Saturday, December 21, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Mao Trạch Đông tăng cường hợp tác với...

Nhật ký Diên An: Mao Trạch Đông tăng cường hợp tác với Nga và Mỹ (Kỳ 14)

Sự liên minh với Mao Trạch Đông đem lại khả năng cho người Mỹ thông qua các căn cứ của Đảng cộng sản Trung Quốc tiến lên các biên giới Viễn Đông của Liên Xô, để thực hiện cái “vòng đai an toàn chống chủ nghĩa bôn-sê-vích” khét tiếng kia.

Mao Trạch Đông khi ở Diên An

12 tháng Chạp

Thật vậy, ở đây cuộc sống đầy rẫy những cạm bẫy. Thường xuyên căng thẳng, có thể nói rằng đó là trạng thái tự nhiên của tôi. Những âm mưu lừa bịp hoặc xúc phạm tôi (nào là chuốc rượu để mọi thái độ thực sự của Mát-xcơ-va đối với các sự biến ở Diên An, nào là vô vàn những vấn đề thâm độc có vẻ rất là vô tội, dùng gái đẹp để quyến rũ, ép nhận những sựbịa đặt của họ, và cuối cùng là mua lòng tin cậy) – để thoát khỏi tôi thì ít, mà phần nhiều là để thay đổi lòng tin của tôi. Không, không phải là để trọng dụng mà lại là để biến thành “người của họ” theo nghĩa đầy đủ của từ đó. Thuyết phục và bắt buộc tôi phải tin vào tất cả những điều mà Mao bảo vệ, báo cáo về Mát-xcơ-va chính sách của Mao là không sai lầm và bảo vệ các lợi ích của Mao. Ở đây họ giết nhau về những chuyện đó. Chắc là họ đã tin rằng tôi nắm được cách suy nghĩ của họ. Chính vì thế, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thường “xưng tội với tôi”. Nhưng đó không phải là sự thổ lộ trên tình đồng chí – Mao Trạch Đông là một trong số những người cân nhắc từng câu nói, từng hành vi của mình.

Tôi được ông ta “tin cậy”. Đó là một mánh khóe tin cậy…

Tôi nhượng bộ Mao bao nhiêu thì tôi được tiếp đãi nồng hậu bấy nhiêu. Ông ta thường mời tôi. Và hoàn toàn không phải để thảo luận công việc. Ở đây, tôi bỏ “các lập trường nguyên tắc của mình” một cách vô điều kiện. Thật là ngu ngốc và vô nghĩa nếu lại không nhận lời mời…

Tôi rất khó ngủ. Mà ngủ không ngon giấc và không yên tâm. Nếu vứt bỏ được căng thẳng đó dù chỉ một ngày. Chà! Dù chỉ một ngày thôi!

Sự khiếp sợ đối với Đảng cộng sản tăng lên – người Mỹ từ chối không giao vũ khí cho Đảng cộng sản.

Điều đó gây ra cho Mao Trạch Đông những cơn phẫn nộ. Cho đến nay, công việc vẫn không đi xa hơn bản tuyên bố.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc mất sự thích thú đối với “Phái bộ quan sát Đồng minh”, ban lãnh đạo Đảng cộng sản nhận được của Trùng Khánh một bản dự thảo hiệp ước khác giữa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản. Đó là một bản phản đề nghị bản dự thảo do tướng Hớc-lây và Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ký kết ở Diên An. Trùng Khánh không muốn phân chia quyền lực nhưng lại tự nguyện nhượng lại nó. Bản dự thảo rõ ràng không đáp ứng các kế hoạch của Mao.

13 tháng Chạp

Mao Trạch Đông thúc đẩy khẩn cấp họp đại hội.

Sắp có những sự biến quan trọng nhất, cần phải có phương hướng do Đảng tổng kết chỉnh phong, bổ sung các cơ quan cao cấp của Đảng.

Sau khi đã nghiên cứu phần đề nghị của Tưởng Giới Thạch trong ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc phát sinh vấn đề: nói chung có nên tiến hành hiệp thương dựa vào bản đó không? Sau những cuộc tranh luận sôi nổi, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ra lệnh, nhất quyết không hưởng ứng bản dự thảo hiệp ước giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.

Mao quyết định gọi các đại diện của Đảng ở bên cạnh Quốc dân đảng rời Trùng Khánh trở về, coi đó là một biện pháp trả đũa làm cho người đứng đầu Chính phủ trung ương rơi vào tình trạng khó xử (vì người Mỹ gây sức ép với ông ta theo lệnh của Ru-dơ-ven).

Đổng Tất Vũ và Chu không trở lại Trùng Khánh, đó cũng là chỉ thị dứt khoát của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đó là thủ đoạn khéo léo. Song tôi đã quen với những cái quanh co của nền ngoại giao Diên An rồi.

Độ một tháng trước, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã viết cho Tổng thống Mỹ về lòng mong muốn bất di bất dịch của ông ta muốn ký hiệp ước với tổng thống Chính phủ trung ương Tưởng Giới Thạch. Theo lời nói của Mao Trạch Đông thì hiệp ước đó sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân Trung Hoa.

Việc rút Đổng Tất Vũ và Chu khỏi Trùng Khánh sẽ được giải thích là do sự cần thiết phải có bản báo cáo thường kỳ cho sự lãnh đạo của ông ta.

14 tháng Chạp

Quân ta đang chiến đấu ở Hungary, bao vây Bu-đa-pét. Tại những nơi khác của mặt trận: các cuộc trinh sát đang được tiến hành và có những trận chiến đấu có một tầm quan trọng địa phương.

Châu Âu đang biến động: ở Ý, thành lập Chính phủ Bô-nô-mi; ở Nam Tư đang đánh nhau; những cuộc hành quân càn quét của người Anh chống du kích Hy Lạp; ở Ba Lan cải cách ruộng đất và có những hành động khủng bố nhằm vào chính quyền Ba Lan mới…

15 tháng Chạp

Sự khác nhau về tâm trạng giữa ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc với các cán bộ bình thường không thể không đập vào mắt người ta. Tôi nhận thấy rằng các cán bộ đảng bình thường vẫn hay có thái độ tiêu cực trước những cố gắng của ban lãnh đạo Đặc khu muốn giải quyết vấn đề dân tộc dựa vào sự giúp đỡ của người Mỹ. Với một thái độ nghi ngại, những đảng viên cộng sản ấy tiếp nhận những thiện cảm về chính trị của một cường quốc tư bản mạnh nhất.

Thường người ta được nghe những ý kiến sau đây: “Người ta không hề quan tâm đến việc giải quyết đúng đắn vấn đề Trung Hoa. Đối với người cộng sản, họ vẫn là kẻ thù, tuy tạm thời họ là đồng minh. Những ông bạn đồng minh này lừa dối người Nga, họ mở mặt trận thứ hai vào lúc chiến tranh kết thúc và khi mà Hồng quân một mình đã đánh tan nước Đức…”.

16 tháng Chạp

Mao Trạch Đông tuyên bố về vấn đề nông dân như sau: ở nông thôn dựa vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông.

Mao một lần nữa lại chê trách ban lãnh đạo Đảng cộng sản từ năm 1931 đến năm 1934 đã đưa ra một đường lối tả khuynh trong nông thôn. Đó là chê trách Bác Cổ, Lạc Phủ và những người khác nữa.

Một cử chỉ tiêu biểu của Mao là: nheo mắt, lau trán bằng những đầu ngón tay…

17 tháng Chạp

Mát-xcơ-va chúc mừng tôi và tặng huân chương “Phòng thủ Mát-xcơ-va”.

Dù Mao có làm gì đi nữa, thì toàn bộ đường lối chính sách của Mao vẫn tính toán đến sự giúp đỡ của Liên Xô. Trong mọi tình thế phức tạp, chính sách đó đều đã tính đến sự ủng hộ bất di bất dịch của Liên Xô. Việc giải quyết bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào đều đòi hỏi phải có sự can thiệp quyết định của Liên Xô đối với Diên An.

Đối với người Mỹ, Mao sở dĩ là nhân vật được chuộng chủ yếu là do Bát lộ quân và Tân Tứ quân. Nhưng sau lưng Mao có Liên Xô. Và hoàn cảnh đó làm cho vấn đề trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Đồng minh. Ở Mỹ, người ta muốn (và không hoàn toàn từ bỏ, vì “Phái bộ quan sát Đồng minh” không có ý định thu hẹp lại) làm suy yếu các vị trí của Mát-xcơ-va bằng cách đem Mát-xcơ-va đối lập với sự liên minh của họ với Trung Quốc.

Sự liên minh với Mao Trạch Đông đem lại khả năng cho người Mỹ thông qua các căn cứ của Đảng cộng sản Trung Quốc tiến lên các biên giới Viễn Đông của Liên Xô, để thực hiện cái “vòng đai an toàn chống chủ nghĩa bôn-sê-vích” khét tiếng kia.

Cuối cùng thì ở Nhà Trắng người ta đã quyết định rằng nguy hiểm sẽ quá lớn, và không dám bó mình vào việc liên minh với Trung Quốc nữa.

Do đâu tôi tin như vậy? Ngày 16 tháng Chạp, người đứng đầu “Phái bộ quan sát đồng minh” đề nghị gặp Diệp Kiếm Anh và Chu Đức. Ba-rét tuyên bố rằng đáng tiếc là Bộ tư lệnh các lực lượng đồng minh ở Trung Quốc không có khả năng trang bị vũ khí cho Bát lộ quân và Tân Tứ quân.

Ba-rét nhấn mạnh rằng đó là kết quả trực tiếp của việc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc không nhân nhượng, vì họ bác bỏ dự thảo hiệp ước do người đứng đầu Chính phủ trung ương đưa ra. Ba-rét nói: “Trong những điều kiện đó, chúng tôi không thể trao vũ khí”.

Mao Trạch Đông có nhượng bộ, nhưng không phải về vấn đề chính quyền. Đối với ông ta, đó là một đòn đả kích. Dù cho là chút ít không đáng kể nhưng ông ta định giành lấy của Đồng minh.

Khi chia tay với Chu Đức và Diệp Kiếm Anh, Ba-rét nói rằng chắc chắn sẽ đến lúc viện trợ trở thành hiện thực, cần phải kiên trì.

Như thế là Nhà Trắng định tìm kiếm lãi từ những khoản đầu tư có đảm bảo. Tưởng Giới Thạch có thể vui lòng…

18 tháng Chạp

Mỹ và Anh muốn rút quân về vùng Ác Đen. Các tập đoàn quân thiết giáp của Đức đánh vào A-a-khen-Lúc-xem-buốc và phá vỡ mặt trận.

Quân đoàn không quân số 10 của Mỹ dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng D.Xơ-rai-mây-ơ lập căn cứ ở Ấn Độ. Một bộ phận lực lượng của quân đoàn này tham gia vào các chiến dịch chống quân Nhật ở Trung Quốc.

Quân đoàn không quân số 14 của thiếu tướng Sê-nô đặt căn cứ toàn bộ ở Trung Quốc.

Clây-ơ Li Sê-nô đã là người chỉ huy các tình nguyên quân hoa tiêu Mỹ sang Trung Quốc từ trước khi có những hoạt động quân sự ở Nhật Bản.

Đa-vít lại đến Diên An.

Đồng minh mở những tối liên hoan đủ loại khác nhau, tiệc tùng linh đình, có mời các đồng chí Trung Quốc.

Có một anh chàng Be-đơ nào đó đến cùng với Đa-vít. Căn cứ vào quân hàm thì là một thiếu tá quân đội Mỹ. Be-đơ là đại biểu của OSS (tổ chức tình báo Mỹ – Ban biên tập).

Tất cả các cuộc đi thăm đó, các nhân vật mới trong “Phái bộ quan sát Đồng minh” đã làm cho người ta tin rằng ván bài còn chưa kết thúc. Còn bây giờ thì người Mỹ đang chờ, đang tính toán.

Công việc tình báo chính trị và quân sự về Đặc khu, về các lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Trung Quốc và về ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt.

Không có một ai có thể xác định trước được sự phát triển của các sự biến ở Viễn Đông. Trong tình hình như vậy, việc duy trì những mối liên hệ không phải là thừa đối với cả hai bên…

Be-đơ cũng tham gia những cuộc gặp gỡ của Ba-rét với những người lãnh đạo Diên An.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc gửi qua tôi một bức điện khẩn tới Mát-xcơ-va. Ông ta làm tôi nhớ đến một con bạc, đang chơi trò bắt cá hai tay.

Trong bức điện, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố hiện nay Đảng cộng sản đang giữ vai trò quyết định số phận nước Trung Hoa. Đảng là lực lượng chính trong việc cứu vớt đất nước và thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chống đế quốc Nhật là phụ thuộc vào Đảng. Đó là do kết quả của những chuyển biến làm rung chuyển Trung Quốc trong vòng 8 tháng gần đây.

Diễn biến của sự kiện đang xác nhận mức độ phân bố lại ảnh hưởng giữa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản đối với đời sống chính trị trong nước. Ảnh hưởng của Đảng cộng sản sắp vượt ảnh hưởng của Quốc dân đảng. Trước đây tình hình có khác. Dù sao thì hiện nay ảnh hưởng đó đang trong giai đoạn phát triển, nhưng hoàn toàn không có lợi cho Quốc dân đảng.

Sau đó, Mao Trạch Đông lại tiếp tục với cái trò ảo thuật những con số. Mao cho biết, số lượng bộ đội chính quy đã đạt 650 nghìn chiến sĩ. Ông ta còn vạch rõ rằng, năm tới có đầy đủ điều kiện để đẩy số lượng đó lên tới một triệu người.

Việc định hướng trở lại về phía Mát-xcơ-va đã trở thành một sự thật.

Trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, người ta lại nói đến vai trò của Liên Xô trong việc bảo vệ các lợi ích của Đảng cộng sản Trung Quốc, và “tinh thần cộng đồng của các đảng anh em”…

Mao Trạch Đông có đường dây liên lạc riêng với Mát-xcơ-va (một đài phát thanh có mật mã riêng) nhưng ông ta vẫn khăng khăng đòi gửi các bức điện của ông ta qua tôi.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới