và là “người đỡ đầu” số 1 của Triều Tiên. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 6.4 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng Bắc Kinh cần thận trọng trước khi quyết định “mạnh tay” với Triều Tiên.

“Nếu đơn phương áp đặt cấm vận thì Trung Quốc mới là bên mất nhiều hơn. Việc gia tăng áp lực về kinh tế, nếu kéo dài có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên và gia tộc họ Kim, cũng như hàng loạt viễn cảnh mà Bắc Kinh không muốn thấy cũng như không thể dự đoán được,” ông nói.

Theo NYT, Trung Quốc đã là “đồng minh” của Bình Nhưỡng kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên và tiếp tục bảo vệ Triều Tiên trong thời kỳ sau đó. Bắc Kinh đã trở thành “người bảo hộ” và bên viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên, bất chấp chỉ trích từ Mỹ/đồng minh.

Quan hệ Trung-Triều trở nên căng thẳng kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền bởi Bắc Kinh thường cáo buộc Bình Nhưỡng phớt lờ cảnh cáo của LHQ và tiếp tục chương trình hạt nhân.

Sau vụ thử hạt nhân tháng 2/2013 của Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “không nên để hòa bình thế giới bị đe dọa chỉ vì hành động của một quốc gia”.

NYT cho rằng, Trung Nam Hải đã điều chỉnh lại chiến lược với Triều Tiên trong vài tháng gần đây bởi Bắc Kinh dường như đã thừa nhận quan điểm rằng “thời kỳ nắm quyền của Kim Jong Un sẽ kéo dài hơn so với Trung Quốc dự tính”, cho dù ông Kim không nhún nhường với Trung Quốc.


Ông Kim Jong Un biểu dương các nhà khoa học Triều Tiên tham gia nghiên cứu và tiến hành vụ thử nghiệm bom khinh khí hôm 6/1. Ảnh: dfic.cn

Ông Kim Jong Un biểu dương các nhà khoa học Triều Tiên tham gia nghiên cứu và tiến hành vụ thử nghiệm bom khinh khí hôm 6/1. Ảnh: dfic.cn

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), rắc rối do Triều Tiên tạo ra như “thêm dầu vào lửa”, trong khi ông Tập đang phải đau đầu với hàng loạt thách thức trước mắt.

Hiện tại, giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và nước này bị cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt về vấn đề biển Đông.

“Tập Cận Bình không muốn thấy bất ổn ở khu vực biên giới Trung-Triều, giống như người tiền nhiệm của ông. Trung Quốc sẽ giữ khoảng cách với Triều Tiên về ngoại giao, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế,” bà Glaser bình luận.

Mới đây nhất, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc sáng nay, 15/1, tiếp tục lên tiếng phản ứng lại kêu gọi cứng rắn với Bình Nhưỡng của Mỹ và đồng minh.

Tờ này viết: “Washington và Tokyo đều muốn Trung Quốc đứng lên giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và xoay 180 độ trong chính sách với Bình Nhưỡng, khiến Trung-Triều trở thành điểm nóng xung đột ở Đông Bắc Á và chuyển dịch một phần rủi ro ở Đông Bắc Á về đây.

Có thể một bộ phận người Hàn Quốc rất kỳ vọng vào điều đó. Nhưng chuyện này hoàn toàn bất hợp lý.”

Bắc Kinh đang hết sức lo ngại trước phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Nhà Xanh hôm 13/1, khi bà lần đầu tiên nói rằng “xem xét bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo”.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng về hưu Doãn Trác chỉ trích, nếu Hàn Quốc đưa vào hệ thống THAAD thì động thái này “trên thực tế không nhằm vào Triều Tiên, mà là Nga và Trung Quốc”.

“Đây là một hành động sai lầm bởi Hàn Quốc sẽ tự đặt mình vào thế đối lập với Moscow và Bắc Kinh. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Seoul, ngược lại là mối đe dọa vô cùng to lớn.”

RELATED ARTICLES

Tin mới