Trong những ngày gần đây xuất hiện nhiều tiếng nói quốc tế phát biểu thiển cận về nền kinh tế Trung Quốc. Một số trong đó thậm chí còn nói rằng sự trì trệ của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Những lời này thật ngớ ngẩn” – báo South China Morning Post ngày 27-1 dẫn lời Thủ tướng Lý phản ứng.
Ông Lý còn lên tiếng bảo vệ rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này còn nằm trong vòng kiểm soát. “Những người cáo buộc Trung Quốc gây rối loạn trên thị trường quốc tế đang dự đoán quá mức về Trung Quốc” – ông Lý nhấn mạnh.
Trên thực tế, hiện Trung Quốc là nền kinh tế 10.000 tỉ USD và tỉ lệ tăng trưởng đã đạt mức đáng kể trong 10 năm qua.
Dù Thủ tướng Lý không nêu đích danh tỉ phú Soros là người đã đưa ra những cáo buộc nhắm vào Trung Quốc nhưng Hãng tin Tân Hoa xã đã hồ hởi làm thay.
Hãng này nói rằng tỉ phú người Mỹ gốc Hungary đã phớt lờ sự thật khi bình luận “gay gắt” về những triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng như chính sách tiền tệ của châu Á tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tuần qua.
Truyền thông Trung Quốc còn đổ lỗi rằng chính những phát biểu này của ông Soros đã “tác động” đến tình trạng bán đổ bán tháo cổ phiếu trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc trong mấy ngày vừa qua.
Bắc Kinh đang cố vực dậy lòng tin của nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Nhưng những vết rạn về niềm tin đang ngày một lớn khi dữ liệu kinh tế do cơ quan chức năng Trung Quốc công bố ngày càng thể hiện sự bất ổn.
Cụ thể, lợi nhuận ngành công nghiệp tháng 12-2015 đã giảm 4,7% so với cùng kỳ của năm 2014. Các chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc liên tục giảm từ đầu năm 2016 đến nay, dù ngân hàng trung ương đã bơm những khoản tài chính khổng lồ nhằm ổn định thị trường.
Theo Reuters, thống kê cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị “bốc hơi” khoảng 22%, tương đương 12.000 tỉ nhân dân tệ (1.800 tỉ USD), tính từ đầu năm 2016 đến nay.