Friday, December 27, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Mao Trạch Đông phản bội Liên xô năn...

Nhật ký Diên An: Mao Trạch Đông phản bội Liên xô năn nỉ Mỹ (Kỳ 5)

Mao Trạch Đông cho rằng Liên Xô bị cuộc đấu tranh chống nước Đức phát-xít làm cho quá ư kiệt quệ, vì vậy không còn khả năng tiến hành những hoạt động quân sự, thần tốc và có hiệu quả ở Viễn Đông. Và vì thế chẳng cần phải mất công vì nó nữa…

Người nửa đời bên cạnh Mao Trạch Đông bị ám sát vì “biết quá nhiều”

Bây giờ, dựa vào tình hình ở Đặc khu, vào sức mạnh vũ trang của nó, Mao đang bày binh bố trận. Mồi đã được ném ra. Chỉ còn để cho người Mỹ kiên quyết cắn câu. Khi đó Mao sẽ nhận được vũ khí, và có thể là cả sự đỡ đầu chính trị của Washington. Sự bảo trợ ấy giúp giải quyết được nhiều vấn đề chính sách đối nội ở trong nước…

Vấn đề là ở Nhà trắng, người ta có từ bỏ bảo hộ Trùng Khánh hay không mà thôi. Mặt này của những cuộc hiệp thương đã được che giấu cẩn thận. Nhưng, xét trên hàng loạt sự kiện thì việc Mao cố nài để được trở thành những người cùng phe với Mỹ, là một điều hoàn toàn rõ ràng.

26 tháng 9

Trong những cuộc hiệp thương với người Mỹ, Chu Ân Lai nổi lên về tính tích cực tăng cao. Song, tôi tin rằng toàn bộ tính tích cực của Chu chỉ là do khát vọng muốn đứng vững ở đỉnh cao quyền lực mà thôi. Đồng thời, những yếu tố chính trị đều không giữ vai trò căn bản đối với ông ta. Hơn nữa, các nguyên tắc của ông ta luôn luôn và luôn luôn biến đổi.

Toàn bộ hoạt động của Chu đều giới hạn trong những quan điểm chính trị của Mao Trạch Đông. Còn tinh thần độc lập của Chu thì thường thể hiện ở lòng ghen ghét đối với các đồng chí, đặc biệt với Lưu Thiếu Kỳ.

Chu thiên về hoạt động thực tế hơn là các công việc lý thuyết ở trong phòng.

Mặc dù là một chính uỷ quân đội kỳ cựu, nhưng Nhiệm Bật Thời nói chung không hề có một chút sáng kiến nhỏ. Ông ta tựa hồ như là một người được uỷ quyền của Mao, một người chấp hành kính cẩn. Ông ta nổi bật lên ở tinh thần chấp hành của ông ta, chấp hành chính xác theo từng câu từng chữ.

So với họ thì Chu Đức khác hẳn, ông ta vẫn có thiện ý và lạc quan trong tất cả những cảnh ngộ khó chịu và hục hặc nhau đó.

Những ngày gần đây, Mao bận nhiều việc và ít khi thấy mặt.

Quân Nhật cực kỳ tàn ác với thường dân. Và nếu dân chúng vẫn còn sót lại trong các vùng bị chiếm thì chúng tiêu diệt sạch, không tha trẻ em, người già, phụ nữ. Chúng đốt trụi làng mạc, thị trấn, cây gieo trồng, để cho những người còn sống sót bị chết đói.

27 tháng 9

Bóng ma quyền lực, đối với Mao Trạch Đông cao hơn mọi lợi ích của Đảng. Mao cố giải quyết vấn đề Viễn Đông theo cách riêng của Mao, giấu Liên Xô.

Đầu cơ những thất bại quân sự của Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thèm khát củng cố địa vị bằng cách dựa vào người Mỹ để say này, ngược lại ý chí của người Mỹ, Mao sẽ trở thành thế lực đứng đầu Trung Quốc. Vì thế, chẳng những ông ta có ý thay đổi tên Đảng mà còn phản bội Liên Xô.

