Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNếu quan chức có lòng tự trọng

Nếu quan chức có lòng tự trọng

Tặng quà bằng vật chất thì phải nhớ, họ đến vì họ chứ không vì mình – PGS.TS Nguyễn Trọng Điều – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Lại nói tiếp về văn hóa nhận – từ chối quà Tết, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn cho rằng “nhận quà cũng dễ mà từ chối cũng không khó gì”.

Bút còn phải quấn vàng

Ông thừa nhận đây là vấn đề rất tế nhị, là nét đẹp văn hóa đặc trưng cũng là công cụ để gắn kết tình cảm giữa người với người, giữa anh em, họ hàng… Nhưng ông cho biết, cần phải nhìn nhận “quà” từ hai khía cạnh: Của cho và cách cho.

Nếu một gói quà mang nặng tình cảm như chục trứng, con gà của người thân, anh, em, họ hàng thì nên nhận. Nhưng người xưa đã có câu: Của cho không bằng cách cho. Ở đây chính là văn hóa cho và nhận, cho làm sao để người nhận không thấy có lỗi, thấy áy náy, nhận mà vẫn vui vẻ. Vậy thì quà đó phải là quà gì, quà tham nhũng, quà hối lộ sẽ không thể cho người nhận có được tâm lý thoải mái này.

Ở khía cạnh khác, nếu quà đó là của nhân viên với sếp, của cấp dưới với cấp trên, quà là phong bì vài triệu đô hay quà là viên kim cương, cây cảnh cả tỉ đồng… thì phải nhìn món quà này thế nào, họ đến vì mình hay đến vì họ?

Vị cựu quan chức Bộ Nội vụ nói ngay, nếu không ở cương vị có lợi cho họ, chắc chắn họ không đến với mình. Dùng vật chất để tặng, biếu là họ đang muốn điều khiển mình làm việc có lợi cho họ, có thể là tác động tới người cao hơn nữa, cũng có thể là đề bạt thăng chức… Đã cầm của người ta không linh hoạt, không giúp thì khó ăn khó nói. Tóm lại là họ vì họ chứ chẳng phải vì mình.

Ông cho biết, khi ông còn làm ở Cục Dự trữ có quy định rất rõ ràng về quà Tết bao nhiêu đồng thì được nhận, vượt bao nhiêu phải báo cáo. Còn khi ông ở Pháp, họ coi việc tặng và nhận quà là thể hiện nhân cách, lòng tự trọng của mỗi người vì thế, kể cả người cho lẫn người nhận cũng không bao giờ cho phép mình dễ dàng tặng quà hay nhận quà của người khác.

Ở Việt Nam, ông từng chứng kiến có vị lãnh đạo, cán bộ quấn cả vàng quanh cây bút tặng sếp để cầm cho nặng tay, ký cho đẹp.

“Như thế không còn là quà tình cảm nữa mà là quà lấy lòng”, ông thở dài.

Vì thế, ông đưa ra lời khuyên đã là quan chức, lãnh đạo ở một cương vị nhạy cảm, có điều kiện được nhận quà điều quan trọng là phải tỉnh táo nhìn nhận, phân biệt cho được quà nào vì mình, quà nào vì họ; quà nào là quà nên nhận, quà nào phải từ chối.

Ông kể lại tích ông Tư Hãn làm quan giữ thành nước Tống từ chối quà để làm gương. Chuyện cho biết, có người được viên ngọc đem biếu, Tư Hãn không nhận. Tư Hãn nói với người cho ngọc: “Nhà ngươi cho ngọc là của báo, ta cho tánh không tham là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận, thì hai bên điều mất của báu. Âu là ngươi cứ đem về. Của báu ai nấy giữ. Như thế cả hai đều còn của báu, thì chẳng hơn sao ?”.

Từ câu chuyện trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định “từ chối quà không có gì khó. Đánh đồng quà tình cảm với của hối lộ để rồi viện lý do khó từ chối chỉ là cách ngụy biện. Đã làm tới cương vị đó, vị trí đó người lãnh đạo nào cũng có sự nhạy cảm nhất định, ai cũng biết đó là quà màu hồng hay quà màu đen”.

Thừa nhận, bản thân không phải lúc nào cũng trong sáng như pha lê nhưng ông cũng là người đã từng từ chối quà.

Lấy chuyện của bản thân làm ví dụ, ông kể: “Tôi cũng đã từ chối quà và đã có nhiều món quà tôi từ chối được. Tối chỉ lấy ví dụ, có người mang quà đến nhà mà tôi nhìn rõ động cơ của họ, hoặc biết rằng họ đang cần mình tôi thẳng thắn từ chối. Cũng có khi vờ nhận cho anh em vui lòng nhưng hôm sau lại gọi lên cầm về trả lại hoặc chia lại cho anh em”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kết luận, vấn đề không phải là có từ chối được quà không mà người lãnh đạo có muốn từ chối không, có đủ tinh tế để từ chối không mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới