Người Trung Quốc làm ăn với đối tác nước ngoài gần như tất cả đều hướng tới ý đồ không chế đối tác, nên họ thường dùng những chiêu thức “gây mê”.
Ngày 14/5/2013 BBC đưa tin, Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) đã cáo buộc 2 doanh nghiệp Việt Nam về hành vi hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng tại Lào và Campuchia để chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế của cư dân địa phương. Song cả hai tập đoàn kinh tế của Việt Nam đều bác bỏ cáo buộc này.
Tuy nhiên, qua sự việc đó những doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gỗ tại Việt Nam và các quốc gia khác mới vỡ lẽ, tại sao thương nhân Trung Quốc dù có nhu cầu nhập hàng gỗ từ Myanmar nhưng họ cứ muốn mua lại từ doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi Trung Quốc có biên giới chung với Myanmar, quan hệ Trung Quốc – Myanmar cũng không phải ở mức xấu, họ hoàn toàn có thể nhập trực tiếp gỗ từ Myanmar nhưng Trung Quốc không làm như vậy. Mặc dù theo lẽ thường tình, nhập khẩu qua một bên trung gian cũng đồng nghĩa với việc người Trung Quốc phải mua giá cao hơn nếu mua thẳng từ Myanmar.
Lý giải chuyện lạ này có người cho rằng, vì một thời Việt Nam có quota nhập khẩu gỗ từ Myanmar nên Trung Quốc muốn mua lại để có giá rẻ. Nhưng trên thực tế ngay cả khi Việt Nam hết quota hay với lượng hàng ngoài quota Trung Quốc vẫn không giảm nhu cầu.
Qua sự việc Global Witness cáo buộc 2 doanh nghiệp Việt Nam thì người ta hiểu ra rằng, Trung Quốc không muốn bị cáo buộc tiếp tay cho nạn phá rừng.
Mới nghe qua điều này có vẻ hợp lý, thậm chí người ta dễ có cảm nhận Trung Quốc khôn lỏi khi đưa người khác đối mặt với những bất trắc, còn mình là người lợi cả đôi dường. Như vậy thì dù Trung Quốc có “mưu cao” nhưng không “thâm sâu”.
Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu thì mới thấy đằng sau sự giấu mình ấy là cả một “sự bí ẩn” mà khi phân tích mới thấy, người Trung Quốc đã tính toán hết sức kỹ lưỡng cho kế sách này.
Từng có hàng chục năm tìm hiểu về triết lý kinh doanh của thương nhân Trung Quốc và kết quả hàng năm trời nghiên cứu cách thức làm ăn của người Trung Quốc ở nước ngoài, người viết nhận ra rằng, sự “giấu mình bí ẩn” của người Trung Quốc có thể gây nguy hại cho đối tác cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô. Hệ lụy của nó không chỉ ở hiện tại mà còn trong cả tương lai nữa.
Có tiếng không có miếng
Trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tỷ suất sinh lời của đồng vốn là vòng xoay vốn, ngoài yếu tố chênh lệch giữa giá bán và giá thành, giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Người Trung Quốc dùng mọi phương cách để kiềm chế tối đa đối tác ở hai yếu tố quan trọng này trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của họ.
Thương nhân Trung Quốc tính toán và đưa ra những điều kiện, thực hiện những bước đi khiến cho đối tác chỉ đạt được lợi ích ở mức thấp nhất, nhưng rủi ro thì ở mức cao nhất trong quan hệ làm ăn với họ. Có thể các đối tác nước ngoài không nhận ra điều nguy hiểm này bởi họ tin bạn hàng Trung Quốc và luôn cố gắng giữ chữ Tín trong kinh doanh.
Và thế là càng tin, càng tín thì các đối tác nước ngoài càng dễ dàng bị sập bẫy của người Trung Quốc, bởi họ không chỉ xem kinh doanh với mục đích kiếm lời mà còn hướng vào những ý đồ khác nữa.
Vì vậy đối tác làm ăn với Trung Quốc thường bị ru ngủ bằng những chiêu trò mà thoạt nhìn cứ nghĩ người Trung Quốc “bỏ con tôm bắt con tép” – nghĩa là họ chịu bị thiệt.
Theo tài liệu Tổ chức Bảo tồn và quản lý rừng bền vững (Forest Trend) Hoa Kỳ công bố ngày 15/9/2015, trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 845,1 triệu USD, chiếm 6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Riêng 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt trên 425 triệu USD, trong đó khoảng hơn 50% xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ.
Việt Nam vô hình chung trở thành nước trung chuyển gỗ cho Trung Quốc và chịu nhiều thua thiệt. Ảnh: Internet. |
Mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc hầu hết có nguồn gốc từ các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông và là các loại gỗ quý hiếm. Việc Việt Nam nhập khẩu các loại gỗ này từ các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông thực sự đã biến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển gỗ cho Trung Quốc.
Tính theo số liệu của Forest Trends trong 6 tháng đầu năm 2015, mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 41 triệu USD gỗ tròn và gỗ xẻ vào Trung Quốc. Để có lượng gỗ với trị giá như vậy thì ngành gỗ Việt Nam phải chuẩn bị từ 3 tháng trước khi giao hàng, nghĩa là lượng gỗ tồn tại kho, bãi của các vệ tinh và của các doanh nghiệp Việt Nam phải có trị giá ít nhất là :
T = 41.000.000 x 3 = 123.000.000 USD (Một trăm hai mươi ba triệu đô la Mỹ).
Tạm tính tỷ giá USD/VND là: 1USD = 22.500 VND (ngày 29/9/2015) thì số tiền gỗ tồn kho của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chuẩn bị xuất sang Trung Quốc là:
T = 123.000.000 x 22.500 = 2.767.500.000.000 VND
(Hai ngàn bảy trăm sáu mươi bảy tỷ, năm trăm triệu đồng).
Số tiền này là “nằm chết” – nghĩa là không sinh lời. Tạm tính theo lãi suất ưu đãi của Vietcombank là 7% / năm (áp dụng từ ngày 1/4/2015) thì riêng thiệt hại về lãi suất ròng (không tính lãi mẹ đẻ lãi con), khoản thiệt hại thứ nhất của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là:
R = 2.767.500.000.000 x 7% = 193.725.000.000 VND
(Một trăm chín mươi ba tỷ, bảy trăm hai mươi lăm triệu đồng).
Nếu đưa số tiền đó vào đầu tư thì các doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, đây là khoản thiệt hại thứ hai của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nghiệm thu hàng hóa thì do chủ hàng Trung Quốc chỉ “nhìn bằng mắt, sờ bằng tay” để quyết định nên giá cả luôn là một “nỗi niềm cay đắng” của hầu hết các đối tác nước ngoài làm ăn với Trung Quốc. Đó là khoản thiệt hại thứ ba.
Và thường thì thiệt hại về giá lớn hơn nhiều so với thiệt hại về lãi suất.
Thế là ban đầu tính toán mua bán với khách hàng Trung Quốc có thể sẽ có lợi nhuận khoảng 15% đến 20% (một con số ước lượng khá cao) thì chỉ riêng ba khoản thiệt hại này, doanh nghiệp nước ngoài không bị lỗ là cực kỳ may mắn. Nhưng cũng không nhiều doanh nghiệp được may mắn như vậy, còn lại là phải bỏ tiền ra “nuôi” bạn hàng Trung Quốc.
Với chủ hàng Trung Quốc, họ không nhập hàng trực tiếp nên nghiệp vụ kinh tế chỉ phát sinh khi họ chính thức mua hàng hóa. Nghĩa là đồng vốn của họ được quay vòng nhanh nhất, còn vốn đọng là vốn của đối tác.
Với lợi nhuận từ vòng vốn quay nhanh và chiêu trò ép giá thì phần chi phí trả cho doanh nghiệp các nước đóng vai trò trung chuyển – trong đó có doanh nghiệp Việt Nam – đã được Trung Quốc đã thu hồi lại hết.
Theo người viết thì đây chỉ là một bài toán kinh tế thường thức, doanh nhân, doanh nghiệp nào cũng biết, cũng hiểu cả, nhưng cuối cùng lại vẫn không tránh được.
Việc không hóa giải được chiêu trò của Trung Quốc có nguyên nhân vì bị rơi vào thế “triệt buộc”, nhưng cũng có nguyên nhân là có những doanh nghiệp cố tình bắt tay với người Trung Quốc để “bị lừa” và mục đích là vớt lợi cho mình, dù biết rằng nó làm hại nền kinh tế đất nước.
Như vậy, đối tác nước ngoài đã bị phía Trung Quốc đưa vào vào cảnh “có tiếng không có miếng”. Nếu muốn “có miếng” thì họ phải vi phạm pháp luật và đó là con đường đưa đối tác đến cửa tử theo sự dẫn lối của người Trung Quốc.
Ném đá giấu tay
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt giá trị 3,49 tỉ USD.
Cùng lúc đó, tháng 10/2015, Bộ Công thương Việt Nam đã nhận được văn bản của Văn phòng Chống gian lận thương mại của EU gửi đến qua Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội, thể hiện sự nghi ngờ Trung Quốc lợi dụng xuất khẩu sắt thép sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá mà EU áp với mức 25,2%.
Giới đầu tư quốc tế còn cho rằng, ngoài việc chuyển thép bị áp thuế sang Việt Nam như một trung gian để né tránh thuế, các nhà sản xuất và xuất khẩu thép Trung Quốc còn đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sử dụng xuất xứ Việt Nam, rồi xuất khẩu sang EU cũng nhằm mục đích này.
Ngành thép Việt Nam có thể bị điều tra và có nguy cơ bị liên lụy.
Ngành thép thế giới – trong đó có Việt Nam – chịu nhiều thiệt hại do doanh nghiệp thép Trung Quốc lũng đoạn. Ảnh: China Daily. |
Nguy hiểm hơn, tháng 9/2015 tập đoàn thép CSC Steel Sdn của Malaysia đã kêu gọi điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội Việt Nam. Còn trước đó, Ủy ban Chống bán phá giá của Indonesia cho biết, họ cũng đã điều tra vụ việc tương tự, theo BBC ngày 25/10/2015.
Dư luận quốc tế cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp thép Trung Quốc đứng phía sau những vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào sản phẩm thép Việt Nam ở nước ngoài, tuy nhiên lại không có bằng chứng về điều ấy.
Trong khi đó tại Việt Nam, các cơ quan chống buôn lậu hàng năm phát hiện hàng trăm vụ buôn lậu gỗ quý với số lượng lớn nhưng hầu hết chỉ do người Việt Nam thực hiện. Cơ quan bảo vệ rừng Việt Nam hàng năm phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc phá rừng lấy gỗ quý và có người phải ngã xuống vì sự hung hãn của lâm tặc.
Qua tài liệu của các cơ quan điều tra thì tất cả những vụ việc trên đều do người Việt Nam đóng vai trò từ chủ mưu, tổ chức đến trực tiếp thực hiện.
Song có điều đáng chú ý là, gần như tất cả các sản phẩm ấy đều hướng tới thị trường Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng vì lợi nhuận nên người Việt Nam bất chấp hiểm nguy và sẵn sàng vi phạm pháp luật. Điều đó không sai.
Tuy nhiên, qua phân tích về cơ chế hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì mới nhận ra rằng, việc các đối tác và vệ tinh của các đối tác nước ngoài vi phạm pháp luật là do họ bị rơi vào thế “triệt buộc”.
Lợi ích của họ – nếu trót lọt – lại không phải ở kết quả của việc buôn lậu hay phá rừng…mà là ở những nghiệp vụ kinh tế phái sinh khác.
Người viết có dịp tiếp xúc với một doanh nhân tên K.P tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên buôn bán gỗ với Trung Quốc gần 30 năm qua và biết được, phía Trung Quốc thường đưa đối tác vào thế triệt buộc hết sức tinh vi. Thậm chí có thể đến khi họ phải ngồi tù mà vẫn mang ơn người Trung Quốc đã có thiện ý giúp họ, còn việc họ rơi vào vòng lao lý chỉ là do bản thân họ và do không may mắn.
Xin mạn phép đưa ra một sự việc xảy ra mấy năm về trước làm ví dụ về cách “làm phúc” của doanh nghiệp Trung Quốc “cứu giúp” đối tác nước ngoài.
Một đối tác Việt Nam nhập một lô gỗ căm xe Myanmar về bán cho thương nhân Trung Quốc với số lượng 267m3. Sau khi mòn mỏi chờ đợi phía khách hàng Trung Quốc với biết bao chi phí phát sinh, nhưng “biệt vô âm tín” nên đối tác quyết định chào bán lô hàng đó.
Và một khách hàng Trung Quốc khác “ngẫu nhiên” xuất hiện, quyết định mua ngay, nhưng người ta cần 300 m3. Và vấn đề nằm ở 33m3 bị thiếu theo yêu cầu của người mua. Vì đã tìm hiểu kỹ thị trường gỗ tại Việt Nam thời điểm ấy nên người mua biết là đối tác không thể kiếm ngay số gỗ thiếu này, theo quy cách mà người mua yêu cầu.
Theo bà K.P cho biết, lúc đó khách hàng Trung Quốc “mở lối cho đối tác” khi cho biết, họ có nhu cầu mua gỗ cẩm lai thay cho 33m3 gỗ thiếu đó. Đương nhiên đó là ý đồ xấu nhưng người bán thì không nhìn ra điều này.
Qua một vài kết nối, đối tác tìm được người bán gỗ cẩm lai giá mềm. Thế là để cứu được 267m3 gỗ căm xe, đối tác nước ngoài đã đánh liều và sập bẫy, bởi lẽ chắc chắn 33m3 cẩm lai là gỗ lậu – khách hàng Trung Quốc đã sắp đặt mọi việc.
Sau mấy năm trời bị cơ quan chức năng xử lý và thân bại danh liệt về điều ấy, đối tác mới nhận ra họ rơi vào bẫy của khách hàng Trung Quốc. Bà K.P cho rằng, có những vụ việc phá rừng, đốt rừng – nhất là rừng tự nhiên có gỗ quý – có thể có những thế lực nào đó đứng sau và đốt hay phá như thế nào là theo ý đồ của họ. Song cơ quan điều tra chỉ tìm ra lâm tặc Việt Nam mà thôi.
Do người Trung Quốc đã tính toán kỹ từ trước và có sự phối hợp của nhiều mắt xích nên hầu hết những nghiệp vụ kinh tế phát sinh của họ là những tình huống luôn mang tính ngẫu nhiên, luôn diễn ra với trình tự hết sức hợp lý. Vì vậy các đối tác không nghi ngờ và thường lựa chọn bước vào những cái bẫy mà người Trung Quốc giăng ra.
Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới trong đó có Việt Nam chỉ cần có doanh thu lớn mà không quan tâm đến lợi nhuận. Nghĩa là người ta cần quy mô lớn để lòe thiên hạ và lừa thiên hạ – đó là những miếng mồi ngon cho thương nhân Trung Quốc.
Đây là một trong những nguyên nhân làm cho dư nợ với Trung Quốc của một số quốc gia tăng cao và cùng với đó là tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài cũng tăng lên – trong đó có cả ở Mỹ.
Giới kinh doanh cho rằng, khi làm ăn với Trung Quốc thì không chỉ tin vào, không chỉ dựa vào những số liệu thống kê mà phải tìm hiểu kỹ mục đích hợp tác của họ với triết lý kinh doanh và cơ chế hoạt động.
Người Trung Quốc làm ăn với đối tác nước ngoài gần như tất cả đều hướng tới ý đồ không chế đối tác, nên họ thường dùng những chiêu thức “gây mê” làm cho đối tác phải đi hết đoạn đường mới “tỉnh giấc” và mọi chuyện đã muộn.
Có thể thấy rằng làm ăn với Trung Quốc thì một là chịu thiệt, hai là vi phạm pháp luật để có lời. Hệ quả là, hiện nay nhiều doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới có hợp tác làm ăn với Trung Quốc đã xuất hiện tâm lý: thà làm thuê cho Trung Quốc còn hơn là làm đối tác của họ.
Chỉ cần như thế là người Trung Quốc đã có những thành công trong việc hiện thực hóa ý đồ thống trị của họ.