Những thách thức quân sự hóa của Trung Quốc đang đặt khu vực trong tình trạng đe dọa và bất an thường trực. Không chỉ dựng “Vạn Lý Trường Thành” tại Biển Đông bằng việc biến những thực thể đảo thành căn cứ quân sự, Bắc Kinh còn đang xây những định chế tài chính để vừa làm mất phương hướng lẫn sự tập trung chú ý vào kế hoạch quân sự hóa, vừa ràng buộc khu vực bằng các định chế nặng mùi kim ngân nhân danh hợp tác kinh tế phát triển. TPP là một phản đòn của Mỹ. Vấn đề là gì tiếp theo?
Bắc Kinh sẽ đổi “chiêu”?
Cân bằng vai trò lẫn nhau thông qua các định chế, như có thể thấy, là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với tương lai chính trị khu vực, đặc biệt các định chế tài chính, bởi nó tạo ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế và tương quan trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc đã và tiếp tục tung ra những thòng lọng định chế tài chính như vậy. Chiến lược “Một vành đai – một con đường” là một “đại kế hoạch” của Tập Cận Bình. “Một vành đai – một con đường” trải rộng 64 quốc gia với 4,4 tỉ dân cùng sản lượng kinh tế 21 ngàn tỉ USD, chiếm 29% GDP toàn cầu. Đang “viết lại lịch sử” Biển Đông, Bắc Kinh cũng đang viết kịch bản mới cho “trật tự châu Á” theo ngôn ngữ đối ngoại kiểu thiên triều và chư hầu.
Tháng 9-2013, trong chuyến công du Trung Á, ông Tập kêu gọi xây một hành lang giao thông nối Thái Bình Dương với biển Baltic, nối Đông Á với Nam Á và Trung Đông. Trong chuyến công du Indonesia vào tháng sau, họ Tập lại đề xuất hành lang mậu dịch hàng hải gọi là “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI”, gồm xây hoặc mở rộng các hải cảng lẫn công viên công nghiệp khắp Đông Nam Á và tại những nước như Sri Lanka, Kenya và Hy Lạp, nhằm đạt mục tiêu mở rộng mậu dịch song phương với Đông Nam Á lên 1 ngàn tỉ USD vào trước năm 2020. Tháng 5-2015, Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh với các nguyên thủ khu vực tổ chức ở Thượng Hải, nói đến việc người châu Á phải tự xử lý các vấn đề châu Á và tự duy trì an ninh châu Á – một cách bóng gió loại bỏ Mỹ khỏi sân khấu chính trị khu vực.
Và để lôi kéo châu Á, Bắc Kinh vung ra rất nhiều tiền. Cuối năm 2014, khi đến Myanmar dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc, Lý Khắc Cường đề xuất cho vay 20 tỉ USD đối với Đông Nam Á để “phát triển hạ tầng” (chưa kể 3 tỉ USD cho Quỹ Hợp tác ASEAN – Trung Quốc và 480 triệu USD cho chương trình xóa nghèo Đông Nam Á). Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng, tất nhiên cũng nằm trong khuôn khổ của kịch bản “thòng lọng định chế”. Chưa hết, Bắc Kinh đang “ủ mưu” cho cái gọi là “Đối tác kinh tế toàn diện khu vực” – một hiệp định mậu dịch tự do bao gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand – mà Trung Quốc đã nói đến từ tháng 11-2012.
Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc đã tự phá hỏng các kế hoạch định chế của mình bằng chính sách đối ngoại bất tín. Nếu không điều chỉnh chính sách ngoại giao “nói một đằng, làm một nẻo”, các định chế mà Trung Quốc đang cố tạo ra sẽ trở thành những cái thùng vỏ rỗng ruột vô nghĩa. Đã có dấu hiệu Bắc Kinh có thể thay đổi bộ mặt ngổ ngáo của họ. Mất đồng minh là một thực tế không thể không thấy. Trung Quốc không thể tự tin dùng tiền mua chuộc khu vực. Họ không phải là anh nhà giàu duy nhất. Nhật giàu không kém và thậm chí biết xài tiền một cách thông minh hơn. Trong cuộc đấu khu vực, Nhật mới là đối thủ đáng sợ nhất. Chẳng phải tự nhiên mà ngày 4-11-2015, tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã hội đàm với đồng cấp người Nhật Gen Nakatani, không lâu sau khi Nakatani gặp đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo.
