Trung Quốc ngày 1/2/2016 lại lên tiếng cáo buộc Mỹ đang tìm cách thống trị trên biển dưới tên gọi tự do hàng hải, sau khi khu trục hạm Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) cuối tuần trước.
“Cái gọi là kế hoạch và hành động vì tự do hàng hải mà Mỹ duy trì trong nhiều năm không phù hợp với luật pháp được quốc tế công nhận”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 1/2.
Theo ông này, việc Mỹ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “đã phớt lờ” quyền hàng hải, an ninh và chủ quyền của nhiều quốc gia ven biển, “làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực”.
“Bản chất của nó là đẩy mạnh quyền bá chủ trên biển của Mỹ dưới tên gọi tự do hàng hải, điều mà hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế kiên quyết phản đối, đặc biệt là các nước đang phát triển. Những gì Mỹ đã làm là nguy hiểm và vô trách nhiệm”, ông Lục chỉ trích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc việc Washington “chơi lá bài tự do hàng hải” và tạo căng thẳng” là một trong những lý do dẫn tới hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Ngày 30/1, Hải quân Mỹ đưa khu trục hạm USS Curtis (DDG 54) tiến vào và di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1974).
Jeff Davies, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu của chuyến tuần tra là “thách thức các nỗ lực hạn chế tự do hàng hải trong khu vực”, đồng thời khẳng định không có tàu chiến của quân đội Trung Quốc trong khu vực khi tàu khu trục của Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra..
Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải trong phạm vi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên Washington trực tiếp thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở khu vực này.
Xung quanh vụ việc này, nhiều nước trong và ngoài đã lên tiếng bày tỏ quan điểm tôn trọng quyền tự do hàng hải, cũng như “đi qua vô hại” trong lãnh hải.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, ngày 1/2/2016 đã khẳng định Tokyo ủng hộ Washington điều chiến hạm di chuyển qua khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và cho rằng quốc tế cần hợp tác để bảo vệ những vùng biển mở.
Trước đó, Australia cũng đã tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cũng khẳng định Canberra sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế và Biển Đông cũng không phải là khu vực ngoại lệ.
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 31/1/2016 đã tuyên bố tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17).
Chỉ có Trung Quốc là có tỏ thái độ hằn học ra mặt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 30/1 đã lớn tiếng quy kết tàu chiến Mỹ đã vi phạm các quy định của pháp luật Trung Quốc, tự ý tiến vào lãnh hải Trung Quốc, đồng thời đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp giám sát, phản đối bằng loa phát thanh… theo quy định.
Còn Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 31/1thì ngang ngược cho hay một đơn vị đồn trú của quân đội nước này ở Biển Đông đã phát cảnh báo và xua đuổi chiến hạm của Hải quân Mỹ khi nó tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn.
Trước đó, Bắc Kinh cũng từng rất giận dữ trước việc hồi tháng 10 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát bãi Đá Su Bi – một trong những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa phi pháp tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng phản ứng rất gay gắt đồng thời kêu gọi chính phủ Bắc Kinh phải mạnh tay đối phó với Washington hơn nữa, sau sự kiện tàu chiến Mỹ áp sát đảo Tri Tôn.
Trong bài xã luận đăng tải ngày 1/2, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngang nhiên viết rằng động thái mới nhất của Mỹ cho thấy cách Washington đang “liên tục cản trở” Trung Quốc. Tờ báo còn nói quân đội nước này đã thực hiện một số cách để ngăn Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tương tự. “Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn cho lực lượng vũ trang để có được sự bình đẳng với Hoa Kỳ”, tờ này kêu gọi.
Trong khi đó, Tân Hoa xã cáo buộc Washington “đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và thách thức luật lệ quốc tế” bằng cách điều tàu hải quân tới đảo nhân tạo mà “không được Trung Quốc cho phép”.