Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinCần cô lập những nước bất chấp luật quốc tế về Biển...

Cần cô lập những nước bất chấp luật quốc tế về Biển Đông

Ông Charles Morrison, Chủ tịch Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, đã cho biết như vậy khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về những nội dung quan trọng tại thượng đỉnh Mỹ – ASEAN ở trung tâm Sunnylands, California.

Ông Charles Morrison, Chủ tịch Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii – Ảnh: Q.TR

Hội nghị sẽ có hai phiên làm việc chính gồm phiên thảo luận kinh tế – thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp” vào chiều 15-2 (sáng 16-2 giờ VN) và phiên thảo luận về bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày 16-2.

Có thể tạo ra quy tắc

Ông Charles Morrison cho rằng cuộc họp thượng đỉnh lần này không thể giải quyết những vấn đề tồn tại lâu dài ở Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng trọng tâm trong thượng đỉnh ở Sunnyland là xây dựng một tầm nhìn chung mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN về các vấn đề đang thực sự tồn tại ở Biển Đông và các giải pháp.

Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ (FONOPs) tự thân không thể thay đổi hành vi của Trung Quốc, chúng chỉ đơn giản cho thấy Mỹ không mong muốn công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo cũng như các đảo ở Hoàng Sa mà Trung Quốc xâm chiếm trước đó,” – ông Morrison giải thích.

Theo chủ tịch EWC, giải pháp cần thiết cho tranh chấp ở Biển Đông chính là một nỗ lực quốc tế, vượt ra phạm vi ASEAN, Mỹ, và Châu Á, nhằm tăng cường sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đồng thời cô lập những quốc gia có những hành động đơn phương, không tôn trọng những nguyên tắc này.

“Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN có thể tạo ra quy tắc trên hoặc sự mong đợi về những ứng xử phù hợp hơn (của Trung Quốc),” ông Morrison kết luận.

Khó thông qua TPP trong năm bầu cử

Ông Charles Morrison cũng cho biết thương mại cũng như các vấn đề kinh tế trong khu vực và thế giới chẳng hạn như sự suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Nhật sẽ những điểm thảo luận trọng tâm tại thượng đỉnh lần này.

Ông Morrison nhận định thượng đỉnh lần này sẽ giúp thu hút sự chú ý hướng về tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng theo ông, rất khó dùng sự kiện này để gây sức ép cho quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm bầu cử.

Tuy vậy, ông Morrison tự tin những người kế nhiệm ông Obama, dù là phe Dân Chủ hay Cộng Hòa, sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại tự do hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN, cả về phương diện song phương lẫn đa phương.

“Đối với các quốc gia châu Á không phải là thành viên của TPP, chúng tôi vẫn có nhiều cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại.

Ví dụ, Trung Quốc và Mỹ đang đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương, và tất cả các nền kinh tế APEC đang tìm cách đạt được Khu vực Thương mại Tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP),” ông Morrison nhận định.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ liệu các đời tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với ASEAN, ông Charles Salmon – chuyên gia nghiên cứu cấp cao của EWC đồng thời là cựu đại sứ Mỹ tại Lào – cho rằng tăng cường quan hệ với ASEAN sẽ là một trong những di sản mà ông Obama để lại vì ASEAN là trụ cột chính trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang Châu Á – Thái Bình Dương đồng thời tin rằng các tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ này.

“Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đã muốn đẩy mạnh mối quan hệ với các nước ASEAN.

Tôi nghĩ trong những tháng cuối trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama mong muốn tăng cường mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo các quốc gia ASEAN.

Ngoài ASEAN, ông Obama cũng có có nhiều di sản khác như đạo luật chăm sóc y tế, hiệp định hạt nhân với Iran, và bình thường hóa quan hệ với Cuba,” ông Charles Salmon cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới