Friday, December 20, 2024
Trang chủĐiểm tinCampuchia tiếp tục chạy cờ cho Trung Quốc trong vấn đề Biển...

Campuchia tiếp tục chạy cờ cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Trong lúc dư luận quốc tế, đặc biệt là một số nước ASEAN lên tiếng quan ngại về hành động Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập, gây uy hiếp an toàn bay và an ninh hàng không trong khu vực Biển Đông thì một số báo chí của Campuchia lại có bài lên tiếng bênh vực các hành vi sai trái của Trung Quốc, đi ngược là tinh thần đoàn kết ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng ASEAN vừa được thành lập ngày 31/12/2015 vừa qua.

Tờ Đảo hòa bình của Campuchia [1] ngày 12/1/2016 đăng lại nội dung của Tân Hoa Xã ngày 11/01/2016 về việc Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam về việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm xuống sân bay mới xây dựng trên đá Chữ Thập ở Biển Đông. Trích dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng việc Việt Nam cáo buộc các chuyến bay thử nghiệm “đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực là không có cơ sở”.

Bài báo cho rằng Tuyên bố trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có mục đích nhằm đáp trả những nội dung trong thư phản đối Trung Quốc mà ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam gửi đến tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO).

Cũng nằm trong mạch “ủng hộ” Trung Quốc, ngay khi Philippines phê duyệt Hiệp định tăng cường hợp tác phòng thủ với Mỹ ngày 12/01 vừa qua, Thmey Thmey của Campuchia ngày 13/01 [2] có đăng tải bài viết “Trung Quốc có nên quan ngại đối với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân đội ở gần biển Nam Trung Hoa?”. Theo báo này, sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây rõ ràng đã làm cho tình hình trở nên nóng lên. Điều quan ngại lớn nhất là tranh chấp chủ quyền sẽ trở thành sự đối đầu về quân sự và chạy đua vũ trang, không chỉ là đối đầu giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, mà là sự đối đầu giữa Mỹ, đồng minh của Mỹ với Trung Quốc.

Bài viết cũng cho rằng có 2 lý do để Trung Quốc không phải sợ về sự hiện diện của Mỹ trong thời gian tới: một là, dù ngày 12/01/2016, Tòa án Tối cao Philippines đã công bố về tính hợp hiến của thỏa thuận hợp tác, củng cố quốc phòng giữa Mỹ và Philippines – thỏa thuận mở đường cho việc Mỹ đưa quân đội đến bảo vệ hoặc vào gần khu vực tranh chấp một cách hợp pháp nhằm chống lại Trung Quốc, song Mỹ không thể đưa nhiều quân gây ảnh hưởng, tạo sức ép đối với Trung Quốc, do Mỹ phải triển khai trong chiến dịch an ninh, hòa bình ở nhiều khu vực như Trung Đông, Châu Phi và Châu Á – Thái Bình Dương và còn phải đối phó với nhân tố Bắc Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân đang đe dọa hòa bình thế giới. Hai là, dưới thời của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cải tổ hệ thống quân sự, kể cả việc kết án một số lãnh đạo quân sự tham nhũng, tăng kinh phí để củng cố quốc phòng… do đó Trung Quốc sẵn sàng trong việc bảo vệ chủ quyền bằng cách sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lãnh thổ.

Những việc làm trên của Campuchia nhắc lại cho cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN về sự kiện năm 2012 khi Campuchia đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN. Chính tại năm này, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không thông qua được Tuyên bố chung do Campuchia, mặc dù là thành viên ASEAN, đã nhất định không chịu đưa vấn đề Biển Đông, một vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn và chiếm đoạt bãi cạn Scarborough do Philippines đang quản lý vào Tuyên bố chung.

[1]  ប៉េកាំងអះអាងសិទ្ធិហោះហើរទៅកាន់សមុទ្រចិនខាងត្បូង  (Trung Quốc yêu sách quyền bay trên Biển Đông)<http://www.rasmeinews.com/world/ZjllOWI0Yz/37>

[2]ចិនគួរ​ព្រួយបារម្ភ​ចំពោះ​ការកើនឡើង​វត្តមាន​ទ័ព​អាមេរិក​នៅក្បែរ​សមុទ្រ​ចិន​ខាងត្បូង​? (Truung Quốc có nên quan ngại đối với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân đội ở gần biển Nam Trung Hoa), <http://www.thmeythmey.com/?page=detail&ctype=article&id=35272&lg=kh>

RELATED ARTICLES

Tin mới