Saturday, January 11, 2025

Hụt hẫng XII

Phát biểu tại Đại hội 12 hôm 22/01, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản cần phải cấp bách đổi mới không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị để đất nước tránh tụt hậu.

Một lý do ông đưa ra để giải thích tại sao Đảng Cộng sản (ĐCS) cần phải đổi mới chính trị là ‘70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng gần như không thay đổi’

Không có bất ngờ về nhân sự

Có thể nói đây cũng là lý do những ai muốn Việt Nam thay đổi có chút hy vọng khi biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người được giới thiệu tái cử hôm 24/01 và thất vọng khi ông được Đại hội ‘chấp thuận’ cho ông rút khỏi danh sách đề cử một ngày sau đó.

Thấy hứng thú khi biết ông Dũng được giới thiệu tái cử – lại là người được giới nhiều nhất trong số những người được giới thiệu bổ sung (ngoài danh sách do Trung ương khóa 11 đề cử) – vì mong Đại hội này có điều gì đó bất ngờ xảy ra vào phút cuối, trái với sự sắp xếp, chuẩn bị ‘rất bài bản, kỹ lưỡng’ của Bộ Chính trị (BCT) và Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa 11.

Chuyện đại hội ĐCS toàn quốc có những thay đổi về nhân sự cấp cao so với hội nghị trung ương cuối cùng của khóa trước là chuyện hi hữu.

Việc Thủ tướng Dũng hay bất cứ ủy viên BCT không nằm trong danh sách đề cử của BCT và Trung ương khóa 11 được Đại hội 12 giới thiệu bổ sung có thể trúng cử vào Trung ương khóa 12, được bầu vào BCT và sau đó được chọn nắm giữ một vị trí trong ‘tứ trụ’ lại là chuyện rất khó xảy ra.

Việc ông Dũng có thể vượt qua một loạt ‘cửa hẹp’ để được vào lại BCH Trung ương và BCT – nơi đã loại ông trước đó – và trở thành Tổng Bí thư, khi ‘tay chân’ của ông bị bao nhiêu qui định, quy chế bầu cử, như Quyết định 244, ‘trói buộc’ – càng là chuyện không tưởng, khó không thua gì ‘lạc đà chui qua lỗ kim’.

Dù biết vậy, có người vẫn hy vọng ông có thể được các đại biểu tham dự Đại hội 12 ‘mở cửa’, ‘cởi trói’, giúp ông vượt qua được những cửa ải, rào cản ấy.

Hy vọng vì việc các đại biểu quyết định ‘mở cửa’, ‘cởi trói’ cho ông Dũng cũng đồng nghĩa với việc họ không còn chấp nhận những lề lối, nguyên tắc, quy định ‘bầu cử’ cố hữu, lỗi thời, phi dân chủ – như chuyện ‘khóa trước chọn khóa sau’ hoặc ‘trên cử dưới bầu’ – ngay trong ĐCS.

Và chuyện họ muốn và dám thay đổi những nguyên tắc, lề lối bầu cử ấy cũng có nghĩa là họ có thể đưa ra những thay đổi quan trọng khác.

ĐCS rất khó, nếu không muốn nói là không thể, có những đổi mới mạnh mẽ về chính trị nếu như các đảng viên không dám mạnh dạn thay đổi ‘cấu tổ chức, phương thức hoạt động’ của tổ chức mình.

Bằng việc giới thiệu Thủ tướng Dũng tái cử vào BCH Trung ương khoá 12, các đại biểu ít nhiều nhen nhóm nơi những ai muốn ĐCS thay đổi chút hy vọng rằng ‘chuyện không tưởng’ có thể xảy ra.

Nhưng có thể dư luận, người dân hy vọng bao nhiêu, họ thất vọng bấy nhiêu khi một ngày sau đó, Đại hội 12 đã ‘đồng ý’ cho ông Dũng ‘rút’ khỏi danh sách bầu cử.

Nói là đồng ý cho ông ‘rút’, nhưng thực ra đó là quyết định không cho ông tái cử, đúng như những gì BCT và BCH Trung ương khóa 11 quyết định trước đó.

Với quyết định ấy, ngoài một vài khoảnh khắc bất thường, hồi hộp hiếm có, Đại hội 12 cuối cùng không có một kết quả bất ngờ nào về nhân sự cấp cao. Mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như ‘kịch bản’ được ‘dàn dựng’ từ trước.

Khi đó, tuy chưa chính thức bầu nhưng ai cũng biết ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm TBT và ba người nắm giữ ba vị trí còn lại trong ‘tứ trụ’ là ai.

Đường lối vẫn như cũ?

Không chỉ không có bất ngờ về nhân sự, tại và sau Đại hội 12 này, ĐCS Việt Nam cũng không có những thay đổi quan trọng về đường lối, chính sách.

Không phải ai cũng ủng hộ ông Dũng và cũng không chắc rằng ông sẽ tiến hành những cải cách quan trọng nếu ông được bầu làm Tổng Bí thư.

Nhưng nếu ông được giữ chức vụ ấy, khả năng Việt Nam có thay đổi về kinh tế, chính trị nhiều hơn.

Dù không loại trừ chuyện ông Nguyễn Phú Trọng có thể thay đổi hay ‘tự diễn biến’ – như ông Trường Chinh đã từng làm cách đây 30 năm – việc ông ‘tự chuyển hóa’ và dám ‘xé rào’ rất ít, nếu không muốn nói là không thể.

Theo ông Võ Tiến Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng và Giám đốc Học viện Quốc phòng, một trong lý do ông Trọng được giới thiệu ở lại giữ chức Tổng Bí thư là để ‘giữ vững ổn định chính trị’.

Nếu dựa trên các phát biểu của ông trước đây và đặc biệt báo cáo ông trình bày trong ngày khai mạc Đại hội 12, ông Trọng không phải là người biết, muốn và dám thay đổi, đổi mới.

Xem ra, đối với ông, dù có chuyện gì xảy ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hay dù phải mày mò, tìm kiếm và không biết khi nào Việt Nam mới có thể có ‘chủ nghĩa xã hội hoàn thiện’, ông vẫn theo đuổi chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội.

Vì quá kiên định, bảo thủ, chắc ông sẽ không còn biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kêu gọi của những người rất ưu tư, tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Trước đây, một số lãnh đạo, quan chức trong ĐCS – như Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách và Thủ tướng Võ Văn Kiệt – cũng từng đã thẳng thắn kêu gọi ĐCS đẩy mạnh cải cách.

Nhưng rồi những tiếng nói đầy tâm huyết như vậy đều bị các thành phần bảo thủ trong ĐCS phớt lờ, thậm chí lên án gay gắt.

Chẳng hạn, nếu bốn điểm rất quan trọng, thiết thực ông Võ Văn Kiệt nêu trong lá thư gửi Bộ Chính trị năm 1995 được những đồng chí của ông lúc đó lắng nghe, tiếp thu, áp dụng, chắc chắn Việt Nam giờ đã phát triển hơn.

Nhu cầu cấp bách cần ‘đổi mới 2″?

Nhiều người đã từng hy vọng rằng Đại hội 12 là cơ hội tốt để giới lãnh đạo Việt Nam thẳng thắn nhìn lại 30 năm ‘đổi mới’, nhìn thẳng vào hiện tình đất nước, đánh giá lại chính mình để mạnh dạn tiến hành một cuộc ‘đổi mới’ mới hay ‘đổi mới 2’ – một sự ‘đổi mới’có tính đột phá, tạo động lực mạnh như ‘đổi mới’ được khởi xướng tại Đại hội 6, năm 1986.

Xem ra, vì vấn đề nhân sự lấn át hay vì ĐCS không coi trọng, ngoài phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, một ‘đổi mới 2’ đã không được Đại hội này quan tâm.

Đây là điều đáng tiếc vì không chỉ bây giờ mà ngay vào thời điểm Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao, trên dưới 9% trong các năm 1995-1997, một số quan chức, giới nghiên cứu nước ngoài cũng đã khuyến cáo Việt Nam rằng nếu muốn tiếp tục phát triển và có thể bắt kịp các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải tiến hành ‘đổi mới 2’.

Chẳng hạn, khi thăm Việt Nam năm 1997, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Madeleine K. Albright đã kêu gọi Việt Nam tiến hành ‘đổi mới 2’. ‘Đổi mới 2’ mà bà Albright đề cập đến và nhấn mạnh khi gặp giới lãnh đạo Việt Nam lúc ấy là một đổi mới cả về kinh tế và chính trị vì theo bà không thể có cái này mà thiếu cái kia.

Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một sự đổi mới như vậy?

Nhưng nếu trong một hai năm tới, ông Nguyễn Phú Trọng giúp giới hạn hay loại trừ được nạn tham nhũng, lợi ích nhóm như ông ưu tiên và thường nhấn mạnh, thì dù không có những cải cách quan trọng về kinh tế và chính trị, ông cũng có một đóng góp rất lớn trong việc trong sạch hóa chế độ.

Và nếu làm được điều đó, ông sẽ tạo được một ‘dấu ấn’, ‘ấn tượng’ tốt cho mình, trước khi ông về hưu.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới