“Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”
Tại kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại những phát ngôn ấn tượng của ông Trọng về công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng cộng sản.
Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó nói rõ:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…
Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ.
Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Không có vùng cấm trong chống tham nhũng
Ngày 5/5/2014, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Tổng bí thư, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã yêu cầu không có vùng cấm trong chống tham nhũng, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Người đứng đầu ĐCSVN cũng đánh giá công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít.
“Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, xử lý còn nương nhẹ. Còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho khởi tố bị can theo quy định pháp luật…
Tham nhũng vẫn đang là thách thức, là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.
Một khi đã xảy ra tham nhũng, phải nhất thiết xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm. Phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng của pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”
Đánh chuột không để vỡ bình
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) vào tháng 10/2104.
Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân về nạn tham nhũng, ông nói: “Chúng ta muốn làm thật nhanh nhưng trên thực tế lại phải trải qua biết bao nhiêu công đoạn, bao mối quan hệ trong một vụ án phức tạp, nếu không làm cẩn thận lại xảy ra oan sai.
Chúng ta kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài bằng nhiều biện pháp, làm sao đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình”.
“Đảng ta kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chống tốt là để phòng tốt. Tất cả các cấp không có vùng cấm với tinh thần kiên quyết làm, làm có hiệu quả… Việc chống tham nhũng chúng ta chưa làm được như mong muốn, nhiều cái muốn mà chưa làm được, nhưng phải bình tĩnh”.
Ngày 3/5/2014, trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Ông Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội):
“Cử tri nhấn mạnh phải coi trọng cả chống lãng phí, điều này rất đúng. Nhiều khi chúng ta vẫn nói lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Lãng phí về tiền bạc còn có thể đo đếm được, còn lãng phí về nguồn nhân lực, về tài nguyên, khoáng sản thì vô cùng lớn”.
“Trung ương đã chỉ đạo, có nghị quyết, Quốc hội cũng đã có luật, đang được cụ thể hóa nhằm tăng cường phòng, chống lãng phí.
Vừa rồi, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển biến, nhưng cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Có ý kiến cho rằng, phòng là chính, nhưng khi đã xảy ra rồi thì xử nghiêm cũng là biện pháp để phòng tốt nhất, xử nghiêm để răn đe, ngăn ngừa”.