Trong cuộc gặp, Nakatani và họ Thường khẳng định sự quan trọng của “cơ chế truyền thông hàng hải” nhằm tránh xung đột ngoài biển lẫn trên không. Tuy nhiên, hai bên lại không thành lập cái gọi là “cơ chế” ấy, cũng chẳng đưa ra hạn định thời gian bàn về việc thành lập cơ chế, càng không nói rõ cơ chế ấy có liên quan đến hòn đảo tranh chấp Sekaku/Điếu Ngư hay không. Nói cách khác, Bắc Kinh đã phải nhũn hơn với Nhật, trong khi Nhật “câu giờ” bằng kiểu ngúng nguẩy “chờ đấy, không việc gì vội”. Sự kiện Lý Khắc Cường, cùng Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gặp nhau vào thượng tuần tháng 11-2015 tại Seoul cũng là một dấu chỉ cho thấy Bắc Kinh đã nhận ra được thế đứng cô lập của họ. Và việc bà Thái Anh Văn đắc cử ghế lãnh đạo Đài Loan giữa tháng 1-2016 cũng là sự kiện mà Bắc Kinh phải suy nghĩ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Bắc Kinh trở nên tử tế hơn và tình hình khu vực nói chung và biển Đông nói riêng sẽ lặng gió trong năm 2016. Âm mưu Trung Nam Hải chẳng bao giờ ngừng nghỉ. Và do đó, việc đẩy mạnh sự móc nối vào các gắn kết định chế đối trọng sẽ là đòn đối phó khả dĩ. TPP là một định chế như vậy.
TPP và chính sách đối ngoại tiếp theo của Washington?
Phát biểu tại Viện McCain thuộc Đại học công Arizona ngày 6-4-2015, khi có mặt Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng, việc thông qua TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương) “đối với tôi quan trọng như việc có thêm một hàng không mẫu hạm”. TPP là đòn đối kháng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ. Nó không chỉ có lợi cho Mỹ.
Ngay khi tiến trình đàm phán TPP kết thúc ngày 5-10-2015, loạt công ty Mỹ đã phác thảo kế hoạch thâm nhập thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Giới phân tích tin rằng, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Nghiên cứu của Peter A. Petri (Viện Kinh tế Quốc tế Peterson) và Michael G. Plummer (Đại học Johns Hopkins) cho biết, Trung Quốc có thể mất 47 tỉ USD/năm nguồn thu bởi TPP. Tất cả cho thấy việc chọn lựa để gắn kết vào một định chế tài chính (hoặc nhiều hơn) sẽ ảnh hưởng mạnh đến chính sách đối ngoại và chính trị khu vực, trong cán cân ngoại giao. Đi với ai hoặc không là một quyết định thiết yếu đối với một quốc gia trong bối cảnh hiện tại. Trong thế giới ngày càng phức tạp, không nước nào có thể tự đứng một mình. Hợp tác kinh tế lẫn quân sự là chính sách khôn ngoan khi nội lực quốc gia chưa đủ lớn để đương đầu với một ngoại bang mạnh hơn nhiều lần.
Vấn đề phức tạp ở chỗ TPP, một bộ hiệp định dày hơn 2.700 trang, đang được Quốc hội Mỹ xem xét và tiến trình chỉ có thể kết thúc vào đầu năm 2017, khi Barack Obama rời Nhà Trắng. Trong khi đó, nước Mỹ chuẩn bị vào mùa bầu cử, trong khi hầu hết ứng cử viên tổng thống đều phản đối TPP. Khi ở cương vị Ngoại trưởng, Hillary Clinton ủng hộ mạnh nhưng giờ ở vòng “đấu bảng” trong chiến dịch bầu cử, bà lại giở quẻ đổi giọng. Cùng ý kiến với bà là ứng cử viên Dân chủ Bernie Sanders. Bên phe Cộng hòa, các ý kiến đang chia rẽ: Donald Trump, Bobby Jindal và Mike Huckabee phản đối; trong khi đó, Jeb Bush, Marco Rubio và John Kasich ủng hộ.
Sự không thống nhất trong nội bộ chính trường Mỹ sẽ tác động không ít đến bức tranh đối ngoại Mỹ trong năm 2016, đặc biệt khi mà Barack Obama tiếp tục bị chỉ trích quá “gà mờ” trước vấn đề Trung Quốc. Nếu Obama không khai thác được thực tế rằng, Bắc Kinh đang tạo ra sự bất tín đối với các nước khu vực và nhân đó lôi kéo đồng minh, mà Nhà Trắng lại tỏ ra không thật sự đáng tin như những gì mà ông Obama thể hiện trong những năm qua thì Mỹ sẽ tiếp tục thất bại trước Trung Quốc. Mùa bầu cử tổng thống bận bịu với nước Mỹ là thời cơ tốt để Bắc Kinh đạp thật mạnh vào Biển Đông. Ông Obama đã gần như thất bại trong chính sách tái cân bằng và nếu lại làm hỏng việc khi không thuyết phục được Quốc hội về TPP thì sự nghiệp chính trị ông Obama xem như bỏ đi. Có thể nhắc lại rằng, chưa bao giờ vị thế quốc tế của Mỹ yếu như thời ông Obama. Như nhận xét của thượng nghị sĩ John McCain: Các đồng minh không còn tin vào chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, rằng “nước Mỹ phải dẫn đầu; nếu Mỹ không dẫn đầu thì sẽ tạo ra khoảng trống và rồi kẻ xấu sẽ dẫn đầu”. Dĩ nhiên mọi người đều biết, John McCain ám chỉ ai là “kẻ xấu”.
Với các ứng viên Cộng hòa, “kẻ xấu” Trung Quốc đang là một trong những đề tài tranh cử hàng đầu liên quan chính sách đối ngoại. Tuyên bố rằng, một trong những điều đầu tiên làm nếu đắc cử tổng thống là bay trên bầu trời Biển Đông trên chiếc Air Force One (!), ứng cử viên Cộng hòa Chris Christie (Thống đốc New Jersey) nói rất cứng rằng: “Nếu Trung Quốc chơi trò chiến tranh mạng với chúng ta thì họ sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh mạng mà họ chưa từng bao giờ thấy!”. Tương tự, Donald Trump cũng tuyên bố “không chút dung thứ” đối với nạn đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc.
Bên Dân chủ, ứng cử viên bà Hillary Clinton được kỳ vọng có chính sách rắn hơn ông Obama. Trung Quốc không ưa bà. Rất rõ. Ngay sau khi Hillary rời ghế ngoại trưởng, tờ Global Times tung ra bài bình luận nói rằng, “chính sách ngăn chặn Trung Quốc” của bà Hillary đã khiến bà “nhanh chóng, dưới mắt công dân mạng Trung Quốc, trở thành nhân vật chính trị Mỹ bị ghét nhiều nhất (Trung Quốc)”. Là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đưa chính sách đối ngoại Mỹ tiếp cận châu Á bằng chiến lược “cắm cọc” để hạn chế sự bành trướng khu vực của Trung Quốc, trên chuyên san ngoại giao Foreign Policy số đề ngày 11-10-2011, trong bài “America’s Pacific Century”, bà Hillary từng viết: “Tương lai chính trị sẽ được quyết định tại châu Á chứ không phải Afghanistan hay Iraq và Mỹ sẽ hiện diện ở ngay trung tâm của hành động này”.
Lý Hải Đông, Giáo sư quan hệ đối ngoại thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Global Times rằng, nếu Hillary đắc cử Tổng thống, bà có thể tiếp tục phong cách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Bà Hillary sẽ có động thái nào cụ thể hơn so với ông Obama trong chiến lược tái cân bằng, nếu bà đắc cử, còn là câu hỏi bỏ ngỏ, vì góc nhìn của một người ở tư cách tổng thống sẽ khác với góc nhìn của một người ở tư cách ngoại trưởng. Dù thế nào, bà Hillary vẫn khác ông Obama. Bà đã cố tình thể hiện điều đó từ khi rời ghế Ngoại trưởng. Trước mắt, trong năm 2016, ông Obama phải điều chỉnh lại chính sách đối với Bắc Kinh. Ông phải cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông. Ông nên thấy rằng, Trung Quốc sẽ có những động thái khó lường khi nước Mỹ nhộn nhịp mùa bầu cử. Ít ra trước khi rời ghế Tổng thống, ông Obama phải chứng minh rằng, Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc số một!