Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6/1 tuyên bố thành lập “4 ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” (thành phố Trung Quốc thành lập trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 2012).
Mạng Tin tức Trung Quốc cho biết các ban vũ trang này đặt tại cụm đảo Phú Lâm, Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Chính quyền Hải Nam cho rằng việc thành lập các ban này nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về việc “hoàn thiện thể chế chính quyền cơ sở ở Tam Sa”, bất chấp đó là hành vi vi phạm chủ quyền của nước khác.
Theo truyền thông Trung Quốc, các ban vũ trang là một bộ phận quan trọng của chính quyền cơ sở và Bộ quốc phòng Trung Quốc. Việc thành lập lực lượng này nhằm mục đích tăng cường xây dựng hậu cần quốc phòng và tổ chức cơ sở động viên ứng phó khi có chiến tranh. Khi cần, lực lượng dân quân vũ trang này cũng có thể được huy động tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong khu vực.
Báo Đài Loan Want China Times ngày 11/01/2015, trích dẫn Báo Kinh tế Hồng Kông cho biết ngay sau lễ khai trương ban chỉ huy dân quân, một cuộc tập trận được tiến hành và kéo dài trong 7 ngày với sự tham gia của lực lượng tuần duyên, dân quân vũ trang địa phương và lực lượng ngư chính.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc đã có ba đơn vị đồn trú trong khu vực dưới sự quản lý của chính quyền Tam Sa.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 08/01, chính phủ Việt Nam đã phản đối quyết định nói trên của Trung Quốc và coi hành động này của Bắc Kinh là vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các nước Đông Nam Á –ASEAN.
Trong thời gian qua, Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông để củng cố các đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ. Ngoài việc xây dựng một đường băng và cảng, Trung Quốc đã hoàn tất một cơ sở kiên cố ở Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử đảo). Các đảo này có thể được cải tạo, xây dựng thành những căn cứ quân sự mà Trung Quốc sẽ sử dụng trong các tình huống chiến tranh..
Trong khi đó, theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 5/1, Tam Sa 1, con tàu tiếp tế dân sự lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc đã bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên từ thành phố Văn Xương thuộc đảo Hải Nam (cực nam Trung Quốc) đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc ngang ngược thiết lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Được cho là tàu tiếp tế lớn nhất và tiên tiến nhất Trung Quốc, Tam Sa 1 dài 122 mét, rộng 21 mét, lượng dãn nước 7800 tấn, có sức chứa 456 người và 20 xe container tiêu chuẩn, chạy liên tục 6000 hải lý không cần tiếp nhiên liệu, tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ. Nó có một bãi đỗ trực thăng để thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ.
Hiện có khoảng 1000 người Trung Quốc cư trú trên đảo Phú Lâm, đại đa số là lính Trung Quốc được điều ra đồn trú trái phép. Mọi nhu cầu của lực lượng này đều được cung cấp từ đảo Hải Nam bằng đường hàng hải.