Bà Aung San Suu Kyi dự họp với tư cách nghị sĩ Quốc hội đã không đưa ra bất cứ phát biểu hay bình luận nào với báo chí.
Bloomberg ngày 1/2 đưa tin, Quốc hội Myanmar khóa mới đã bắt đầu phiên họp đầu tiên ngày hôm nay với đại đa số thành viên từ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, mang theo những niềm hy vọng lướn của cả dân tộc.
Yahoo News cho biết, các đại biểu NLD mặc đồng phục màu cam để tham dự phiên họp đầu tiên tại tòa nhà Quốc hội ở Naypyidaw. Bà Aung San Suu Kyi dự họp với tư cách nghị sĩ Quốc hội đã không đưa ra bất cứ phát biểu hay bình luận nào với báo chí.
Việc đầu tiên của NLD khi tiếp quản quyền lực là bầu ra một Chủ tịch mới cho Hạ viện, Win Myint, một thành viên lãnh đạo NLD được giao trọng trách này. T Khun Myat, một thành viên đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) của Tổng thống Thein Sein làm Phó Chủ tịch Hạ viện. Cả hai nhân vật này đều do NDL đề cử.
“Hôm nay là một ngày đáng nhớ trong quá trình chuyển đổi dân chủ tại Myanmar. Các nghị sĩ cần hiểu nhau, hợp tác với nhau và làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân”, tân Chủ tịch Hạ viện Myanmar phát biểu, theo Bloomberg.
Từ nay đến hết tháng 3 là khoảng thời gian còn lại để NLD tìm ra ứng viên cho ghế Tổng thống, bởi theo Hiến pháp hiện hành, bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch NLD không thể làm Tổng thống vì có con mang quốc tịch nước ngoài.
Hiện có 2 ứng viên sáng giá có thể lọt vào mắt bà Aung San Suu Kyi cho vị trí Tổng thống, đó là ông Tin Oo, đồng sáng lập NLD và Tin Myo Win – bác sĩ riêng của bà Aung San Suu Kyi, người thường xuyên bên cạnh bà trong các cuộc làm việc với lãnh đạo quân đội gần đây.
Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp Hội đồng Đối ngoại Washington phụ trách khu vực Đông Nam Á nói: “Tôi không nghĩ rằng mọi thứ đã được quyết định chắc chắn. Có lẽ là vì cả hai yêu tố, thứ nhất NLD thiếu kinh nghiệm quản trị quốc gia, thứ hai là NLD phải làm việc với các nhà lãnh đạo quân sự và các nhân vật quan trọng khác để chọn ra ứng viên Tổng thống các bên chấp nhận được”.
Theo The Guardian ngày 1/2, Nội các mới của bà Aung San Suu Kyi sẽ vẫn phải dành ít nhất 3 vị trí quan trọng cho quân đội, bao gồm các bộ Quốc phòng, Nhà đất và Biên giới lãnh thổ.
Roland Kobia, Đại sứ EU tại Myanmar bình luận: “Myanmar đang từng bước khẳng định khát vọng của mình cho một sự thay đổi dân chủ thực sự, cho một xu hướng chính trị thực sự mới. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng những tiến bộ có ý nghĩa có thể xảy ra thông qua những cam kết của người dân Myanmar cũng như ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo.”