Mao Trạch Đông cho rằng Liên Xô bị cuộc đấu tranh chống nước Đức phát-xít làm cho quá ư kiệt quệ, vì vậy không còn khả năng tiến hành những hoạt động quân sự, thần tốc và có hiệu quả ở Viễn Đông. Và vì thế chẳng cần phải mất công vì nó nữa… Đối với Mao người Mỹ có nhiều may mắn hơn và Mao nhiệt tình năn nỉ họ nhận mình làm bạn cùng phe cánh.

Rõ rành rành là đối với Mao bây giờ vận mệnh của Viễn Đông và Trung Quốc đã được quyết định. Và trọng tài chính chỉ là Mỹ mà thôi.

28 tháng 9

Mao Trạch Đông chú ý mức độ quan tâm của người Mỹ đến các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản. Theo tôi thì Mao bắt đầu tiên đoán rằng người Mỹ sẽ cắt đứt với Tưởng Giới Thạch và hướng chính sách của họ vào Diên An. Và đó là ước mơ của ông ta, là kết quả lý tưởng của những cuộc tiếp xúc.

Đồng minh thì muốn nhận các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản, mà không thay đổi sự bố trí các lực lượng chính trị trong nước. Đối với Mỹ, Tưởng Giới Thạch là người của họ. Đảng cộng sản với tính cách một đồng minh mới thì lại làm cho họ sợ…

Tưởng Giới Thạch thì họ hoàn toàn tin cậy được. Hắn là một “dinh luỹ đã được thử thách chống chủ nghĩa Bôn-sê-vích”. Còn sau lưng Mao là Đảng cộng sản. Sau này, Mao sẽ xử sự như thế nào, đối với họ, đó còn là vấn đề đau đầu, có nhiều điều đáng ngờ vực nhất. Họ e ngại không dám tin, tuy rằng họ muốn, rất muốn tin…! Vì vậy, người Mỹ cố dân chủ hoá hình thức chế độ Quốc dân đảng, cố làm cho nó có vẻ một chế độ tiến bộ.

Ở Diên An, người ta bàn tán nhiều về việc cải tổ sau này Chính phủ Trùng Khánh. Sao Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lại có thể bỏ lỡ cơ hội này được. Chiến dịch mới chống Tưởng Giới Thạch ở các báo địa phương chứng minh điều đó. Chiến dịch đó có mục đích. Nhưng đó là mục đích có tính toán đến sự thay đổi của tình thế. Có thể coi lời phát biểu của Lâm Bá Cừ tại Hội nghị chính trị toàn quốc thuộc về loại những phát biểu đó. Lâm Bá Cừ kiên quyết đòi hỏi cải tổ lại Chính phủ.

Điều rất đáng chú ý là lời phát biểu của Lâm Bá Cừ phù hợp với các nhà chức trách Mỹ ở Trùng Khánh. Mao tìm mọi cách để thuyết phục đồng minh về khả năng hợp tác, về sự chân thực của ông ta và thúc đẩy họ đi đến những cuộc tiếp xúc chặt chẽ hơn.

Tôi hình dung việc đó sẽ làm cho Tưởng Giới Thạch lo ngại và phẫn nộ đến như thế nào!

29 tháng 9

Sớc-sin đọc diễn văn tại Hạ nghị viện.

Sau 120 ngày đánh nhau ở Pháp, đồng minh có 235.000 người bị giết, bị bắt và bị thương.

“Sự đóng góp của nước Nga vào việc đập tan chủ nghĩa phát-xít là một cống hiến không gì so sánh được…”.

“… Nước Nga tê liệt và đập tan những lực lượng cực kỳ lớn mạnh hơn nhiều so với các lực lượng mà Đồng minh vấp phải ở phương Tây…”.

Ở Trung Quốc, quân Nhật chiếm một mạng lưới sân bay quan trọng nhất, dồn không lực của Sê-nô vào một tình thế khó khăn. Hàng chục sư đoàn Nhật mưu toan xâm nhập Ấn Độ, đã bị đẩy lùi ở Miến Điện.

Lý Phú Xuân, Lý Lập Tam, Chu Ân Lai biết Mao Trạch Đông từ rất lâu, từ năm 1918 hay 1919.

Lý Phú Xuân đã học 5 năm ở Pháp (ông về nước năm 1924). Từ năm 1924, ông đã là uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, là chính uỷ quân đội; đã tham gia Vạn lý trường thành. Hiện nay, ông 44 tuổi. Lý người gầy, nét mặt tỏ ra nghị lực, hách dịch, điệu bộ kiên quyết.

Mao Trạch Đông nói với tôi rằng Lý Kế Nông đã làm việc trong các tổ chức quân sự Quốc dân đảng theo mệnh lệnh của đảng. Chỉ có điều Mao không nói rõ lý đó là đảng nào…

Bây giờ đối với tôi, rõ ràng là 28 sư đoàn Quốc dân đảng bao vây Đặc khu (Tưởng Giới Thạch nói là 16 sư đoàn) ở đây không hẳn là để chọn thời cơ thuận lợi nhằm đàn áp các căn cứ trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ yếu là để ngăn chặn những cuộc tấn công quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc đánh chiếm các lãnh thổ lân cận Đặc khu. Sách lược quen thuộc xưa nay của Mao Trạch Đông là lợi dụng các cuộc hiệp thương giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng về Mặt trận thống nhất kháng Nhật để xâm chiếm lãnh thổ của Chính phủ trung ương, xâm chiếm bất chấp hiệp thương, nấp sau hiệp thương đó, trong khi vẫn tuyên bố là Tưởng Giới Thạch vi phạm hiệp thương.

Những lời than phiền thống nhất của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc về việc Quốc dân đảng bao vây chỉ biểu hiện nỗi bực tức của Mao Trạch Đông đối với việc Chính phủ trung ương hạn chế hành động của ông ta nhằm lấn chiếm lãnh thổ của Chính phủ trung ương, nghĩa là thực tế tiếp tục nội chiến dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông bằng những phương tiện và phương pháp khác, bất chấp nhiệm vụ đấu tranh chống Nhật xâm lược.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc được vỗ về bằng sự tin cậy của người Mỹ, bằng thiện ý cao của họ, đã phơi bày trước họ thực chất đường lối chính sách của ông ta. Thậm chí đến tôi cũng phải ngạc nhiên (vì ở đây có cái gì mà tôi lại không nhìn thấy) rằng Mao đã đi thật quá xa tron cái lời hứa hẹn, bảo đảm cam kết và tiết lộ bí mật gần như phản bội của ông ta vậy.

Mủi lòng trước thiện chí của đồng minh, Mao không giấu giếm gì thái độ thực của mình đối với Mát-x cơ-va. Đồng chí Bác Cổ đã cho tôi biết nhiều hành vi nhục nhã đó của Mao Trạch Đông.

30 tháng 9

Qua nói chuyện với các đồng chí trong quân đội, một trận tấn công sắp tới của quân Nhật đã trở nên rõ rệt. Nếu nó sẽ được tiếp tục với nhịp độ như thế, thì Trung Quốc có nguy cơ phải chịu những thất bại quân sự chưa từng có.

Tại khu vực bị chọc thủng của Chính phủ trung ương có gần 100-130 nghìn quân lính. Không có các đơn vị quân đội khác ở gần đấy. Tình trạng liên tục thiếu sót làm cho khả năng bổ sung kịp thời cho quân đội bị loại trừ.

Trong thành phần quân đội Nhật tham gia cuộc tấn công, người ta phát hiện được các sư đoàn bộ binh 22, 3 và 13; các lữ đoàn độc lập 19, 23… Hướng tấn công nói chung nhằm tỉnh Quý Châu, trái tim của Trung Quốc.

Trong các khu vực có đông đảo dân chúng chạy trốn thì đói, trộm cướp, bệnh tật hoành hành. Hàng triệu người mất họ hàng thân thích, bố mẹ. Hiện nay, toàn Trung Quốc đều nghe thấy tiếng rên khóc của họ…

RELATED ARTICLES

Tin mới