Nỗi ám ảnh người lao động chậm hoặc không trở lại làm việc sau Tết lớn tới mức có ông chủ phải “lạy” từ công nhân đến đối tác.
“Lạy” từ công nhân
Tết mang đến niềm vui sum vầy nhưng với nhiều ông chủ, khi Tết sắp kết thúc, nỗi ám ảnh mang tên nhân sự lại xuất hiện. Nỗi ám ảnh này đặc biệt lớn nếu ông chủ quản lý nhiều lao động là thiếu công nhân.
Anh Đỗ Phương, quản lý một xưởng may lớn ở Bắc Ninh kể khổ không năm nào anh không đau đầu về nhân sự sau Tết. Anh cho biết càng rút kinh nghiệm về cách thức quản lý thì anh càng bế tắc và chịu không ít thiệt hại.
Anh Phương kể sau nhiều lần điêu đứng vì thiếu nhân sự sau Tết, năm ngoái, anh đã đưa ra quyết định “rắn”. Đó là anh chưa trả hết lương thưởng trước Tết. Anh giữ lại một phần lương thưởng không phải vì thiếu tiền hay có mục đích sử dụng “trái phép” khoản tiền đó của công nhân. Anh làm vậy để họ sẽ không nghỉ việc hoặc chậm đi làm sau kỳ nghỉ Tết.
Tuy nhiên, cách làm này gây cho anh không ít phiền toái. “Sau này, khi nghĩ lại, bản thân tôi cũng rất áy náy vì công nhân làm cả năm chỉ chờ vào lương thưởng Tết. Vậy mà tôi giữ lại gần một nửa thu nhập của họ thì thực sự tôi cũng sai” – Anh Phương chia sẻ.
Không chỉ có vậy, người thân của một vài công nhân sinh sống gần công ty thậm chí còn đến tận nơi đe dọa… báo công an.
“Lúc đó, tôi chưa thấy mình sai. Nhưng đầu năm 2016 khi đọc báo biết 900 công nhân ở Quảng Nam ngưng việc vì công ty nợ thưởng Tết, tôi mới nhận ra mình làm như vậy thì thiệt thòi cho công nhân quá. Để rút kinh nghiêm, năm nay mới 26 Tết, tôi đã trả đủ lương thưởng và quà cáp cho công nhân” – Anh Phương kể.
Nhưng hóa ra đó lại là sai lầm tiếp theo của anh. Ngay sau khi nhận được tiền, chị em bỗng nhiên rôm rả. Họ bàn chuyện sắm Tết thế nào, mua đồ ở đâu rẻ,… chẳng ai còn tập trung vào công việc. Năng suất lao động giảm là điều có thể chấp nhận được nhưng với đặc thù công việc của xưởng, sai sót là điều khó có thể chấp nhận được.
Xưởng của anh Phương chuyên gia công hàng cao cấp cho những thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới nên đòi hỏi tay nghề cao độ chính xác cao.
“Các hãng lớn trên thế giới rất khắt khe. Họ yêu cầu độ chính xác rất cao trong công việc nên nguyên phụ liệu họ gửi sang chỉ dư rất ít để bù đắp cho sản phẩm hỏng lỗi. Không có chuyện tôi cứ may hỏng là gọi điện sang hãng xin thêm nguyên phụ liệu được” – Anh Phương phân tích.
Vì vậy, khi thấy công nhân chểnh mảng, năng suất lao động giảm, tỷ lệ hàng lỗi tăng, anh Phương cho công nhân nghỉ ngay sau ngày 26 với yêu cầu, ra Tết, xưởng sẽ mở cửa sớm hơn. Nhưng tới ngày đi làm, chỉ khoảng 70% công nhân có mặt. Những người còn lại đưa ra nhiều lý do muôn thuở như con ốm, bố mẹ ốm, gia đình có việc bận,…
“Tôi phải gọi điện cho từng người, gần như van lạy họ đi làm cho tôi. Đối tác nước ngoài không chỉ khắt khe về chất lượng mà còn khắt khe về thời gian. Có công hàng do xe hỏng, tôi phải mất hơn nửa tiếng chờ chuyến tiếp theo, thế mà họ phạt tôi gần 1.500 USD. Vậy mà tôi lạy công nhân đến như vậy, họ vẫn dửng dưng như không” – Anh Phương chua xót.
Đến “lạy” đối tác
Chia sẻ thêm về công việc của mình, anh Phương cho biết xưởng của anh có nhiều lao động tay nghề cao, sản xuất hàng đạt chuẩn của các thương hiệu thời trang lớn. Vì vậy, anh nhận được rất nhiều đơn hàng lớn với mức giá khá hời. Điều đó đồng nghĩa với việc anh luôn chịu áp lực về thời hạn giao hàng.
Để kịp giao hàng, xưởng của anh thường xuyên hoạt động hết công suất. Một ngày có tới 3 ca làm việc là chuyện bình thường. Thế nhưng, có lúc anh vẫn không sản xuất kịp. Anh “chữa cháy” bằng cách thuê đối tác gia công lại cho anh với mức giá thấp hơn.
“Xưởng của tôi quanh năm không hết việc nhưng một số xưởng khác đôi lúc trong tình trạng 1 tuần chỉ là 4 hoặc 5 ngày. Tôi chuyển hàng cho họ vừa là để tôi hoàn thành tiến độ, vừa là tạo thêm công ăn việc làm cho họ. Nói không ngoa, chứ nhiều lúc họ phải nịnh tôi để nhận được đơn hàng” – Anh Phương kể.
Thế nhưng, sau Tết, mọi việc khác hẳn. Vì có đơn hàng cần giao gấp mà công nhân chưa đi làm đủ, những người đi làm vẫn chưa tập trung vì quen nếp ăn chơi ngày Tết nên anh Phương tính toán có thể anh không kịp giao hàng.
“Tôi vội liên lạc với đối tác thì họ từ chối với lý do công nhân còn đang loạc choạc. Tôi thậm chí còn phải đến tận nhà năn nỉ như van lạy để họ nhận làm. Mãi mới có người đồng ý nhưng với giá cao hơn giá tôi nhận được từ khách hàng 1 USD/bộ. Tôi chấp nhận lỗ còn hơn bị phạt hợp đồng. Doanh nghiệp nước ngoài nghiêm túc lắm. Họ không nghe mình than nghèo kể khổ đâu” – Anh Phương than thở.
Anh Phương chia sẻ ban đầu anh khá giận đối tác nhưng sau khi suy nghĩ kĩ anh nhận ra họ cũng gặp phải khó khăn như anh mà thôi. “Xưởng của tôi lớn hơn, chăm lo đời sống tốt hơn. Ai chỉ làm đúng thời gian hành chính có thu nhập 4-5 triệu/tháng. Ai chăm chỉ làm tăng ca có thể kiếm 10 triệu/tháng. Vậy mà công nhân vẫn đỏng đảnh, gây khó cho chúng tôi rất nhiều. Như vậy, những xưởng nhỏ hơn có chế độ lương thưởng kém hơn sẽ gặp khó hơn nhiều so với chúng tôi” – Anh Phương cảm thông.
Anh Phương rất mong các chuyên gia quản trị nhân sự “mách nước” cho anh cũng như các ông chủ khác để công nhân gắn bó với công ty không để công ty rơi vào tình trạng đâu đầu vì thiếu người lao động trước và sau Tết.