Bên lề Đại hội XII, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã hé lộ về khả năng Tập đoàn này sẽ chế tạo tên lửa phòng không hiện đại.
Tập đoàn Viettel giới thiệu hệ thống sản phẩm theo mô hình C4ISR với lãnh đạo BQP. Ảnh: QĐND.
Nói đến Viettel, người ta thường nghĩ ngay đến lĩnh vực viễn thông – một trong những thế mạnh hàng đầu của Tập đoàn này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong vài năm qua, Viettel đã có những bước đi nhanh nhưng vững chắc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Cụ thể, dưới sự lèo lái tài tình của Trung tướng Hoàng Anh Xuân (nguyên TGĐ) và nay là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã có những đột phá lớn, nghiên cứu, sản xuất nhiều thiết bị thông tin, radar trinh sát hiện đại.
VRS-M2D là đài radar cảnh giới tầm trung sóng mét 2 tọa độ (2D), dùng để phát hiện các mục tiêu trên không trong vùng phủ sóng của đài và cung cấp thông tin cho các tổ hợp tên lửa phòng không. Ảnh: Bình Nguyên.
Các sản phẩm này đã và đang được trang bị với số lượng lớn cho Quân đội ta. Qua sử dụng, những người lính trực tiếp vận hành đã đánh giá rất cao chất lượng, tính năng và độ tin cậy của các thiết bị, khí tài do Viettel sản xuất.
Điều kiện cần
Quân chủng Phòng không – Không quân được xác định tiến thẳng lên hiện đại, đã, đang và sẽ tiếp nhận nhiều loại tên lửa phòng không thế hệ mới hết sức tiên tiến.
Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn hẹp, không thể ngay một lúc có thể mua sắm một lượng lớn vũ khí mới để thay thế cho các tổ hợp tên lửa đã lạc hậu, vì vậy tự chủ nghiên cứu và sản xuất tên lửa phòng không là một trong những yêu cầu bức thiết.
Đúng vậy, trong chiến tranh hiện đại chỉ có tự chủ sản xuất được vũ khí trang bị, hoặc chí ít cũng phải tự đảm bảo kỹ thuật cho các loại vũ khí có trong biên chế thì mới đảm bảo cho chiến đấu lâu dài, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch.
Nếu phải nhập khẩu 100% vũ khí từ nước ngoài thì chắc chắn giá thành sẽ rất đắt và đối mặt với những rủi ro ngoài tầm kiểm soát và phải phụ thuộc vào đối tác cung cấp trong suốt vòng đời của vũ khí.
Đó là chưa kể khi hỏng hóc hay nâng cấp, cải tiến sẽ mất khá nhiều thời gian và chiếm một nguồn kinh phí không nhỏ.
Do vậy, Viettel cùng các lực lượng khác tham gia chế tạo tên lửa phòng không hiện đại là bước đi hoàn toàn hợp lý.
VRS-2DM là đài radar 2D cảnh giới bắt thấp, cơ động cao dùng để cảnh giới vùng trời quốc gia và cung cấp thông tin cho các tổ hợp tên lửa phòng không. Ảnh: Bình Nguyên.
Điều kiện đủ
Chỉ trong vài năm gần đây, với sự đầu tư bài bản Viettel đã cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng hết sức hiện đại, góp phần hiện đại hóa quân đội, nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị. Đồng thời, giúp tiết kiệm một lượng lớn ngân sách nếu phải nhập khẩu.
Thứ nhất, có nguồn nhân lực chất lượng cao, đầy đam mê, nhiệt huyết và tính chiến đấu cao. Tập đoàn Viettel nói chung và các đơn vị Nghiên cứu & Phát triển Viettel nói riêng đã nhanh chóng xây dựng được một đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết.
Có chứng kiến sự gian khổ của những cán bộ nghiên cứu của Viettel khi thử nghiệm các đài radar thế hệ mới ở những vùng núi non hiểm trở, trong cái rét cắt da cắt thịt mới thấy được lòng nhiệt huyết và sự đam mê tuyệt vời.
Họ – những người lính thời bình, đã thực sự chiến đấu không ngừng nghỉ và dồn hết tình yêu vào các sản phẩm do mình nghiên cứu.
Họ – đáp ứng hoàn hảo những yếu tố Tâm – Chí – Tài (Tấm lòng – Ý chí – Tài năng) mà “người Viettel” cần phải có.
Thứ hai, có nguồn lực về tài chính, công nghệ. Định hướng của Viettel là duy trì mức tăng trưởng cao liên tục đến năm 2020 để có thể đạt tới doanh thu gấp đôi hiện nay, khoảng trên 400.000 tỷ đồng và có thể chi tới 400 triệu USD cho nghiên cứu – phát triển công nghệ.
Trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Viettel.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ cho Viettel; cho phép tập đoàn tiếp tục thực hiện cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý xem xét cấp khoảng 100 ha đất trong khu công nghệ cao Hòa Lạc để Viettel có mặt bằng xây dựng và triển khai các cơ sở nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Với nền tảng con người, công nghệ, cơ sở vật chất sẵn có và đang ngày càng mạnh hơn, chắc chắn trong tương lai Viettel sẽ chuyển đổi thành công từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sang mô hình doanh nghiệp nghiên cứu – sản xuất.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Phải nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, phải xuất sắc, luôn khác biệt, và không chấp nhận sự trung bình”.
Các sản phẩm tương lai của Viettel.
Viettel sẽ chế tạo tên lửa phòng không phóng thẳng đứng?
Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Viettel đã giới thiệu chuỗi sản phẩm theo mô hình C4ISR hiện đại, đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong tương lai.
Đây là từ viết tắt Anh được sử dụng để ký hiệu cho nhóm các chức năng quân sự gồm có: hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, điện toán, tình báo, giám sát và trinh sát. nhằm tạo sự tương tác trong tác chiến của các đơn vị quân sự.
Trong đó, ta thấy mô hình một loại tên lửa phòng không rất hiện đại. Đây có lẽ là sản phẩm mà tới đây Viettel sẽ nghiên cứu và sớm cung cấp cho bộ đội phòng không.
Hiện chưa rõ tính năng của loại tên lửa này, nhưng phóng thẳng đứng là một trong những giải pháp tiên tiến và được tích hợp với hệ thống C4ISR, đảm bảo cảnh báo sớm, chuyển cấp kịp thời, nâng cao hiệu suất chiến đấu diệt mục tiêu.
Xin chúc mừng Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm UVTW Đảng Khóa 12 và chúc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel sớm hoàn thành ước mơ này, góp phần hiện đại hóa Quân đội, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và đất liền thiêng liêng của Tổ quốc.