Nhà điều hành chính sách đã có những nước đi đầu tiên, và vẫn còn những nước cờ đã trù tính…
Tháng 8/2015, đồng Nhân dân tệ trở thành kẻ phá bĩnh đối với con đường tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đang đi. Liên tiếp có những đối sách, nhưng thị trường vẫn căng thẳng.
Một tháng sau, hiện tượng găm giữ ngoại tệ trong dân cư và doanh nghiệp thực sự trở nên ngột ngạt. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phải can thiệp bằng kỹ thuật, chứ không chỉ là thông tin, rồi nước cuối là tung ngoại tệ ra bán.
Linh hồn của cơ chế mới
Luôn tự tin trước các biến động của tỷ giá, khi đó, trò chuyện bên lề với VnEconomy, chuyên gia Trương Văn Phước nói: “Cũng không quá khó để hóa giải tình trạng găm giữ này. Hãy chơi kỹ thuật kỳ hạn đi”.
Ông Phước đưa ra tính toán: nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra “chơi” kỳ hạn, định hướng một vùng mục tiêu sao cho giới kinh doanh nhận thấy nắm VND vẫn lợi hơn thì ngoại tệ khắc chuyển đổi.
Từng ví von làm chính sách như đánh cờ, thị trường đi một nước, nhà làm chính sách cần đi trước một nước, ông Phước xác định giao dịch kỳ hạn là nước đi chủ động.
Dân kinh doanh vốn của các ngân hàng thương mại rất nhạy. Nước đi tỷ giá kỳ hạn Ngân hàng Nhà nước ngắm đến cuối quý 1/2016 cao hơn 1% so với 31/12/2015.
Tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Bính Thân, lãi suất VND vọt lên mức cao nhất 3 năm qua, các kỳ hạn ngắn lên tới 5,8-6%/năm. Ngược chiều, giá USD liên tục rơi sâu và nhanh trên thị trường liên ngân hàng; mức giảm so với cuối 2015 lên tới khoảng 1,4-1,5%.
Đà giảm của tỷ giá chững lại khi Ngân hàng Nhà nước chặn giá mua vào 22.300 VND ngày 1/2/2016.
Chỉ vẻn vẹn có mấy ngày trước kỳ nghỉ Tết, một lượng lớn ngoại tệ chảy ra và được Ngân hàng Nhà nước mua vào để bù đắp lại dự trữ ngoại hối sau nửa năm bị bào mòn đáng kể.
400 triệu, rồi 1 tỷ USD, rồi nhiều hơn thế nữa… là lượng ngoại tệ mua được trong ít ngày đó.
Nhìn lại, những năm gần đây, trước và sau Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND thường rơi mạnh và là dịp Ngân hàng Nhà nước giăng lưới mua vào. Nhưng năm nay, có khác biệt là cơ chế tỷ giá mới đã vận hành.
Cơ chế đó, linh hồn không hẳn là tỷ giá trung tâm. Thị trường có thể nhìn vào nó, nhưng kỳ vọng không hẳn đặt ở đó, vì nó chỉ phát đi thay đổi hàng ngày. Kỳ vọng thường đòi hỏi cái nhìn xa hơn.
Vậy nên, linh hồn của cơ chế tỷ giá có lẽ nằm ở cơ chế giao dịch kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước đã làm. Nó xác định một mốc kỳ vọng cho ba tháng tới tỷ giá được bán/chặn ở mức đó, “tay to” là Ngân hàng Nhà nước bán. Kỳ vọng, niềm tin của thị trường theo đó là có cơ sở.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói rằng, cơ chế giao dịch kỳ hạn là một biện pháp dùng cung ngoại tệ tương lai để bình ổn cho hiện tại.
Điểm sáng tạo là, nguồn cung đó không nhất thiết phải bán ra một cách đầy đủ. Nó là cam kết để thị trường tin và tự dưỡng được. Bởi khác biệt so với các giao dịch kỳ hạn thông thường là cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại được hủy ngang với chi phí không đáng kể, thay vì phải giao dịch đối ứng.
Khi thị trường tự dưỡng được, Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải bán ra ngoại tệ khi đến hạn. Thực tế trước kỳ nghỉ Tết, một loạt ngân hàng thương mại đã hủy ngang hợp đồng mua kỳ hạn.
Kỹ thuật thay hành chính
Từ sự kiện kẻ phá bĩnh Nhân dân tệ tháng 8/2015, dồn dập các chính sách tỷ giá được thiết kế và áp dụng nhanh ngay sau đó. Trong 5 năm qua, chỉ hơn ba tháng gần đây là giai đoạn chính sách tỷ giá tiến hành nhiều nước đi kỹ thuật nhất, đồng bộ nhất.
Sự kiện tháng 10/2015 được ghi nhớ khi Thông tư 15 ra đời, bắt buộc các nhu cầu ngoại tệ từ sau 3 ngày làm việc đều phải mua kỳ hạn, thay vì gom sẵn và găm giữ như trước đây.
Nối tiếp, như trên, ngày 31/12/2015, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đứng ra “chơi” kỳ hạn, như một cách có thể xem là tạo nên linh hồn của cơ chế mới, vì nó gắn được với (dẫn dắt được) niềm tin và kỳ vọng trên thị trường.
Và đến 4/1/2016, cơ chế tỷ giá trung tâm bắt đầu vận hành cho đến nay.
Dĩ nhiên, trước đó còn là quyết định cuối cùng khi hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm, chính thức chuyển đổi quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang mua – bán sau cả chục năm chuẩn bị.
Những nước cờ tính toán với tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đi chưa dừng lại đó. Lãi suất âm đối với tiền gửi ngoại tệ vẫn còn bảo lưu. Nước đi đối lại với việc găm giữ ngoại tệ trong hệ thống cũng đã được tính đến.
Khi trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Quốc Dũng nói rằng, quan điểm mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh ở cơ chế mới là thị trường hơn, nên khi nhìn lại các biện pháp vừa qua đều mang tính kỹ thuật thay vì biện pháp hành chính.
Nước đi đối lại với việc găm giữ ngoại tệ trong hệ thống cũng theo tinh thần đó, chứ không phải là “đe xử phạt” như một số thông tin đề cập thời gian qua.
“Nắm giữ ngoại tệ hay găm giữ là quyền của các ngân hàng thương mại, có các khuôn khổ pháp lý quy định. Nên nếu nói Ngân hàng Nhà nước sẽ xử phạt, buộc họ phải bán ra là không đúng. Giải pháp ở đây mang tính thị trường hơn”, ông Dũng nói.
Từ tháng 3/2009 đến nay, một quãng thời gian rất dài để thị trường có thể thay đổi, nhưng công cụ dự trữ bắt buộc VND vẫn nằm yên. Tới đây, nếu nước cờ mới Ngân hàng Nhà nước đi và dùng đến, nó có thể trở nên linh hoạt và phát huy giá trị hơn là một giới hạn cứng.
Đó là tình huống, nếu một ngân hàng thương mại nào đó muốn găm giữ ngoại tệ, được găm thoải mái trong giới hạn trạng thái cho phép, nhưng chi phí găm giữ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Vì dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp cơ chế tỷ lệ dự trữ bắt buộc VND tương ứng; ngân hàng giữ càng nhiều ngoại tệ, giữ càng lâu thì tổng lượng bị tính dồn càng lớn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc càng cao.
Trong các con sóng biến động tỷ giá thời gian qua, không loại trừ yếu tố cộng hưởng từ việc găm giữ ngoại tệ ngay trong lòng hệ thống ngân hàng. Việc xử lý những điểm cộng hưởng này bằng nước đi mở mà chặt nói trên đang được Ngân hàng Nhà nước tính đến.
Nhìn lại, chỉ trong hơn ba tháng, nhiều nước đi phối hợp đã được nhà điều hành đưa ra, trù tính sẵn trên bàn cờ tỷ giá. Thị trường hơn, bớt biện pháp hành chính là tinh thần chung.
Sau giai đoạn bình ổn và cam kết bình ổn 2011-2015 để lấy lại niềm tin trên thị trường, chính sách tỷ giá đã thực sự thay đổi với loạt giải pháp kỹ thuật đồng bộ đó.
Thay đổi đã có, vẫn có những quan điểm về sớm hay muộn, nhưng ít nhiều Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự chủ động, khi phần lớn năm 2016 vẫn còn ở phía trước.