Tập tọng chơi con bài hai mặt của Mỹ nhưng do “không thuộc bài’, Ankara có thể sẽ tự chuốc lấy hậu quả ghê gớm là khủng bố và nội chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp bị đánh bom khủng bố
Ngày 12-1 vừa qua, một vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra trong khu vực Quảng trường Sultanahmet, gần một bến xe điện ở trung tâm Istanbul, khiến 10 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Tất cả các nạn nhân đều là người nước ngoài, gồm 8 công dân Đức và 1 người Peru.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan sau đó đã tuyên bố rằng, vụ nổ do kẻ đánh bom tự sát từ Syria thực hiện. Còn Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết, có thể kẻ khủng bố là một thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngày 14-1, một vụ đánh bom xe vừa xảy ra tại trụ sở chính cảnh sát tỉnh Diyarbakir của nước này. Vụ đánh bom tự sát đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 36 người bị thương. Trong số người thiệt mạng có một phụ nữ và một trẻ em, cùng với cả cảnh sát.
Chiếc xe hơi nhồi bom đã phát nổ ngay tại lối vào trụ sở chính của cảnh sát nằm ở quận Cinar, tỉnh Diyarbakir, dẫn đến cháy dữ dội. Trong khi trụ sở cảnh sát bị sức ép từ vụ nổ bom phá hủy nặng nề, một số tòa nhà lân cận cũng bị ảnh hưởng.
Hiện trường vụ đánh bom Quảng trường Sultanahmet, trung tâm Istanbul |
Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet cho biết, trụ sở cảnh sát trở thành mục tiêu chính của vụ đánh bom xe này, sau đó bị tấn công với “súng phóng lựu và súng nòng dài”. Giới chức Ankara cáo buộc, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.
Chỉ trong vòng mấy ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố. Tình hình bất ổn trong nước sẽ tác động ra sao tới sức hút du lịch của đất nước này? Giờ đây, Ankara có chịu xét lại thái độ với IS và điều này sẽ được phản ảnh như thế nào trong chính sách đối với Syria?
Ông Koray Giurbiuz – chuyên gia quân sự tại Đại học Bilkent ở Ankara tuyên bố rằng, hàng loạt vụ khủng bố liên tiếp xảy ra ở các thành phố khác nhau trên nước này chứng tỏ IS có thể dễ dàng hành động ở bất cứ đâu, và đã tới lúc chính quyền Erdogan nên chấm dứt dung túng các thế lực khủng bố.
Biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq và Syria hầu như không được giám sát. Trong số những người tị nạn Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có hàng chục nghìn người Salafis cực đoan bị IS điều khiển và sẵn sàng kích nổ bom mang trong người vào bất cứ lúc nào.
Hiện trường đổ nát của vụ tấn công khủng bố vào trụ sở chính của cảnh sát tỉnh Diyarbakir |
Ông Giurbiuz cho biết, mục đích của các vụ khủng bố ở Istanbul là làm suy yếu kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng năm, chỉ riêng thành phố này đã đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch. Sau những vụ tấn công này, có khả năng số lượng du khách sẽ giảm đi ít nhất hai lần.
“Tôi nghĩ là đã tới lúc Ankara phải thực hiện những điều chỉnh phù hợp trong quan điểm về vấn đề Syria và trong cách tiếp cận với cuộc chiến chống khủng bố” – chuyên gia quân sự Koray Giurbiuz nói.
Thay cho sự dung túng IS, Mặt trận al-Nusra (thuộc al-Qaeda) và các nhóm khủng bố khác, ít nhất vì lợi ích an ninh của các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nên khôi phục đối thoại với chính phủ trung ương của Iraq ở Baghdad, với chính phủ Syria hợp pháp tại Damascus.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, hy vọng là chính quyền Erdogan hiểu rằng, chỉ có thông qua sự tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể tham gia hiệu quả vào cuộc chiến chống khủng bố và hạn chế những hậu quả từ chính sách dung dưỡng khủng bố của mình.