Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngTQ sẽ bố trí tàu sân bay ở Biển Đông, "đe dọa...

TQ sẽ bố trí tàu sân bay ở Biển Đông, “đe dọa các nước không thiện chí”

Tàu sân bay nội Trung Quốc sẽ hoạt động ở biển xa, tăng cường tổ chức tập trận để làm quen với khí tượng thủy văn, “đe dọa quân sự”, ngăn chặn “khiêu khích”…

Ngày cuối năm 2015, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, nước này đang tự chế tạo 1 chiếc tàu sân bay động cơ thông thường ở Đại Liên, lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn. Điều này đã lập tức gây chú ý cho dư luận quốc tế.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói rằng: “Chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận về chương trình hiện đại hóa riêng lẻ của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi thực sự đang cảnh giác theo dõi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc”.

Tờ The Diplomat cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc được phổ biến cho là chủ yếu dùng vào mục đích huấn luyện. Còn tàu sân bay thứ hai dự tính sẽ vượt xa cấp độ này, phạm vi hoạt động sẽ mở rộng.

Bài viết dẫn nguồn Kanwa Defense Review bình luận, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc rất có thể sẽ bố trí tại một căn cứ ở đảo Hải Nam chứ không phải Đại Liên.

Tạp chí Naval War College Review Mỹ đánh giá, tàu sân bay, vũ khí hạt nhân và năng lực phát triển không gian vũ trụ đều được coi là biểu tượng cho vị thế nước lớn toàn cầu.

Trung Quốc tích cực trở thành nước lớn tàu sân bay, có nghĩa là vai trò của Hải quân Trung Quốc chuyển theo hướng “bảo vệ các tuyến đường chiến lược và an toàn lợi ích ở nước ngoài, tham gia hợp tác biển quốc tế”, tức là xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa có thể triển khai hành động ở các khu vực cách rất xa lãnh thổ.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 15/2 đã phát lại chương trình phỏng vấn Trương Triệu Trung, một nhà nghiên cứu của Đại học Quốc phòng Trung Quốc bình luận trên đài CCTV 4 về tàu sân bay thứ hai của nước này.

Trương Triệu Trung cho rằng, tàu sân bay nội đầu tiên đang chế tạo của Trung Quốc sẽ là tàu sân bay chiến đấu, sẽ không triển khai ở cùng một nơi với tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu này sẽ triển khai ở một khu vực khác, chẳng hạn như Biển Đông.

Lý do mà Trương Triệu Trung đưa ra là “không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Nếu có hai căn cứ thì các tàu sân bay đều có thể triển khai huấn luyện, hai phương hướng chiến lược đều sẽ có thể được tăng cường.

Tàu sân bay này đang trong quá trình phát triển, đồng thời sẽ còn triển khai một số tàu khu trục hộ tống cho nó. Việc Trung Quốc bắt đầu biên chế lượng lớn tàu khu trục Type 052D (Hạm đội Nam Hải đã biên chế 3 chiếc) hiện nay chính là để chuẩn bị cho việc này.

Hiện có nhiều hình ảnh về tàu sân bay do Trung Quốc tự chế tạo đã được cộng đồng mạng chia sẻ. Nhìn vào những bức ảnh này cho thấy, tàu sân bay này cơ bản đang ở giai đoạn lắp ráp, các bộ phận chính (các mô-đun) đều đã chế tạo xong và đang được lắp ráp. Như vậy, cơ bản hơn một năm nữa, tàu sân bay này sẽ có thể hạ thủy.

Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Sau khi đi vào hoạt động, tàu sân bay thứ hai Trung Quốc sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì? Trương Triệu Trung cho rằng, nhiệm vụ chính của tàu sân bay không phải là ở ven bờ, duyên hải, bởi vì ở ven bờ đã có lực lượng đường không triển khai trên bờ biển.

Khu vực Hoa Đông và nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư không cần tới tàu sân bay. Bởi vì, lực lượng đường không triển khai ở bờ biển Trung Quốc hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này.

Nhiệm vụ chính của tàu sân bay là ở vùng biển quốc tế, ở đại dương. Dựa vào chiến lược của Hải quân Trung Quốc, trong thời bình, tàu sân bay có thể thực hiện một số nhiệm vụ như hộ tống biển xa (chẳng hạn vịnh Aden), tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, đi thăm các nước.

Thông qua hoạt động ở biển xa, thông qua các chuyến thăm để kiểm tra một số chỉ tiêu tính năng của tàu, tăng cường huấn luyện binh sĩ.

Đồng thời, nó sẽ cùng nước khác tiến hành diễn tập quân sự ở các vùng biển khác nhau, làm quen khí tượng thủy văn ở các khu vực. Trung Quốc có thể triển khai tàu sân bay ở Thái Bình Dương, điều này đã được Bắc Kinh “chờ đợi quá lâu rồi”.

Việc làm quen khí tượng thủy văn của các khu vực cũng chính là để “đe dọa”, bởi vì tàu chiến này không phải là tàu thương mại. Tàu chiến Hải quân Trung Quốc có thể đến những khu vực xa xôi như Đại Tây Dương tiến hành một số “đe dọa quân sự”.

Theo Trương Triệu Trung, “đe dọa quân sự” chính là để cho các nước “không thiện chí” nhanh chóng thay đổi, không được “chọc giận, khiêu khích” Trung Quốc.

Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay (nguồn báo cáo Mỹ)
RELATED ARTICLES

Tin mới