Sunday, November 17, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Những ngày đầu tháng 10 /1942 (Kỳ 6)

Nhật ký Diên An: Những ngày đầu tháng 10 /1942 (Kỳ 6)

Nạn đói hoành hành một cách tàn nhẫn ở Hà Nam và Hồ Nam. Theo những người đã được mắt thấy tai nghe kể lại thì ở đó đã có hàng triệu người chết. trên các nẻo đường và trên các cánh đồng ở nông thôn và thành thị, chỗ nào cũng chỉ thấy xác chết, từng đám người bị điên loạn, chỗ nào cũng có cướp bóc và lộn xộn. Dân chúng chạy sang phía Tây. Người ta ăn cỏ, ăn vỏ cây, ăn cả phân nữa.

Nạn đói hoành hành năm 1942

Ngày 2 tháng 10

Nhà Trắng công bố việc Đo-nơn Nen-xơn xin từ chức.

Nen-xơn cho rằng với tư cách là Chủ tịch Ủy ban quản lý công việc sản xuất chiến tranh của Mỹ, ông hoàn thành trách nhiệm. Qua những kết quả của những lần đi thăm Trung Quốc, ông tin rằng trách nhiệm của Mỹ đối với Trung Quốc đã được hoàn thành thắng lợi.

Việc từ chức của Nen-xơn được thông qua. Ông ta nhận được một chức trong Chính phủ Mỹ.

Pê-tanh, tên phản bội nước Pháp, chạy trốn sang Đức…

Tại phiên họp thứ 3 của Hội nghị chính trị toàn Trung Quốc, Chủ tịch Diên An là Lâm Bưu đã phát biểu ý kiến đòi bỏ bao vây Đặc khu, hợp pháp hoá Đảng cộng sản Trung Quốc và thống nhất các lực lượng vũ trang để đấu tranh chống kẻ thù chung.

Đa-vít Ba-rét am hiểu tập quán và phong tục Trung Quốc. Ông ta giao du rộng rãi trong xã hội. Thậm chí ông ta còn được lòng quần chúng hơn đại tá Đê-pát, người phụ trách ông ta. Trước năm 1937, ông ta đã nhiều lần đến Trung Quốc. Từ năm 1937, ông ta đã ở trong bộ phận tuỳ viên quân sự của Mỹ ở Trùng Khánh. Ông ta thường đi về Thành Đô.

Vui vẻ, mến khách, biết làm cho người ta có thiện cảm với mình. Là một người biết mọi chuyện. Về bề ngoài, tỏ ra chân thực với Liên Xô. Song, với toàn bộ sự nhã nhặn ấy, ông lại tỏ ra thận trọng và không nói một tiếng nào thừa.

Bệnh viêm họng hành hạ tôi – sốt gần 40 độ – tôi bị nghẹt thở khản cổ. Tôi soi vào gương: mắt sâu trũng, mặt trắng bệnh, xanh xao.

4 tháng 10

Nạn đói hoành hành một cách tàn nhẫn ở Hà Nam và Hồ Nam. Theo những người đã được mắt thấy tai nghe kể lại thì ở đó đã có hàng triệu người chết. trên các nẻo đường và trên các cánh đồng ở nông thôn và thành thị, chỗ nào cũng chỉ thấy xác chết, từng đám người bị điên loạn, chỗ nào cũng có cướp bóc và lộn xộn. Dân chúng chạy sang phía Tây. Người ta ăn cỏ, ăn vỏ cây, ăn cả phân nữa.

Các tỉnh ấy bị mất mùa những năm 1940-1941, hạn hán khủng khiếp năm 1942 đã làm cho đồng ruộng nói chung bị khô nẻ hết. Nhưng vẫn cứ thu thuế ở tất cả mọi nơi, miễn là có thể thu được thì cứ thu…

Tất cả mọi dự trữ đều đã ăn sạch trơn, và từ mùa thu năm 1942, nạn đói đã trở thành có tính chất một tai hoạ tự phát. Năm 1943, các tỉnh ấy đã bị nạn đói và dịch bệnh hoàn toàn tàn phá.

Chính phủ Tưởng Giới Thạch không giải quyết được vấn đề.

Quân Nhật lợi dụng tình hình đó và mặt trận tan vỡ.

5 tháng 10

Trùng Khánh đã thành lập Bộ nghĩa vụ quân dịch, các nhân viên quân sự đã được tuyển lựa để lãnh đạo bộ này. Các cố vấn Mỹ (sĩ quan và binh lính) đã được biệt phái vào các ban tham mưu trung đoàn, sư đoàn và quân đoàn Quốc dân đảng. Mỗi nhóm chuyên gia có đường dây liên lạc riêng của họ với bộ chỉ huy Đồng minh ở Trung Quốc.

Tướng Xtin-oen đứng đầu toàn bộ các bộ máy cố vấn đó.

Xtin-oen chỉ huy tương đối nhiều binh lính của đồng minh tại Trung Quốc và ông ta đồng thời cũng là người đứng đầu bộ tham mưu của Tưởng Giới Thạch (người đứng đầu bộ tham mưu các vùng chiến sự ở Trung Quốc).

Tướng Hà Ứng Khâm giữ vai trò tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.

Tướng Xtin-oen đã chỉ huy quân đội ở Bắc Miến Điện, đám quân này đã khôi phục được sự giao thông liên lạc với Ấn Độ.

Theo tôi thì Xéc-vi-xơ và Lút-đơn được Xtin-oen ủng hộ. Nếu không phải như thế thì không thể giải thích được vì sao họ mạnh bạo thảo luận các vấn đề chính trị phức tạp.

Ngay cả ở đây, ở Diên An, cũng có thể kết luận được rằng viên tướng đó nổi bật về một nghị lực có lý trí và một tinh thần kiên quyết. Những người cộng sự của ông ta là những người tháo vát, am hiểu và có kinh nghiệm. Ông ta lập một nhóm người xung quanh mình, một nhóm người được lựa chọn, căn cứ vào đặc trưng công tác chủ yếu: có sáng kiến.

Xtin-oen không phải là trong số những người dừng lại trước mục đích đã đặt ra. Cần phải đánh giá đúng ông trong vấn đề này.

6 tháng 10

Thông cáo của Cục thông tin: “Trong suốt cả ngày 5 tháng 10 trên lãnh thổ Nam Tư, ở phía Bắc và phía Nam thành phố Pê-tơ-rô-grát, quân đội ta hiệp đồng tác chiến với các đơn vị quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư, đã chiếm thành phố và mũi đường sắt Pan-chê-vô, cùng với trên 50 điểm dân cư khác… Tại những khu vực khác của mặt trận đang tiến hành trinh sát và những trận chiến đấu có tầm quan trọng địa phương đang diễn ra ở nhiều điểm. Trong 4 ngày tháng 10, tổng kết những trận chiến đấu có tầm quan trọng địa phương, quân đội ta đã bắn hỏng và phá huỷ 37 xe tăng Đức…”.

Theo đài phát thanh Thụy Điển: Trên mặt trận Xô-Đức, 5 tướng Đức đã bị giết, trong đó có đại tướng Mít, chỉ huy tập đoàn quân.

Các đơn vị quân đồng minh đã đổ bộ vào Hy Lạp.

Ở Diên An, có một nhóm quân sự Mỹ. Hôm qua, sau khi đã báo trước cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, tuỳ viên quân sự Mỹ tại Trung Quốc đại tá Đê-pát, đại biểu tình báo Mỹ tại – đại tá Gioóc-giơ Am-xtơ-rông (nghề nghiệp chính thức của ông – là một nhà giải phẫu), đại tá Ét-uốt Mắc-nơ-ly cùng hai trung sĩ đã tới. Tướng Uy-li-am Béc-gin, Phó tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở Trung Quốc đứng đầu nhóm này.

Mao Trạch Đông đã vội vã tới sân bay. Ông ta chờ tương đối lâu chiếc máy bay “Đâu-glớt” và các vị khách. Và đó là Mao, người chưa hề bao giờ chờ đợi ai!…

Chu Đức, Diệp Kiếm Anh, Chu Ân Lai và những người khác cùng đi với Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mao kiên trì tìm hiểu những sự tiếp xúc với các nhân vật cao cấp của bộ chỉ huy quân sự Mỹ hoặc của Chính phủ Mỹ. Theo tôi hiểu thì Mao dự tính thuyết phục họ, chứng minh cho họ về khả năng và sự cần thiết phải có liên minh Mỹ – Đặc khu. Tôi nghĩ rằng Mao cũng ngại gửi gắm những ý nghĩ thực sự của mình cho các kẻ môi giới cấp thấp của Chính phủ Mỹ, chính vì thế Mao muốn có những cuộc gặp gỡ trực tiếp với bọn đầu sỏ chính trị Mỹ. Tôi không nghi ngờ rằng ở đây, tại các cuộc hiệp thương, Mao không bộc lộ triệt để, vì sợ những tin đồn đại và bị mất uy tín đối với Mát-xcơ-va. Ông ta sẽ yên lặng mà không để lộ mục đích và tâm trạng thực của ông ta. Ông ta cầu hiệp thương, nhưng không phải với các vị đại tá và các vị bí thư sứ quán…

Mô-rít Đê-pát là một nhà tình báo có kinh nghiệm, thường xuyên đến Trung Quốc. Ông ta biết tiếng Trung Quốc đến mức thành thạo, giản dị với cấp dưới, nhưng tính cách khó gần, ít nói, người vạm vỡ, đầu hói, 50 tuổi, không cao, chiếc cằm vạm vỡ kiểu Anh quốc lồ lộ ra như đập vào mắt mọi người.

Thường Chu Ân Lai không biểu lộ một thái độ riêng đối với các sự kiện. Giữa Chu và Khang Sinh có những quan hệ căng thẳng. Mao Trạch Đông lợi dụng tình hình đó, lúc thì gần người này, lúc lại gần người kia.

Khi giải quyết những vấn đề lớn trong Đảng và trong quân đội, Chu Ân Lai là người trợ thủ chủ yếu của Mao Trạch Đông.

Chu ít khi khỏe mạnh. Nhưng Chu cũng không phàn nàn về bệnh tật với một ai. Ông ta luôn luôn làm việc nhiều và hay làm việc về đêm. Vợ Chu là Đặng Dĩnh Siêu, không có con cái, chỉ có một cô con gái nuôi.

7 tháng 10

Nhiếp Vinh Trăn, Thái Xướng, Lý Phú Xuân, Lý Lập Tam, Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu, Phó Chung, La Mại, Từ Đặc Lập, Trần Nghị, Vương Nhược Phi, Hướng Cảnh Dư và một số cán bộ có trách nhiệm khác của Đảng cộng sản Trung Quốc đã học ở Pháp (Chu Đức và Diệp Kiếm Anh học ở Đức). Tổ chức khai sáng tư sản, thỏa thuận với tổ chức tương tự ở Pháp, đã trả học phí. Trước khi lên đường, các sinh viên tương lai của các trường Đại học Pari và Li-ông đã được học những chương trình chuyên nghiệp.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười ở Nga, châu Âu đã trải qua một cao trào cách mạng. Các đảng phái, các hội, các tổ chức, các câu lạc bộ thuộc đủ mọi trào lưu và trường phái xuất hiện.

Chính vì thế, đối với nhiều thanh niên chưa trưởng thành về chính trị, việc học ở Pháp có những mặt tiêu cực của nó. Cùng với những tư tưởng mác-xít, trong ý thức họ rõ ràng là cũng đã bắt rễ cả những quan niệm của các đảng phái khác nhau của châu Âu. Nhiều người trong số họ có tinh thần cách mạng cực đoan, đã phủ nhận chủ nghĩa Mác, vai trò lãnh đạo của Quốc tế cộng sản, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười. Bọn vô chính phủ đã có không ít ảnh hưởng, về sau bọn này đã giữ một vai trò đáng buồn trong nội chiến ở Tây Ban Nha. Trong khi đó thì các đảng theo xu hướng công liên, các tổ chức khủng bố cánh tả… lại tăng cường hoạt động.

Chính ở châu Âu, Lý Lập Tam đã tiếp thu triết học bạo động vô chính phủ, và “những con đường đặc thù của cách mạng Trung Quốc” chính là dựa trên cơ sở triết học này. Triết học này đã đã bị Quốc tế cộng sản phê phán cặn kẽ và dứt khoát bác bỏ. Trên một mức độ đáng kể, Mao Trạch Đông đã tiếp thu những quan điểm của Lý Lập Tam…

Việc học tập tại trường đại học Tôn Dật Tiên ở Matxcơva cũng không khắc phục được bản chất tiểu tư sản của đa số những người lãnh đạo Đảng hiện nay. Căn cứ vào chỉnh phong mà nhận xét, thì các bài giảng về kinh tế chính trị học đã được tiếp thu một cách hình thức. Bây giờ, người ta trắng trợn gọi chủ nghĩa Mác là “chủ nghĩa giáo điều”, là “triết học cách mạng và thực tiễn cách mạng cổ điển của phương Tây không thích hợp với Đảng cộng sản Trung Quốc” (Câu nói của Mao Trạch Đông).

Rất đáng chú ý quan hệ giữa Lý Lập Tam và Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông phẫn nộ kết tội phái Lý Lập Tam, song Mao vẫn luôn duy trì nhưng quan hệ khá tốt với Lý.

La Mại (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1927) là một người bạn thân của Lý Lập Tam. Cùng với Chu Ân Lai và những người khác, La đã thành lập chi nhánh Pa-ri của Đảng cộng sản Trung Quốc. La Mại (tên hiện nay của ông là Lý Duy Hán) có một số thời gian đã sống ở nhà Mao Trạch Đông năm 1920.

Lý Lập Tam sinh năm 1886. Đồng hương với Mao. Có một thời kỳ, họ là đôi bạn thân. Sau khi học ở Pháp, Lý tiến hành công tác cách mạng tích cực ở Trung Quốc. Quan hệ giữa Lý và Mao Trạch Đông bị một đám mây che phủ chỉ trong thời kỳ sự biến Phù-tiên, cơ sở của sự biến này là cuộc đấu tranh đòi nắm quyền trong Đảng. Do những sự xuyên tạc theo chủ nghĩa cơ hội tả khuynh, Lý Lập Tam bị Quốc tế cộng sản khai trừ ra khỏi lãnh đạo.

Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ lên án Lý Lập Tam trên lời nói thôi. Đó chỉ là thủ đoạn để đấu tranh chống “phái đối lập Mátxcơva” và “chủ nghĩa giáo điều”. Lý Lập Tam bị Quốc tế cộng sản nghiêm khắc lên án, Lý đã tự làm mất uy tín của mình bằng những hành động tả khuynh. Vậy thì dựa vào tên tuổi của Lý mà tiêu diệt những kẻ thù của mình thật là tiện biết bao! Con người Hồ-Nam đó (Mao Trạch Đông sinh quán ở Hồ Nam – Ban Biên tập) không có ác cảm thực sự với Lý Lập Tam. Kết án công khai là một thủ đoạn chính trị thường lệ, không hơn không kém.

Tướng Uy-li-am Béc-gin trao huân chương “phục vụ” cho đại tá Ba-rét.

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức lễ mừng người được tặng thưởng. Ngoài trời, người ta kê một chiếc bàn lớn. Người Mỹ xếp thành hàng, với Ba-rét đứng đầu, đi diễu hành đến chỗ cái bàn. Tấm huân chương mới sáng lóng lánh trên bộ đồng phục của Đa-vít Ba-rét. Người ta đón ông bằng hoa và những tiếng hoan hô. Công chúng quây xung quanh người Mỹ thành những vòng tròn nhỏ.

Mao Trạch Đông và Chu Đức nhiệt liệt chúc mừng Ba-rét. Rồi Mao Trạch Đông đứng trong cùng một hàng với người Mỹ hoan hỉ trả lời phóng viên.

Người ta mời khách ngồi vào bàn. Diệp Kiếm Anh phát biểu ý kiến chào mừng Ba-rét.

Diệp Kiếm Anh nói rằng tấm huân chương trao tặng cho ngài đại tá Ba-rét cũng là một phần thưởng đối với những người cộng sản Trung Quốc đã hợp tác một cách có kết quả với “Phái bộ quan sát Đồng minh”.

Mã Hải Đức dịch lời phát biểu của Diệp Kiếm Anh.

Tôi nghĩ Brúc Át-kin-xơn, phóng viên Niu-Oóc thời báo phải tường thuật cuộc lễ mừng này. Át-kin-xơn tham dự rất hăng hái vào buổi lễ mừng đó.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới