Giá dầu xuống dưới 27 USD một thùng đã đẩy cổ phiếu toàn cầu đến sát ngưỡng thị trường giá xuống, đồng thời làm tăng nhu cầu các tài sản trú ẩn.
Giá dầu thô Mỹ – WTI mất tới 6,7% xuống 26,55 USD một thùng – thấp nhất từ tháng 5/2003 sau khi Royal Dutch Shell dự báo lợi nhuận quý vừa qua giảm do dư cung toàn cầu. Trước đó, giới phân tích cũng đã cảnh báo tình trạng dư cung sẽ còn tiếp diễn trong năm nay. Nhóm cổ phiếu năng lượng hôm qua mất 2,9%.
Phố Wall hôm qua có lúc giảm mạnh nhất từ sau đợt bán tháo tháng 8 năm ngoái, nhưng đã phục hồi phần nào về cuối. Chốt phiên, chỉ số S&P 500 mất 1,2%, xuống đáy 21 tháng. Trong khi đó, Dow Jones mất hơn 1,5% và Nasdaq giảm 0,12%
Việc này đã kích thích nhu cầu các tài sản trú ẩn. Giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng phiên thứ 5 trong 6 phiên gần nhất. Giá vàng tăng 1,3% lên 1.101 USD một ounce và yen Nhật cũng lên đỉnh 1 năm so với USD.
“Có rất nhiều yếu tố đằng sau đà bán tháo này. Đó là các vấn đề kinh tế, như Mỹ đang dần giảm tốc, giá năng lượng đi xuống quá mạnh, hay tình hình tại Trung Quốc chẳng hạn. Vì thế, khi kết hợp chúng lại với nhau, anh sẽ có tâm lý bi quan với mối lo Mỹ nâng lãi suất, khiến nền kinh tế tăng trưởng còn chậm hơn”, Stephen Schwarzman – CEO Blackstone nhận xét.
Chứng khoán châu Âu và châu Á hôm qua cũng không thoát khỏi xu hướng giảm toàn cầu. Euro Stoxx 50 mất gần 3,3% khi các chỉ số tại nền kinh tế chủ chốt như Anh, Pháp, Đức đều đi xuống. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc giảm trung bình 2%.
Chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi giảm mạnh nhất trong hơn 2 tuần, nâng mức giảm từ đầu năm lên 13%. Đây cũng là khởi đầu tệ nhất của chỉ số này từ năm 1988. Rouble Nga hôm qua mất giá 5% so với USD, xuống thấp kỷ lục 82,4649 rouble đổi một USD.