Khi đưa đường hàng không song song vào khai thác, các tàu bay hoạt động trên trục Bắc-Nam sẽ có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn.
Tăng năng lực vùng trời, nâng cao độ an toàn
Phương án thiết lập thêm một đường bay tầng cao trục Bắc – Nam, tạo thành hai đường bay song song một chiều giữa Hà Nội – TP HCM và TP HCM – Hà Nội đã được Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2015.
Trao đổi với Đất Việt cụ thể hơn về phương án trên, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho rằng đã đến lúc phải nghiên cứu để tối ưu hóa, thiết lập, điều chỉnh các đường hàng không. Đây cũng là nhu cầu của các hãng hàng không với mong muốn được rút ngắn thời gian bay trên cùng một lộ trình, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu.
“Khi đưa đường hàng không song song vào khai thác, các tàu bay hoạt động trên trục Bắc-Nam sẽ bay theo các chiều, hướng ngược nhau được định sẵn các vệt bay có phân tách và độc lập với nhau, như vậy tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn.
Bên cạnh đó, nó sẽ tăng năng lực vùng trời, các chuyến bay sẽ hoạt động với hình thức hai đường bay 1 chiều, tăng năng lực bay trên đường hàng không, nâng cao độ an toàn”, ông Thanh nói.
Phân tích rõ ràng hơn về tính cần thiết của dự án, trả lời Đất Việt, ông Đỗ Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho hay: “Lưu lượng hoạt động bay đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) dự tính lưu lượng hoạt động bay trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ gia tăng gấp 03 lần so với hiện nay vào năm 2030.
Việt Nam nằm tại vị trí cửa ngõ giao thương của khu vực, là nơi có nhiều đường hàng không vào loại nhộn nhịp nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, tuyến bay trục chính Bắc-Nam của chúng ta được đánh giá là một trong các đường hàng không có lưu lượng hoạt động bay đông đúc nhất không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.
Mặc dù hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay luôn được quan tâm, đầu tư ở mức tiên tiến nhất khu vực song hệ thống mạng đường bay của chúng ta lại không có thay đổi nhiều so với giai đoạn mới được hình thành trước đây (từ thập niên 80 của thế kỷ trước).
Mạng đường bay của chúng ta chủ yếu được hình thành theo hướng phục vụ cho các tuyến bay giữa các Cảng Hàng không (từ sân bay đến sân bay) mà chưa được thiết kế theo hướng tối ưu hóa cho các chuyến bay trục Bắc-Nam – theo hướng mạng lưới đường hàng không “chính” và “nhánh” đã được triển khai tại nhiều quốc gia.
Căn cứ vào các số liệu thống kế những năm gần đây cho thấy mức độ tăng trưởng hoạt động bay trong vùng trời do Việt Nam quản lý luôn ở mức tăng trưởng rất cao, khoảng 8-10%/ năm.
Trong đó, hoạt động trên trục đường hàng không tuyến Bắc-Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn mạng đường bay, khoảng 70%. Thực tế đã bộc lộ các hạn chế của mạng đường bay hiện tại, không chỉ hạn chế hiệu quả khai thác bay mà còn gia tăng khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu và tổ lái, dẫn đến quá tải , tiềm tàng nguy cơ gây mất an toàn bay.
Đã đến lúc phải nghiên cứu để tối ưu hóa, thiết lập, điều chỉnh các đường bay bao gồm hệ thống, cấu trúc đường hàng không, các vệt bay và phương thức bay trong khu vực vùng trời các sân bay”.
Tiền đề để hình thành các tuyến đường bay thẳng
Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Việt, khi đưa đường hàng không song song theo tiêu chuẩn dẫn đường khu vực 5 (RNAV 5) vào khai thác, chúng ta có thể giải quyết được cơ bản các hạn chế hiện tại của cấu trúc đường hàng không Bắc – Nam, cho phép tàu bay tăng giảm độ cao liên tục mà không có xung đột về quỹ đạo bay như trước đây.
Đồng thời, cho phép sử dụng vùng trời linh hoạt hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn, nhờ đó làm tăng năng lực khai thác và khả năng tiếp thu tàu bay của từng vùng trời cụ thể, giảm thời gian bay trên cùng một lộ trình mà không cần phải vòng qua các đài dẫn đường dưới mặt đất.
“Về góc độ cải thiện năng lực tiếp thu và khai thác thì việc thiết lập cặp đường bay song song này không những làm tăng năng thông qua của vùng trời trên khu vực đường dài mà còn cả vùng trời trong khu vực các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác (tiếp nhận được nhiều tàu bay hơn tại mỗi thời điểm).
Bởi vì, đường hàng không song song là tiền đề để hình thành các tuyến đường bay thẳng, trực tiếp từ điểm khởi hành đến điểm đến.