Trên toàn thế giới có lẽ chỉ ở Trung Quốc và Việt Nam là có hai loại tuổi, đó là “tuổi mụ” và “tuổi thực”. “Tuổi thực” thì mọi người đều có thể nói được rõ ràng, nhưng “tuổi mụ” là tuổi gì thì nhiều người lại chưa có hiểu rõ ràng và thấu đáo.
Người Trung Quốc hay người Việt Nam mỗi khi làm một sự việc gì lớn người ta đều dùng “tuổi mụ” để xem xét. Thậm chí ngay cả thông thường khi hỏi tuổi của nhau, nhiều người đặc biệt là các thế hệ trước đều trả lời số tuổi là “tuổi mụ.”
“Tuổi mụ” là gì?
Vậy “tuổi mụ” là gì? “Tuổi mụ” là một cách ghi nhận tuổi khác với “tuổi thực” (tuổi tính theo tháng) có xuất xứ từ Trung Quốc cổ đại. “Tuổi mụ” trong tiếng Hán là “Hư tuế,” “Hư” có nghĩa là giả, giả tạo. “Thực” có nghĩa là chân thật, chân thực. “Tuổi mụ” (Hư tuế) là một phương pháp tính tuổi truyền thống của người Trung Quốc. “Tuổi mụ” được tính trên cơ sở đơn vị là năm. Năm mà một người ra đời sẽ được ghi nhận là một tuổi. Sau này mỗi một năm trôi qua sẽ tăng thêm một tuổi.
Điểm khác biệt với người hiện đại ngày nay chính là vào thời cổ đại, “tuổi mụ” là phương pháp ghi nhận tuổi duy nhất. Một khi người cổ đại nói đến tuổi của một người nào đó là nói đến “tuổi mụ.” Họ không có khái niệm “tuổi mụ” hay là “tuổi thực” như ngày nay.
Bằng cách tính “tuổi mụ,” người xưa sẽ không có khái niệm dùng ngày sinh nhật để bắt đầu tính tuổi. Dựa theo thói quen dân gian, một đứa trẻ vừa ra đời chỉ trong vòng 100 ngày là người ta tính tuổi của đứa trẻ đó theo ngày, tháng (ví dụ bé được 10 ngày tuổi hay 1, 2, 3 tháng tuổi…). Nhưng qua 100 ngày người ta sẽ không tính tuổi của đứa trẻ đó theo ngày hoặc tháng nữa mà sẽ dùng năm để làm đơn vị tính tuổi.
Từ lý luận trên mà nói thì một người vừa ra đời đã được ghi nhận là được một tuổi, sau này cứ mỗi năm trôi qua lại thêm một tuổi. Ví dụ: Một người sinh vào ngày 15/3/1990 thì trước lúc giao thừa Tết năm 1991 người đó đã được ghi nhận là được 1 tuổi. Vừa sang năm 1991 thì người đó đã là 2 tuổi. Như vậy, vào khoảng thời gian trước ngày 15/3/2000 thì “Tuổi thực” của người đó mới là 9 tuổi, nhưng “Tuổi mụ” thì đã là 11 tuổi rồi, vậy sai số giữa chúng là 2 tuổi.
Vì sao lại có “tuổi mụ”?
Muốn lý giải được vì sao lại có “tuổi mụ,” chúng ta cần tìm hiểu về tính cách của người Trung Quốc cổ đại.
Người Trung Quốc cổ đại không có khái niệm ngày sinh nhật như người hiện đại chúng ta. Người hiện đại dùng khái niệm sinh nhật là chỉ ngày gồm 24 giờ. Nhưng người cổ đại chia một ngày thành 12 thời thần và dùng 12 chi (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) để biểu thị. Người Trung Quốc cổ đại chỉ ghi lại giờ sinh của một người mà thôi, đây cũng là một lý do mà người xưa không coi trọng ngày sinh nhật như chúng ta hiện nay.
Yếu tố có liên quan mật thiết với “Sinh thần” là cầm tinh. Cầm tinh là việc người Trung Quốc cổ đại dùng 12 con động vật để đại biểu. Đây là một cách để ghi nhớ tuổi của một người. Mười hai con động vật ứng với 12 địa chi. Một người sinh ra vào năm nào thì sẽ có địa chi của năm đó. Do vậy họ dùng 12 con vật để ghi nhớ năm sinh của một người, ghi nhớ ngày cùng với tính toán cầm tinh của một người. Mỗi người đều có một “cầm tinh” cố định.
Cách ghi nhớ này có một chút đặc điểm, đầu tiên là dùng năm làm đơn vị, mỗi năm sẽ đối ứng với một cầm tinh bất kể đó là sinh vào ngày tháng hay thời thần nào. Tiếp theo nó không có khái niệm lẻ, tức là bất luận một người sinh ra được mấy tháng, mấy ngày trong năm thì đều có một “cầm tinh” (Ví dụ một người sinh vào tháng 1/1/2007 cũng là thuộc tuổi Hợi mà một người sinh vào ngày 31/12/2007 cũng thuộc tuổi Hợi). “Tuổi mụ” chính là kết quả của cách ghi nhận tuổi này.
Hiện tại rất nhiều người trẻ tuổi không hiểu về điều này. Thông thường họ có một số hiểu lầm. Họ cho rằng có “tuổi mụ” là do kết quả của quan niệm “xấp xỉ” hay “gần gần, không sai biệt lắm” mà ra. Cũng có người cho rằng đó là bởi vì người Trung Quốc không có tinh thần khoa học, mọi thứ cứ “không sai biệt lắm” là được rồi. Vì vậy, vấn đề tuổi tác chỉ cần tính toán đại khái chứ không cần chính xác, cho nên, người ta dùng năm chứ không tính ngày kể tháng.
Lại có người cho rằng đây là do tâm lý “muốn chiếm lợi” của người Trung Quốc gây ra. Vì “tuổi mụ” cao hơn “tuổi thực” cho nên tuổi thọ của người đó cao hơn và người đó sẽ cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn hơn.
Còn có người cho rằng, đây là do sự bất đồng về thời điểm tính toán sự bắt đầu của một sinh mệnh. Người hiện đại dùng thời điểm sinh ra để tính thời điểm bắt đầu của sinh mệnh còn người cổ đại lại dùng thời điểm bắt đầu mang thai để tính. Bởi vì một đứa trẻ đã tồn tại trong bụng mẹ 10 tháng tuổi rồi. Nhưng những giả thuyết này đều là kết quả của sự suy đoán chứ không có căn cứ được ghi chép trong lịch sử.