Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhà băng nào đang là chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai?

Nhà băng nào đang là chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã phải dùng toàn bộ 79,93 triệu cổ phiếu HAG đang nắm giữ làm tài sản đảm bảo cho 950 tỷ đồng trái phiếu bán cho BIDV.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN có văn bản gửi các NH thương mại có quan hệ tín dụng với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với 4 nội dung. Thứ nhất là yêu cầu báo cáo chi tiết tình hình cho vay, chất lượng tín dụng, tài sản đảm bảo của Tập đoàn HAGL và các công ty con đến thời điểm 31.12.2015. Thứ hai, đánh giá toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó đánh giá cụ thể các dự án đầu tư, đặc biệt là cao su (nếu có). Thứ ba là nêu các khó khăn trong quá trình cho vay, thu hồi nợ (nếu có) và cuối cùng là đề xuất các biện pháp cho vay, thu nợ.

Đại diện NHNN cũng khẳng định, việc này hoàn toàn là từ phía HAGL chủ động làm công văn gửi NHNN nêu những khó khăn trong việc thực hiện một số dự án kinh doanh và nghĩa vụ trả nợ vay đối với một số tổ chức tín dụng. Từ đó đề nghị NHNN xem xét, có chính sách hỗ trợ HAGL nói riêng và những ngành nghề nông nghiệp nói chung.

Bầu Đức dùng toàn bộ cổ phiếu làm tài sản đảm bảo tại BIDV

Được nêu cụ thể trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2015 đã soát xét của Hoàng Anh Gia Lai, các ngân hàng lớn đều đang tài trợ hàng nghìn tỷ đồng cho tập đoàn này.

Tính đến 30/06/2015, chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam với 1.505 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất tử 5-10,5%/năm, được đảm bảo bằng các dự án như khu thương mại Bàu Thạc Gián, Đà Nẵng, vườn hồ tiêu trên đất hay toàn bộ công trình  bệnh viện đại học Y Dược HAGL… Các khoản vay này sẽ được đáo hạn trong tháng 3/2016 và tháng 5/2016.

BIDV cũng tài trợ 2.574 tỷ đồng vốn vay dài hạn (tính đến hết tháng 6/2015) cho Hoàng Anh Gia Lai để tài trợ cho các dự án xây dựng và phát triển thủy điện, trồng cây cao su và mía, phát triển bò thịt, xây dựng căn hộ, trung tâm thương mại…

Để có được số vốn trên, Hoàng Anh Gia Lai đã dùng dự án trồng 10.000ha cao su và một phần dự án 7.950 ha cao su và 2.000 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu, Lào, dự án thủy điện Nậm Kông, dự án đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Hoàng Anh Gia Lia- Attapeu để làm tài sản thế chấp tại BIDV.

Ngoài ra, ngân hàng BIDV và BSC (Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam) cũng 3 lần là đơn vị phát hành  tổng số 2.800 tỷ đồng trái phiếu thường cho Hoàng Anh Gia Lai. Thậm chí, 79,93 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cũng được dùng để đảm bảo cho một trong số những đợt phát hành trái phiếu trên.

Thời gian qua, giá cố phiếu HAG đã liên tục xuống mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết vào tháng 12/2008 đến nay, chỉ riêng trong năm 2015, giá đã giảm 53%. Chốt phiên giao dịch ngày 22/01, giá cổ phiếu thậm chí đã giảm xuống chỉ cón 7.900 đồng/cổ phiếu. 

Giá cổ phiếu HAG giảm xuống mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết năm 2008 đến nay

Cũng liên quan tới BIDV, Tập đoàn cũng có khoản nợ vay 452 tỷ đồng ngắn hạn và 724 tỷ đồng vay dài hạn với ngân hàng Liên doanh Lào Việt (ngân hàng được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng).

Những tên tuổi lớn

Không chỉ vay BIDV, Hoàng Anh Gia Lai còn thực hiện vay dài hạn ngân hàng Eximbank – Sở giao dịch 1 có dư nợ tính đến ngày 30/06/2015 là 3.057 tỷ đồng, khoản vay được đảm bảo bởi tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai từ dự án “Trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar”.

Dự án “Trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar” dùng để đảm bảo khoản vay hơn 3.000 tỷ tại Eximbank

Bên cạnh đó, Sacombank và ACB, HDBank cũng góp mặt trong danh sách chủ nợ của Tập đoàn này với số vốn tín dụng tài trợ lần lượt là 1.200 tỷ đồng, 135 tỷ đồng, 120 tỷ đồng – tính đến thời điểm cuối tháng 6/2015.

Các khoản vay liên tục tăng từ đầu năm 2014, đến ngày 30/09/2015, tổng số tiền vay của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 22.450 tỷ đồng – không tính các khoản phải trả  khác.

Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2015 nhưng trên số liệu mới nhất về tình hình tài chính 9 tháng đầu năm 2015, CTCP Hoàng Anh Gia Lai đang phải gánh chịu khoản nợ vay lên tới 25.450 tỷ đồng – tăng 7.323 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Lãi vay ngân hàng và trái phiếu trong 3 quý đầu năm 2015 lên tới 750 tỷ đồng – tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, làm tăng chi phí tài chính mà HAGL phải trả lên đến 853 tỷ đồng.

Trước tình hình vay vốn khá lớn của Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định: “cân đối nợ với tài sản của HAGL không có vấn đề gì. Các khoản đầu tư, vay nợ đều có tài sản thế chấp. Hơn nữa, trong cơ cấu nợ hiện tại của HAGL thì nợ trung – dài hạn khá lớn và đều là nợ nhóm 1 (nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn), không phải là nợ xấu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới