Sunday, November 17, 2024
Trang chủQuân sựCăng thẳng Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông gia tăng...

Căng thẳng Mỹ – Trung trong vấn đề Biển Đông gia tăng trong năm 2015

Năm 2015 chứng kiến căng thẳng Mỹ – Trung trong vấn đề Biển Đông gia tăng, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ các hoạt động cải tạo đảo và hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc cải tạo đảo ồ ạt ở Trường Sa

Ngày 12/5/2015, Wall Street Journal đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xem xét khả năng điều tàu chiến và máy bay trinh sát của hải quân Mỹ vào khu vực 12 hải lý xung quanh các dự án cải tạo bãi ngầm mà Trung Quốc tiến hành, cho rằng Nhà Trắng và Lầu năm góc phải có bước đi cụ thể để làm rõ với Bắc Kinh rằng hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa đã đi quá xa và cần phải dừng lại. [1]

Tiếp đó, ngày 20/5/2015, Mỹ điều máy bay trinh sát P – 8A Poseidon chở theo phóng viên của kênh truyền hình CNN của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Clark ở Philippines bay gần các thực thể mà Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất ở Trường Sa. Hình ảnh từ máy bay cho thấy các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là nghiêm trọng và đáng lên án. CNN còn đăng tải âm thanh ghi lại việc hải quân Trung Quốc 8 lần phát thanh cảnh cáo, yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực này, chứng tỏ sự ngang ngược của Bắc Kinh vì máy bay P – 8A Poseidon bay cách các đảo nhân tạo khoảng cách hơn 12 hải lý.[2]

Đặc biệt, tháng 8/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó chỉ rõ các hành xử ngang ngược và hoạt động cải tạo đảo ồ ạt của Trung Quốc là nguồn gốc chính gây ra căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các bên yêu sách đều có các hoạt động cải tạo đảo, nhưng Trung Quốc cải tạo với tốc độ và quy mô khủng khiếp. Từ tháng 12/2013 – 6/2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 2.900 mẫu Anh (tương đương với 11.735.894 m2), chiếm 95% diện tích đất đai ở Trường Sa, lớn gấp 17 lần tổng diện tích các bên yêu sách khác cải tạo trong vòng 40 năm qua. Đáng chú ý, chỉ trong ba tháng trước thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương, diện tích đất Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa tăng tới 50%, từ con số 2.000 mẫu Anh tại thời điểm tháng 5/2015.[3]

… tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo

Tháng 8/2015, trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố hoạt động cải tạo đất của nước này đã hoàn tất trong nỗ lực làm dịu bớt tình hình khi Mỹ và các nước ASEAN đồng tình kêu gọi dừng hẳn tất cả các hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng, mở rộng và nâng cấp các cấu trúc trên các thực thể này. Bên cạnh các mục đích dân sự, Trung Quốc cũng không ngần ngại công khai việc xây dựng các đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự, điều mà Mỹ rất lo ngại.

Để trấn an Mỹ, Trung Quốc nói các cơ sở trên các đảo nhân tạo không ảnh hưởng tới ai và không nhắm vào ai. Trong chuyến thăm Mỹ tháng 9/2015, Tập Cận Bình nói Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo.[4] Tuy nhiên, Mỹ quan sát thấy hành động thực tế của Trung Quốc trên thực địa ngược lại với lời nói của ông Tập. Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ chỉ rõ rằng trên cả 7 thực thể chiếm đóng, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng mà Mỹ quan ngại nhất là mục đích quân sự như đường băng 3.000 mét ở Chữ Thập và xây dựng hai đường băng theo tiêu chuẩn quân sự trên bãi Vành Khăn và bãi Subi, cầu cảng cho tàu chiến và tàu chấp pháp neo đậu phục vụ các hoạt động dài ngày ở phía Nam Biển Đông. Trung Quốc đồng thời hiện đại hóa mọi khía cạnh quân sự biển, từ hải quân trên mặt nước đến tàu ngầm, máy bay, tên lửa, ra – đa và lực lượng hải cảnh. Trung Quốc hiện có hơn 300 tàu hải quân các loại và hơn 200 tàu chấp pháp, lớn hơn rất nhiều so với các nước ở khu vực cộng lại. Trong đó, các tàu chấp pháp bán quân sự là công cụ chính mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng kiểm soát ra các khu vực tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ cao nhằm ngăn cản sự can thiệp của bên ngoài vào xung đột và để chống lại công nghệ quân sự của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng xung đột Đài Loan là mục tiêu chính cho hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhưng nước này cũng chuẩn bị cho cả những tình huống bất ngờ ở Biển Đông và Hoa Đông, thậm chí có thể tác chiến ngoài chuỗi đảo thứ nhất với đội hải quân đa nhiệm vụ tầm xa được trang bị năng lực tấn công mạnh.[5]

… không thực thi Bản ghi nhớ về tránh đụng độ trên biển và trên không với Mỹ

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã ký hai Bản ghi nhớ (MOU) về các “quy tắc tránh đụng độ trên không” (MOU on the Rules of Behavior for Safety of Air and Maritime Encounters) và “thông báo các hoạt động quân sự” (MOU on the Notification of Major Military Activities) vào tháng 11/2014, nhưng theo quan sát của Mỹ, Trung Quốc không thực thi các văn kiện này. Ngược lại, Trung Quốc vẫn có hành động gây mất an toàn trên không và trên biển.

MOU về quy tắc tránh đụng độ trên không nhằm tránh các tính toán sai và hiểu sai khi bắt gặp giữa các tàu chiến trên mặt nước với việc tạo ra thực tiễn tránh các đụng độ không định trước. Trong khi đó, MOU về thông báo các hoạt động quân sự nhằm tăng cường sự minh bạch giữa quân đội hai nước với việc tạo ra thực tiễn về chia sẻ thông tin định kỳ liên quan đến chính sách an ninh ở mỗi nước và thiết lập cơ chế khuyến khích quân đội hai nước làm quan sát viên trong các cuộc tập trận đơn phương, song phương và đa phương của nhau. Tuy nhiên, không có minh chứng nào cho thấy quân đội Mỹ và Trung Quốc triển khai các bản ghi nhớ nêu trên. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn thực hiện các hoạt động mất an toàn trên không và trên biển. Trong bản điều trần ngày 17/9/2015 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris nói thấy một số hoạt động nghiêm trọng của Trung Quốc từ tháng 8/2014.[6] Ít ngày sau đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice phát biểu về quan hệ Mỹ – Trung tại Đại học George Washington cho rằng có chút cải thiện về an toàn hoạt động từ khi ký MOU.[7] Nhưng ngay ngày hôm sau, 22/9/2015, Wall Street Journal đưa tin rằng hai phản lực của Trung Quốc bay cách máy bay trinh sát của Mỹ 500 feet (khoảng 152,4 mét) ở địa điểm 80 dặm ngoài khơi Trung Quốc trên biển Hoàng Hải. Các quan chức quốc phòng Mỹ coi đây là vụ ngăn chặn không an toàn của Trung Quốc.[8]

Các tương tác song phương không điều hòa được vấn đề Biển Đông

Trong khi đó, các hoạt động tương tác ngoại giao và quân sự song phương Mỹ – Trung trong năm 2015 không đủ tạo niềm tin cho Mỹ vì chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dừng lại.

Trong chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình tháng 9/2015, hai nước ký một số hiệp định hợp tác liên quan đến biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Bên cạnh hai phụ lục bổ sung cho MOU về tránh đụng độ trên biển và trên không và MOU về thông báo các hoạt động quân sự, các hiệp định liên quan đến vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại bao gồm tăng cường hợp tác chống khủng bố, mở rộng viện trợ nhân đạo và hợp tác cứu trợ thiên tai, thiết lập cơ chế đối thoại song phương thường niên về an ninh hạt nhân, và duy trì hợp tác ủng hộ tái thiết và phát triển kinh tế Afghanistan.[9] Tuy nhiên, Biển Đông là một trong các vấn đề mà hai bên còn nhiều khác biệt.

Tại họp báo chung sau hội đàm, Obama và Tập Cận Bình phát biểu theo hai hướng ngược chiều nhau khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ông Obama nhắc lại quyền của các quốc gia về tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị ngăn trở; khẳng định Mỹ tiếp tục điều tàu, máy bay và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép. Ông Obama đồng thời quan ngại về hoạt động cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp, nói hoạt động này là làm khó cho các quốc gia ở khu vực giải quyết hòa bình các bất đồng. Ngược lại, ông Tập khăng khăng về chủ quyền ở Trường Sa khi nói rằng từ thời cổ đại, và các hoạt động xây dựng ở Trường Sa là không nhằm vào nước nào và không định quân sự hóa, với ý là Mỹ ở ngoài không được can thiệp vào Biển Đông.[10]

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ – Trung lần thứ bảy diễn ra trước đó ở Washington từ 23 – 24/6/2015, thảo luận 100 vấn đề nhưng không đạt kết quả gì khả quan về kênh chiến lược do bế tắc trong vấn đề Biển Đông và an ninh mạng.[11] Trong chuyến thăm Mỹ tháng 6/2015, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long thăm hàng không mẫu hạm Ronald Regan ở San Fransisco, nhà máy Boing ở Seattle và căn cứ quân đội ở Fort Hood trước khi đến Washington DC để gặp quan chức Lầu năm góc. Cải tạo đảo của Trung Quốc là chủ đề nổi bật trong chuyến thăm nhưng khác biệt giữa hai bên trong vấn đề này còn quá lớn.[12]

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc cũng có những hoạt động quân sự chung nhưng chỉ là tượng trưng.Tháng 4/2015, tàu chỉ huy Blue Ridge của Hạm đội 7 và một tàu hải quân Trung Quốc thực hiện tập trận ở Biển Đông bao gồm nội dung cải thiện thông tin liên lạc trên biển và tìm kiếm cứu nạn.[13] Tàu Blue Ridge cũng thăm Trạm Giang (Zhanjiang). Tại đây tàu Blue Ridge đón các quan chức quân đội Trung Quốc lên thăm, sau đó cũng đi thăm tàu của Trung Quốc, nhưng nội dung chi tiết không được hé lộ.[14] Tháng 7/2015, khu trục hạm tên lửa Stethem thăm Thanh Đảo.[15]

Ngoài ra, quân đội Mỹ và Trung Quốc cũng tham gia một số hoạt động với nước thứ ba và ngoài Biển Đông nhưng chỉ để thăm dò và cảnh giác lẫn nhau chứ không phải là biện pháp nhằm giảm nhiệt ở Biển Đông. Tháng 01/2015, quân đội Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan xây dựng một trường học ở Thái Lan (một phần trong tập trận Hổ mang vàng).[16] Tháng 5/2015, quân đội Mỹ, Trung Quốc, Malaysia và 24 nước khác tham gia tập trận cứu trợ thiên tai ARF ở Malaysia.[17] Tháng 6/2015, Trung Quốc lần đầu tiên tham gia vào tập trận 25 nước mang tên “Khaan Quest” ở Mông Cổ.[18] Từ tháng 8 – 9/2015, quân đội Mỹ, Trung Quốc và Úc tổ chức tập trận ba bên “Kowari” lần thứ hai ở Darwin, Úc.[19] Từ tháng 8 – 10/2015, Mỹ, Trung Quốc và Anh tham gia tập trận nhân đạo “Tropic Twilight” với New Zealand.[20]

Mỹ phải hành động

Phát biểu tại Đối thoại Shangri – La ngày 30/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi “dừng” các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc rằng việc “biến các bãi đá dưới mặt nước biển thành sân bay không tạo ra chủ quyền hoặc hạn chế quá cảnh trên không và trên biển”. Ông Carter cũng khẳng định là Mỹ có quyền và ý định điều máy bay và tàu chiến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép.[21]

Ngày 27/10/2015, sau nhiều tính toán cân nhắc của chính quyền Obama, Mỹ điều khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Lassen đến khu vực 12 hải lý của Subi, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo để khẳng định rằng Mỹ không công nhận Subi có lãnh hải 12 hải lý.[22] Ngày 08 – 09/11, Mỹ điều hai máy bay ném bom B52 bay qua khu vực Trường Sa.[23] Đây là những hành động mạnh mẽ nhất trong năm 2015 mà Mỹ thực hiện nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tóm lại, năm 2015 chứng kiến căng thẳng mới tăng cao trong quan hệ Mỹ – Trung xung quanh vấn đề Biển Đông. Những hành xử ngang ngược của Trung Quốc, nhất là việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đảo ở Trường Sa đã ép Mỹ phải hành động cứng rắn hơn để bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

[1] Adam Entous, Gordon Lubold, and Julian E. Barnes, “U.S. Military Proposes Challenge to China Sea Claims,” Wall Street Journal, May 12, 2015.

2] CNN, “Behind the Scenes: A Secret Navy Flight over China’s Military Build-up,” May 26, 2015.

[3] U.S. Department of Defense, Asia-Pacific Maritime Security Strategy, August 2015.

[4] White House Office of the Press Secretary, “Remarks by President Obama and President Xi Jinping of the People’s Republic of China in Joint Press Conference,” September 25, 2015.

[5] U.S. Department of Defense, Asia-Pacific Maritime Security Strategy, August 2015.

[6] Harry Harris, Testimony before the U.S. Senate Armed Services Committee on Maritime Security Strategy in the Asia-Pacific Region, September 17, 2015.

[7] White House Office of the Press Secretary, “National Security Advisor Susan E. Rice’s as Prepared Remarks on the U.S.-China Relationship at George Washington University,” September 21, 2015.

[8] Gordon Lubold, “Two Chinese Fighters Make ‘Unsafe’ Interception with U.S. Spy Plane,” Wall Street Journal, September 22, 2015.

[9] White House Office of the Press Secretary, “Fact Sheet: President Xi Jinping’s State Visit to the United States,” September 25, 2015.

[10] White House Office of the Press Secretary, “Remarks by President Obama and President Xi Jinping of the People’s Republic of China in Joint Press Conference,” September 25, 2015.

[11] Felicia Schwartz, “U.S., China Conclude Annual Talks amid Tensions,” Wall Street Journal, June 24, 2015.

[12] Franz Stefan-Gady, “Pentagon Asks China to Stop Island Building in South China Sea (Again),” The Diplomat, June 13, 2015.

[13] CRI, “Joint Military Drill Held between Chinese and U.S. Navies,” April 26, 2015.

[14] Megan Eckstein, “USS Blue Ridge Pulls into Zhanjiang, China,” USNI News, April 20, 2015

[15] U.S. Navy, USS Stethem Visits Qingdao to Promote Cooperation with PLA(N), August 4, 2015.

[16] James Marchetti, “Thai, Chinese, U.S. Engineers Building School in Thai Village,” U.S. State Department Bureau of International Information Programs, January 27, 2015.

[17] ASEAN Regional Forum Disaster Relief Exercises 2015, “Direx 2015.”

[18] Ankit Panda, “A First: China Sends Troops to US-Mongolia-Led Khaan Quest Exercise,” The Diplomat, June 23, 2015.

[19] Australian Army, “Exercise Kowari Survival Phase Begins,” August 20, 2015.

[20] China Military Online, “China’s PLA to Debut in New Zealand-led Pacific Military Drill,” August 28, 2015.

[21] U.S. Department of Defense, IISS Shangri-La Dialogue: ‘A Regional Security Architecture Where Everyone Rises,’ May 30, 2015.

[22] CNN, “U.S. warship sails close to Chinese artificial island in South China Sea” October 27, 2015.

[23] Trefor Moss, Jeremy Page, Gordon Lubold, “U.S. Military Aircraft Flew Close to China-Built Artificial Islands in South China Sea”, Wall Street Journal, November 13, 2015.

RELATED ARTICLES

Tin mới