Theo thông tin từ Tân Hoa xã, từ 26 đến 30-1-2016, Trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào tới Lào và Việt Nam với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.cử Đặc phái viên sang Lào và Việt Nam sau Đại hội Đảng
Thông tin này khiến nhiều người liên tưởng tới chuyện “Khâm sai đại thần” của các triều đại phong kiến Trung Quốc trước đây – mỗi khi tuần thú nơi nào đều được Hoàng đế trao “Thượng phương bảo kiếm” hoặc khẩu dụ, hay quyết định bằng văn bản để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Và Khâm sai đại thần có quyền tiền trảm hậu tấu, có đặc quyền làm những việc đã được Hoàng đế giao… Sở dĩ nói như vậy vì chuyến công du của ông Tống Đào diễn ra trong bối cảnh Lào và Việt Nam vừa kết thúc đại hội Đảng, theo đó ông Bounnhang Vorachith được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, còn ông Nguyễn Phú Trọng được tái cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 28-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài, góp phần vì hoà bình, hợp tác, phát triển và phồn vinh của châu Á và thế giới.
Trước đó (chiều 27-1), tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cũng cho biết, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng nỗ lực cùng Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt không ngừng thu được phát triển mới lớn hơn.
Trước chuyến thăm của ông Tống Đào, ông Tập Cận Bình từng tới Việt Nam 2 ngày (5 và 6-11-2015), nhưng trong bài phát biểu hôm 7-11-2015 tại Đại học Quốc gia Singapore, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc lại tuyên bố “các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại” và Bắc Kinh sẽ bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình!
Ngày 26-1, tại buổi gặp Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Bounnhang Vorachith, ông Tống Đào đã chuyển thư của ông Tập Cận Bình và cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Lào; đồng thời chúc mừng ông Bounnhang Volachith được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Mấy năm qua, Trung Quốc đã đổ khá nhiều tiền của, viện trợ vào nhiều dự án đầu tư hạ tầng và các loại học bổng cho Lào. Và Bắc Kinh không muốn Lào “lung lay” sau chuyến thăm Vientiane của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Bởi năm 2016, Lào là Chủ tịch luân phiên ASEAN nên sẽ có tiếng nói quan trọng trong những quyết sách của khối này, nhất là trong “vấn đề Biển Đông”. Do đó, Bắc Kinh muốn Vientiane học tập PhnomPenh – không ra tuyên bố chung về lĩnh vực nhạy cảm này! Vì dự kiến trong năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Hay sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines. Bắc Kinh không muốn bị “dồn vào chân tường” khi cả PCA và các hội nghị của ASEAN đều đưa ra những quyết định vạch trần mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Và Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam quay lưng lại với họ khi Hà Nội tìm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Washington. Tờ Thời báo Hoàn cầu từng viết, quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào diễn biến ở Biển Đông. Tờ Nhân dân Nhật báo cũng cho rằng, Washington đã sử dụng “lá bài Biển Đông”, và trong chiến lược “xoay trục” tới châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, việc ông Nguyễn Phú Trọng (72 tuổi) và ông Bounnhang Volachith (78 tuổi) được bầu làm Tổng Bí thư là “tín hiệu tốt” đối với Trung Quốc. Bởi họ đều được đánh giá là những người trung kiên, theo đường lối bảo thủ và không muốn “đụng chạm” tới Bắc Kinh. Đồng thời cho rằng, chuyến công du của ông Tống Đào giống như một sự nhắc nhở đối với Lào và Việt Nam – cần cân nhắc trước khi làm, không nên khiến Bắc Kinh phải “đau đầu mất ngủ”./.