Dù các nước trong ASEAN có liên quan trực tiếp đến tranh chấp cũng như cộng đồng quốc tế nỗ lực đến đâu thì tiến trình đi đến giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông cũng luôn bị cản trở bởi một nhân tố, đó là Trung Quốc. Và nay, với những diễn biến mới trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm đường băng mới xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khả năng giải quyết tranh chấp Biển Đông lại càng trở nên mịt mù.
Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng
Sau cuộc thử nghiệm đường băng trên đá Chữ Thập ngày 2/1/2016, bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn thản nhiên đưa tiếp 2 máy bay cỡ lớn ra thử nghiệm ở sân bay này vào ngày 6/1. Để biện luận cho hành động gây rối đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục lớn tiếng cho rằng việc tiến hành bay thử nghiệm hoàn toàn nằm trong “chủ quyền” của Trung Quốc, đây là những “chuyến bay nội địa”. Hùa theo đó, báo chí Trung Quốc từ trung ương đến địa phương, từ trong nước đến ngoài nước đều tìm mọi cách để biện minh cho quyết định của Chính phủ.
Trên trang The Diplomat ngày 08/01/2016, TS. Xue Li, Giám đốc Khoa Chiến lược quốc tế thuộc Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới IWEP đăng bài viết “Triển vọng quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á năm 2016”, trong đó khẳng định một cách trơ trẽn rằng “Trung Quốc từ lâu theo đuổi chính sách kiềm chế. Trung Quốc chưa bao giờ thăm dò dầu khí ở Trường Sa và thậm chí đã phải chịu đựng việc bị các nước có tuyên bố chủ quyền khác xua đuổi, bắt bớ, thậm chí bắn vào ngư dân Trung Quốc. Hiện nay, việc xây dựng cải tạo đất ở Biển Đông là sự đền bù, nhằm thiết lập một sự có mặt thích hợp của Trung Quốc tại khu vực này”. [1]
Cùng quan điểm đó, Xie Liyan, Tham tán Báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi đã đăng bài xã luận với tiêu đề “Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại về vấn đề Biển Đông” trên tờ Deccan Herald của Ấn Độ số ngày 13/01/2016. [2] Trong bài viết, Xie Liyan một mực cho rằng thế giới đã hiểu nhầm về việc tiến hành thử nghiệm đường bay và Bắc Kinh có trách nhiệm làm rõ các quan điểm lịch sử và thực tế về vấn đề Biển Đông. Tiếp tục luận điệu “Trung Quốc là nước đầu tiên tìm thấy, sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa”, Xie Liyan cho rằng chính Trung Quốc mới là nạn nhân lớn nhất của vấn đề Biển Đông khi bị một số nước tiếp cận và chiếm đóng các bãi đá và rạn san hô nhằm khai thác nguồn tài nguyên dầu khí. Tác giả bài báo cũng biện luận rằng Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu việc xây dựng trên các đảo, bãi ở Trường Sa thời gian gần đây và chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sinh nhai cho người dân sống ở khu vực này. Hơn nữa, theo tác giả, với vai trò là một nước lớn, Trung Quốc cần vận hành các công trình này để mang lại cho cộng đồng quốc tế những dịch vụ tiện ích chung. Việc xây dựng của Trung Quốc là cần thiết và khác hoàn toàn về bản chất với việc mở rộng cơ sở nhân tạo của một số nước khác.
Và để tránh mũi chỉ trích của dư luận, Trung Quốc luôn tự nhận mình là nước tuân thủ luật pháp, tuân thủ DOC, và đổ lỗi cho Mỹ là nước đứng đằng sau sân khấu chỉ đạo các nước có tranh chấp, gây nên bất ổn ở Biển Đông. [2]
Đó chỉ là hai trong số những ví dụ mà Bắc Kinh phải mượn công cụ truyền thông để lấp liếm cho hành động sai trái của mình. Bắc Kinh luôn cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo cũng như việc thử nghiệm đường băng hoàn toàn chỉ nhằm mục đích dân sự, mang lại tiện ích chung cho cả cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, đáp lại, không một nước nào cảm thấy phấn khởi trước hành động này của Trung Quốc, mà trái lại chỉ thấy lo ngại trước tình hình căng thẳng do Trung Quốc khuấy động ở Biển Đông. Học giả các nước đều nhận định rằng “Trung Quốc đã gây ra căng thẳng trong tranh chấp hiện nay cũng như làm phát sinh rủi ro an toàn hàng không trên vùng trờiquần đảo Trường Sa chỉ để củng cố yêu sách chủ quyền của mình. Đó là cách làm sai lầm”. [3] Ngay cả Tổng thống mới đắc cử Thái Văn Anh của Đài Loan – một bên tranh chấp vốn ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông – cũng phải kêu gọi tự do hàng hải và giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.[4]
ASEAN thiếu tiếng nói chung
Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh âm mưu củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, việc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm đường băng ở đá Chữ Thập còn là một phép thử đối với Cộng đồng ASEAN ngay từ khi mới ra đời. Sự việc vừa qua cho thấy ASEAN vẫn chưa thực sự có tiếng nói chung trong việc hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông. Ngay sau khi Trung Quốc đưa chiếc máy bay đầu tiên đáp xuống sân bay xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập, Việt Nam là nước đầu tiên và cũng là nước tích cực nhất lên tiếng phản đối hành động này. Về mặt ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe dọa đến an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Bên cạnh đó, đại diện ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp đại diện ngoại giao Trung Quốc để trao công hàm phản đối. Thậm chí, theo đề nghị của Hà Nội, những văn bản này cũng đã được lưu hành tại Liên hợp quốc. Về mặt dân sự, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã gửi thư lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tố cáo hành động của Trung Quốc “đe dọa an toàn của tất cả các chuyến bay trong khu vực”. Trên các phương tiện thông tin báo chí, các báo Việt Nam đều đưa tin đậm nét, theo dõi sát sao những diễn biến của sự việc, đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc. Phản ứng lại những lời cáo buộc của phía Việt Nam, Trung Quốc cũng dùng mọi phương tiện để một mực khăng khăng cho rằng hoạt động này nằm trong “chủ quyền” của Trung Quốc. Báo chí thế giới đã bình luận rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có một “cuộc chiến về ngôn từ” xung quanh vấn đề này.[5]
Tiếp bước Việt Nam, Philippines – một bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, một mặt đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của Hà Nội, một mặt cũng mạnh mẽ đưa ra các tuyên bố phê phán hành động của Trung Quốc, cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được. Trong bối cảnh đó, Philippines đã tuyên bố dành cho Mỹ 8 căn cứ để xây dựng cơ sở vật chất, tàng trữ thiết bị và cung ứng theo một thỏa thuận quân sự mới, mà người ta cho rằng một trong những nguyên nhân là để đối phó với Trung Quốc ngày càng gây hấn ở khu vực.
Trong khi đó, các nước ASEAN khác vẫn im lặng một cách đáng thất vọng. Cho đến nay, ASEANchưa có phản ứng chính thức.Bắc Kinh chính là nhân tố vừa níu kéo, vừa gây ra chia rẽ và nghi kỵ trong quan hệ giữa các nước ASEAN. Việc Trung Quốc thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự, gây nên tình trạng bất ổn định tại khu vực đã khiến các quốc gia thành viên ASEAN chia rẽ và mất lòng tin hơn.
Một số chuyên gia nhận định, ASEAN đã không thực hiện lời hứa ban đầu của mình để “thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, hữu nghị đời đời và hợp tác giữa các dân tộc nhằm củng cố sức mạnh, đoàn kết và mối quan hệ gần gũi hơn”. Sự thất bại ngoài sức tưởng tượng của 10 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khi không thể ban hành một tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào hồi cuối tháng 11/2015 gợi nhớ đến sự thất bại của Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2012 dưới sự dẫn dắt của Campuchia.
Tuy nhiên, ASEAN không thể tiếp tục giữ im lặng về vấn đề trên, một vấn đềcó thểđe dọa làm xấu đi mối quan hệ của ASEANvới siêu cường duy nhất của khu vực. Trong bối cảnh những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc được đẩy mạnh, các nước sẽ càng hướng kỳ vọng vào vai trò trung tâm của ASEAN. Vì thế, gánh nặng sẽ đè lên vai Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016. Nhiều người hoài nghi liệu Lào có thể lãnh đạo ASEAN và đủ nhạy bén ngoại giao để có thể tìm ra mẫu số chung cho các quan điểm bất đồng.
Rõ ràng, đối phó với một Trung Quốc bành trướng không dễ dàng, song cần phải nỗ lực, nếu không, triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ trở nên rất xa vời.
[1] Xem tại http://thediplomat.com/2016/01/a-preview-of-china-southeast-asia-relations-in-2016/
[2] Xem tại http://www.deccanherald.com/content/522753/beijing-talks-south-china-sea.html
[3] Xem tại http://thediplomat.com/2016/01/a-preview-of-china-southeast-asia-relations-in-2016/
[4] Xem tại http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/823168/unnecessary-flight-risks ngày 12/01/2016
[5] Bà Thái Văn Anh phát biểu trong diễn văn chào mừng chiến thắng của đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử Ttổng thống và Nghị viện Đài Loan ngày 16/01/2016. Xem tại http://www.reuters.com/article/us-taiwan-election-southchinasea-idUSKCN0UU0NE
[1] Xem tại http://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/china-vietnam-in-war-of-words-over-chinese-test-flight-in-scs/articleshow/50580359.cms ngày 14/1/2016.