Tuesday, November 5, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ sẽ sụp đổ nếu giới cầm quyền chỉ thụ động chờ...

TQ sẽ sụp đổ nếu giới cầm quyền chỉ thụ động chờ biến động chính trị?

Gần đây, nhiều dự đoán liên quan đến tình hình sụp đổ của Trung Quốc khiến dư luận đặc biệt chú ý, trong đó nhà kinh tế học Tần Vĩ Bình. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đứng trước nguy cơ sụp đổ vào năm 2016, bắt đầu từ ngòi nổ nợ công, sau đó dân chúng sẽ tràn ra đường tuần hành.

Nhiều tín hiệu chỉ ra về biến động chính trị ở Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh: Getty Images)

Những tín hiệu này cũng không ngừng được truyền thông Trung Quốc Đại Lục nói bóng gió, và gọi là “quan chức đang ngồi chờ biến động.” Có phân tích cho rằng nếu chính quyền chủ động thay đổi thể chế thì nguy cơ có thể cứu vãn được.

Giới học giả cảnh báo

Ngày 12/1, ông Tần Vĩ Bình, nhà bình luận chính trị và học giả kinh tế độc lập ở Trung Quốc khi đi Mỹ du lịch đã có bài viết phác thảo bức tranh sụp đổ của xã hội Trung Quốc trong năm 2016. Theo đó, ông Tần Vĩ Bình cho rằng, nguy cơ kinh tế đang đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nguy cơ này sau nhiều năm tích tụ cuối cùng cũng phải bùng nổ. Cho dù ngày nay không còn tình trạng quân địch bên ngoài tấn công, không có cuộc chiến loạn lạc trong nội bộ, nhưng do nguy cơ về kinh tế làm đất nước tiêu điều, và nguy cơ xã hội này sẽ biến thành nguy cơ chính trị, khi con số người dân căm phẫn lên cao và cùng nhau kéo ra đường thì chính quyền ĐCSTQ sẽ tan vỡ.

Nhưng ông Tần Vĩ Bình cũng nói thêm, ông chỉ nhấn mạnh xu thế cục diện, không khẳng định chắc chắn sẽ nổ ra trong năm 2016.

Ngoài học giả Tần Vĩ Bình, nhiều nhân vật trí thức khác cũng có những nhận định tương tự. Vào năm ngoái, nhà kinh tế học Trung Quốc là Hạ Nghiệp Lương khi đến Mỹ du lịch cũng chia sẻ với Đài Á châu Tự do, theo đó ông phân tích 6 nguy cơ lớn của Trung Quốc về các mặt: chế độ, tín ngưỡng, luân lý, giáo dục, kinh tế và môi trường.

Ông Chương Gia Đội (Gordon Chang – 章家敦), Tiến sĩ Luật học thuộc Đại học Cornell (Mỹ), đồng thời cũng là chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Trung Quốc, từng viết cuốn sách “Sự sụp đổ của Trung Quốc” (The coming collapse of China) gây tiếng vang, vừa qua khi trả lời phỏng vấn của truyền thông bên ngoài Trung Quốc Đại Lục cho rằng Trung Quốc sẽ xuất hiện cuộc cách mạng không có nhà lãnh đạo giống như Liên Xô và Đông Âu. Cải cách kinh tế của ĐCSTQ bị hạn chế bởi thể chế chính trị nên khó khởi sắc được, sau cùng rồi sụp đổ kinh tế sẽ kéo theo sụp đổ chính trị.

Tháng 9 và 11/2015, luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh nổi tiếng ở Trung Quốc Đại Lục khi trả lời phỏng vấn truyền thông bên ngoài Đại Lục cũng dự đoán ĐCSTQ sẽ sụp đổ vào năm 2017.

Quan chức ĐCSTQ thụ động ngồi chờ biến động

Gần đây, giới truyền thông bên trong Đại Lục cũng hay đưa ra lời bóng gió về nguy cơ sụp đổ của ĐCSTQ.

Một bài báo “Đêm trước khi vương triều nhà Thanh sụp đổ, 1911” đăng trên tờ Kinh doanh Trung Quốc đã được cư dân mạng hăng hái chia sẻ. Bài báo của người có tên Phó Quốc Dũng cho rằng, vào năm 1911 khi những người nắm quyền ở Bắc Kinh chưa biết về ngày tàn của họ thì người dân đã ngầm thông tin chia sẻ với nhau về tình hình biến động chính trị.

Bài viết chỉ rõ, sự sụp đổ của vương triều Đại Thanh là xuất phát từ nạn lũ lụt ở Trường Giang gây nguy cơ về lương thực, nguy cơ kinh tế từ Bắc Kinh sau đó lan ra toàn quốc, đến khi ngân khố quốc gia trống rỗng thì cũng là lúc triều đại nhà Thanh đi vào dòng lịch sử. Trước khi nhà Thanh sụp đổ đã xuất hiện nhiều điềm báo do người dân sôi nổi bàn tán, ví dụ như người dân thường chia sẻ với nhau về sự xuất hiện thường xuyên của một ngôi sao chổi báo hiệu biến động. Trong thời gian ba năm ngắn ngủi (1908 – 1911), người dân khắp Trung Quốc đều không ngừng bàn tán về hồi kết của triều đại nhà Thanh.

Theo tác giả, con đường lạc lối vào giai đoạn cuối nhà Thanh là tất yếu, nhưng dĩ nhiên nhà cầm quyền thường không ý thức được. Có thể thấy rõ qua những cuốn nhật ký, thư từ… của những người nắm quyền thời đó để lại không có ai nghĩ đến việc triều Thanh sẽ sụp đổ. Toàn bộ những ghi chép của họ chỉ thấy bàn chuyện ăn uống, lễ nghi làm người xem tưởng như thời đại đang rất phồn thịnh.

Hay trong cùng thời điểm, một bài báo khác cũng được nhiều người thi nhau chia sẻ trên mạng, bài viết có tên “Biến cố Quý Dậu: Quan viên chỉ thụ động ngồi chờ biến động” được đăng trên trang mạng của Ủy ban Kỷ luật Trung ương.

Theo bài viết, “biến cố Quý Dậu” vào mùa thu năm 1813 là cột mốc đánh dấu quá trình suy thoái của triều nhà Thanh. Theo bài viết, vào thời điểm đó nhiều bài ca dao dân gian có nội dung chính trị đã báo hiệu cục diện lịch sử, đây cũng là hiện tượng thường thấy trong lịch sử Trung Quốc. Quan viên các cấp dù biết tình hình nhưng họ cứ như “những vị khách trong nhà.”

Tất cả đều như những người đang ngủ say, và tất yếu là cục diện sụp đổ ngày càng tăng tốc, những tai họa liên tục giáng xuống. Trong toàn cảnh sụp đổ của tòa lâu đài lịch sử triều Thanh thì biến cố Quý Dậu có thể xem là cột mốc đầu tiên. Nguyên nhân ở đây là: Các quan viên đều chỉ thụ động ngồi chờ sự cố nổ ra!

Cơ hội chuyển đổi trong hòa bình

Ngày 6/12/2015, bài viết “Thời kỳ suy tàn của ĐCSTQ: Phương thức và kẻ đạo diễn” đăng trên tờ Chinese News cho rằng, biến động chính trị của Trung Quốc cũng có thể trôi qua trong hòa bình.

Bài báo cho rằng, nếu thế lực cầm quyền hiện nay tận dụng cơ hội để thực hiện chuyển đổi thể chế chính trị, chủ động từ bỏ con đường độc tài Đảng Cộng sản thì xã hội Trung Quốc sẽ chuyển hóa trong hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới