Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐiểm tinTrung ương XII trước áp lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...

Trung ương XII trước áp lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc

Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng XII, ông Trần Văn Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề cập tới nội dung trên.

PV: Lần này số lượng lớn Uỷ viên Bộ Chính trị không tái cử và nhiều người trẻ sẽ được bầu. Theo ông, quy trình công tác cán bộ cho khoá XII có đáp ứng tình hình mới?

Ông Trần Văn Hằng: Tôi tham gia mấy khoá Trung ương chưa bao giờ thấy nhiệm kỳ nào lại làm chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn, đúng quy trình như lần này. Tôi hy vọng cán bộ trẻ mới vào đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng đề ra.

Quy chế bầu cử đáp ứng đúng quy trình, điều lệ Đảng; đồng thời chặt chẽ, đảm bảo quyền của đảng viên, của đại biểu.

Tinh thần Quyết định 244 (về quy chế bầu cử trong Đảng) thì người không được cấp uỷ giới thiệu sẽ không được ứng cử, không được nhận đề cử (nếu được Đại hội đề cử thì phải xin rút), nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Đại hội. Như vậy là rất dân chủ.

Trước đây, Đoàn Chủ tịch hội ý và quyết định cho rút khỏi danh sách giới thiệu hay không, nhưng nay do Đại hội quyết định qua biểu quyết bằng phiếu. Đây là hình thức mới, thể hiện quyền của đại biểu, của ý chí toàn Đảng, Đại hội có quyền cao nhất.

Theo ông, yêu cầu đối với các đồng chí tham gia Trung ương khoá mới phải như thế nào?

Ông Trần Văn Hằng: Yêu cầu đối với các đồng chí Trung ương khoá mới, đặc biệt các đồng chí mới tham gia cần cao hơn vì tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ tới diễn biến phức tạp, khó lường.

Đặc biệt là vấn đề Biển Đông, khủng bố, xung đột sắc tộc ảnh hưởng đến điều phối chung đến sự phát triển từng nước.

Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó ngoài mục tiêu kinh tế là chính thì nó vẫn mang màu sắc chính trị, tức là tập hợp các lực lượng thành từng khối, từng khu vực để kiềm chế, đối trọng lẫn nhau.

Học gì từ cách dùng người của Bác?

Những đồng chí đó trước hết phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường quan điểm của Đảng.

Phải nghiên cứu rất sâu và có trình độ cao để tiếp nhận những cái mới để đưa Việt Nam hội nhập.

Nếu vẫn áp dụng một cách máy móc thì kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ phai nhạt, không đạt được yêu cầu.

Vì vậy, các đồng chí trong Trung ương khoá mới phải luôn tỉnh táo trước tình hình thực tế và triển khai thực hiện.

Một yêu cầu nữa là phải tập trung nghiên cứu để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Qua 30 năm phát triển, chúng ta có 10 năm đầu đổi mới với động lực rất cao, 10 năm sau chững lại và 10 năm sau bắt đầu đi xuống.

Trong 6 nhiệm vụ cơ bản trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư trình bày đã đầy đủ, nhưng trong đó yêu cầu của Trung ương tới là phải tạo ra một chu kỳ đổi mới tốt hơn. Tức là chọn mũi nhọn nào sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta nhưng đồng thời phải hội nhập được với thế giới.

Tôi cho rằng vấn đề cần tập trung là khoa học công nghệ vì nếu không sẽ khó phát triển sản xuất, an ninh quốc phòng khó khăn, cũng sẽ không theo kịp các nước mà Việt Nam ký Hiệp định và mình sẽ trở thành nơi chứa đựng công nghệ lạc hậu.

Không phát triển KHCN thì không thể nói đến bình đẳng với các dân tộc, các nền kinh tế trên thế giới.

– Điều đó có nghĩa Trung ương khoá mới đứng trước những áp lực rất lớn?

Ông Trần Văn Hằng: Trung ương khoá mới đứng trước nhiều áp lực như tôi phân tích ở trên. Ngoài ra chúng ta đang ở ngưỡng rất thấp mà kỳ vọng của Đảng là đã hội nhập sâu thì phải phát triển cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn.

Áp lực nữa là khi đã hội nhập sâu rộng thì các tiêu chuẩn cao hơn, trong khi điều kiện kinh tế mình còn khó khăn.

Cùng với đó là giữ vững định hướng, không thể vì áp lực mà “lái” mình đi theo hướng khác.

Áp lực là vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ là rất lớn vì đây là vấn đề thiêng liêng nên cần có sách lược và bản lĩnh của các đồng chí trong Trung ương để làm sao vừa hợp tác phát triển nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.

– Hiện nhiều nước lớn cũng đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông. Theo ông, Việt Nam cần đối sách như thế nào cho phù hợp?

Ông Trần Văn Hằng: Bây giờ tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng. Vì là tuyến hàng hải huyết mạch nên nhiều nước lớn quan tâm.

Quan điểm xuyên suốt về đường lối đối ngoại của chúng ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá nên chúng ta không lệ thuộc và không vì quan hệ với nước này mà gây mâu thuẫn với nước khác.

Từ đó dùng mọi biện pháp hoà bình để đấu tranh bảo vệ quan điểm, hợp tác vì lợi ích các bên mà không ảnh hưởng đến lợi ích nước khác.

Nếu điều tiết được quan hệ như vậy thì sẽ giữ được môi trường hoà bình, ổn định. Nếu nghiêng bên nọ bên kia thì rất phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới